Tham dự tại điểm cầu tỉnh Vĩnh Long có: Ông Bùi Văn Nghiêm - Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Vĩnh Long, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Vĩnh Long; Bà Nguyễn Thị Minh Trang - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội; Ông Phạm Văn Bé Tư - Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy; các vị đại biểu Quốc hội khóa XV đơn vị tỉnh Vĩnh Long. Cùng đại diện lãnh đạo: Thường trực, các Ban của Hội đồng nhân dân tỉnh; Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh; Thanh tra Nhà nước tỉnh; Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân; Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh.

Tại Hội nghị, các đại biểu được nghe: Báo cáo tóm tắt đánh giá kết quả thực hiện chương trình giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2022 và triển khai Chương trình giám sát năm 2023; xem trình chiếu video minh họa về kết quả thực hiện chương trình giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2022 và triển khai Chương trình giám sát năm 2023; 09 bài tham luận của đại diện cơ quan của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trình bày nhiều giải pháp nhằm triển khai có hiệu quả Chương trình giám sát, tập trung đề xuất các giải pháp nâng cao, chất lượng, hiệu quả thực hiện 4 chuyên đề giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2023.
Phát biểu bế mạc hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh: Để triển khai có hiệu quả Chương trình giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2023, đề nghị Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội và từng đại biểu Quốc hội, các cơ quan, tổ chức hữu quan quan tâm thực hiện tốt các giải pháp đã nêu trong báo cáo; tiếp tục quán triệt sâu sắc quan điểm, đường lối của Đảng, đặc biệt là yêu cầu tại văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng về "đổi mới phương thức, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động, phát huy dân chủ, pháp quyền, tăng tính chuyên nghiệp trong tổ chức và hoạt động của Quốc hội"; xác định việc nâng cao hiệu quả hoạt động giám sát là một nội dung quan trọng, khâu then chốt trong quá trình đổi mới tổ chức và hoạt động của Quốc hội; nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của hoạt động giám sát của Quốc hội, về mối quan hệ biện chứng giữa chức năng giám sát và chức năng lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, mối quan hệ biện chứng giữa hoạt động giám sát với công tác xây dựng, thi hành pháp luật, nhất là các lĩnh vực có nhiều vướng mắc, bất cập; gắn kết chặt chẽ, bảo đảm kết nối và kế thừa hiệu quả giữa kết quả hoạt động giám sát văn bản quy phạm pháp luật do Quốc hội tiến hành với kết quả các hoạt động kiểm tra, kiểm soát chất lượng văn bản quy phạm pháp luật do Chính phủ thực hiện.Tiếp tục nghiên cứu xác định rõ hơn phạm vi, đối tượng, phương pháp, hình thức giám sát; nâng cao chất lượng xây dựng chương trình giám sát; tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong triển khai hoạt động giám sát; tăng cường giám sát của Quốc hội trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí; hoàn thiện cơ chế phối hợp giữa Quốc hội với các tổ chức Đảng, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội trong hoạt động giám sát để phát huy vai trò giám sát của mỗi cơ quan, cùng tạo sức cộng hưởng thúc đẩy, nâng cao chất lượng, hiệu quả kiểm soát quyền lực; sớm rà soát, tổng kết, đánh giá và nghiên cứu đề xuất sửa đổi, bổ sung một số quy định của pháp luật về hoạt động giám sát, đặc biệt là Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân để phù hợp với yêu cầu kiểm soát quyền lực trong tình hình mới./.
Lê Thị Huỳnh