
Đóng góp các ý kiến tại hội nghị, các đại biểu cơ bản thống nhất với việc sửa đổi Dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình và cơ bản nhất trí với nhiều nội dung chính của dự thảo Luật. Dự thảo Luật đã cơ bản đáp ứng mục đích đặt ra, đó là: bảo đảm thể chế hoá kịp thời chủ trương, đường lối của Đảng để “phát triển gia đình hạnh phúc, bền vững và thực hiện phòng, chống bạo lực gia đình toàn diện, khả thi, có hiệu quả”; tiếp tục hoàn thiện thể chế về công tác phòng, chống bạo lực gia đình theo hướng tăng cường các biện pháp bảo vệ các quyền con người theo Hiến pháp năm 2013; nâng cao hiệu lực, hiệu quả của các thiết chế nhà nước, xã hội, cũng như vai trò của gia đình trong phòng, chống bạo lực gia đình góp phần giữ gìn giá trị văn hoá truyền thống tốt đẹp của gia đình, dân tộc, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trong tình hình mới.

Góp ý vấn đề cụ thể, đại biểu đề nghị nên giải thích thêm cụm từ "thành viên gia đình" và cụm từ "chuyển đồi hành vi bạo lực gia đình” để tránh gây hiểu nhầm; đề nghị bổ sung thêm nguyên tắc "An toàn cho người bị bạo lưc là trên hết và gây bạo lực phải chịu trách nhiệm về hành vi của mình" vào nội dung "Nguyên tắc phòng, chống bao lực gia đình". Cần bổ sung trách nhiệm của Bộ Tài chính để hướng dẫn, theo dõi, quản lý kinh phí trong quá trình thực hiện nhiệm vụ; có chính sách hỗ trợ người bị bạo lực gia đình là người bị phụ thuộc vào thành viên khác trong gia đình và chính sách hỗ trợ cho đội ngũ cán bộ tham gia công tác phòng, chống bạo lực gia đình ở cơ sở.
Bà Nguyễn Thị Minh Trang, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Long tiếp thu, ghi nhận ý kiến đóng góp của các đại biểu. Các ý kiến này sẽ được tổng hợp, chuyển đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội làm cơ sở để tiếp tục đóng góp sửa đổi hoàn thiện dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi)./.
Quỳnh Như