Đoàn Vĩnh Long tham gia thảo luận Tổ cùng các tỉnh Điện Biên, Bình Định, Bến Tre. Ông Bùi Văn Nghiêm, Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư tỉnh Uỷ, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội được phân công làm Tổ trưởng.

Tham gia phát biểu thảo Luận tại Tổ, Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Minh Trang cơ bản thống nhất với báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, tuy nhiên qua nghiên cứu báo cáo của Chính phủ đại biểu vẫn còn trăn trở một số vấn đề:
Thứ nhất, đối với lĩnh vực kinh tế.
Một là, đại biểu đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành chủ quản tiếp theo dõi chặt chẽ diễn biến giá cả, tình hình lạm phát trên thế giới, kịp thời cảnh báo các nguy cơ ảnh hưởng đến giá cả, lạm phát của Việt Nam, để xây dựng kịch bản điều hành giá cả phù hợp trong năm 2023 và những năm tiếp theo; chú trọng đánh giá, nhận định các mặt hàng, nguyên vật liệu có khả năng thiếu hụt tạm thời hay trong dài hạn để kịp thời có giải pháp bảo đảm cân đối cung - cầu, nhằm chủ động, linh hoạt trong điều hành bình ổn giá, nhất là giá nguyên vật liệu đầu vào phục vụ cho sản xuất nông nghiệp (như giống, phân bón, thức ăn chăn nuôi...), giá điện, xăng dầu nhằm thúc đẩy thương mại, xuất nhập khẩu bền vững, đảm bảo mục tiêu phục hồi, phát triển kinh tế và nâng cao đời sống của Nhân dân cả nước.
Hai là, về phát triển kinh tế vùng: đại biểu cho rằng Cấp ủy, chính quyền và cử tri Đồng bằng sông Cửu Long vô cùng phấn khởi khi Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 13-NQ/TW về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trong Nghị quyết này, Bộ Chính trị đã đưa ra nhiều nhiệm vụ và giải pháp tháo gỡ điểm nghẽn trong phát triển kinh tế vùng và liên kết vùng, hướng mạnh thực hiện mục tiêu xây dựng hệ thống giao thông vùng Đồng bằng sông Cửu Long đồng bộ, hiện đại. Do đó, để hiện thực hoá nhanh nhất, hiệu quả nhất Nghị quyết 13-NQ/TW của Bộ Chính trị, đại biểu đề nghị Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải tiếp tục rà soát, đánh giá, căn cứ các điều kiện đặc thù, lợi thế của các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, để tiếp tục xây dựng hoàn chỉnh quy hoạch hệ thống giao thông vùng (Quốc lộ 54, ba nhiệm kỳ Quốc hội), từ đó ưu tiên huy động, phân bổ nguồn vốn đầu tư có trọng tâm, trọng điểm vào các công trình động lực, có tính lan tỏa, bảo đảm kết nối hiệu quả giữa các phương thức nhằm tái cơ cấu thị phần vận tải, nâng cao chất lượng vận tải và giảm chi phí logistics, tạo động lực thúc đẩy kinh tế, xã hội vùng Đồng bằng sông Cửu Long phát triển mạnh mẽ.
Ba là, hiện nay du lịch cộng đồng ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long đang có rất nhiều tiềm năng và thế mạnh với nhiều mô hình đa dạng, hấp dẫn, hứa hẹn mang lại nguồn thu lớn cho ngành du lịch của quốc gia và người dân tại các địa phương. Song nhìn chung đến nay, loại hình này vẫn đang tồn tại ở dạng tiềm năng, chưa có đủ sự tự tin để phát triển như một loại hình mới vì chưa được hoạch định, quản lý, khai thác bài bản, thực tế đã xuất hiện tình trạng tự phát làm du lịch, tâm lý “mạnh ai nấy làm”, hoặc theo kiểu phong trào với tầm nhìn ngắn hạn, “nhà nhà đua nhau làm du lịch”, người người đều có thể trở thành hướng dẫn viên du lịch, thậm chí tạo nên tình trạng cạnh tranh thiếu lành mạnh, khó kiểm an ninh trật tự, chất lượng dịch vụ không bảo đảm, phá vỡ cảnh quan, ô nhiễm môi trường do cơ sở hạ tầng yếu kém. Do đó, đại biểu đề nghị Tư lệnh ngành du lịch tiếp tục nghiên cứu đề ra thêm nhiều giải pháp khả thi giúp ngành du lịch các địa phương quản lý, khai thác có hiệu quả để loại hình du lịch cộng đồng phát triển bền vững, chất lượng đóng góp vào mục tiêu phát triển ngành du lịch quốc thành ngành kinh tế mũi nhọn.
- Thứ hai, trên lĩnh vực xã hội.
Một là, đề nghị Chính phủ nghiên cứu mở rộng chính sách hưu trí xã hội toàn dân, để trong trường hợp có các cú sốc hoặc rủi ro thì các chương trình an sinh này sẽ được kích hoạt để đảm bảo mức sống tối thiểu cho người dân, đảm bảo tất cả các nhóm đối tượng đều được thụ hưởng, nhất là nhóm người hết tuổi lao động, mất sức lao động, người cao tuổi vẫn có nguồn thu nhập chính yếu, không phải chịu sự phụ thuộc vào con cái, cộng đồng mà họ vẫn được “sống vui, sống khoẻ” một cách đúng nghĩa nhất và góp phần rút ngắn khoảng cách chênh lệch thu nhập giữa các nhóm đối tượng, để “không ai bị bỏ lại phía sau”.
Hai là, Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục lãnh đạo thực hiện hiệu quả Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình trên phạm vi cả nước gắn với thực hiện Chương trình về phòng, chống bạo lực gia đình trong tình hình mới đến năm 2025 cũng như đẩy mạnh các hoạt động truyền thông, tăng cường công tác phối hợp liên ngành về thực hiện quyền của phụ nữ, phòng chống xâm hại phụ nữ, tiến tới chấm dứt vấn nạn bạo lực gia đình.
Ba là, đề nghị Chính phủ chỉ đạo hoàn thiện các quy định về phòng, chống bạo lực trẻ em trong việc sửa đổi Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, nghiên cứu điều chỉnh, bổ sung các quy định, tiêu chuẩn, tiêu chí an toàn phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em, nhất là vấn nạn trẻ em bị đuối nước; đồng thời, tiếp tục chỉ đạo phân định rõ trách nhiệm của các ngành, các cấp, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị để xảy ra bạo lực, xâm hại trẻ em và tai nạn, thương tích trẻ em nghiêm trọng, không để xảy ra tình trạng đùn đẩy trách nhiệm trong giải quyết các các sự vụ, sự việc liên quan đến trẻ em. Đặc biệt, tiếp tục rà soát, ưu tiên bố trí ngân sách thực hiện chính sách hỗ trợ trẻ em trong thiên tai, dịch bệnh, trẻ em nghèo, cận nghèo, trẻ em di cư; chăm sóc phát triển toàn diện trẻ em trong những năm đầu đời; chăm sóc sức khỏe tâm thần và tâm lý xã hội; chăm sóc trẻ em mồ côi do dịch bệnh COVID-19 gắn với duy trì xây dựng và triển khai hoạt động mạng lưới kết nối dịch vụ chăm sóc phát triển toàn diện trẻ em tại tại gia đình, trường học và cộng đồng, thúc đẩy hoạt động mạng lưới ứng cứu, bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng; để đảm bảo an toàn về sức khỏe thể chất, tâm thần, dinh dưỡng và điều kiện học tập, đảm bảo công bằng trong tiếp cận nền giáo dục chất lượng của trẻ em; để trẻ em được chăm sóc, nuôi dưỡng, vui chơi, giải trí và giao tiếp xã hội một cách toàn diện nhất.
Cuối cùng, Phó trưởng Đoàn Nguyễn Thị Minh Trang đề nghị Chính phủ quan tâm chỉ đạo các Bộ, ngành tiếp tục nghiên cứu, sớm sửa đổi, bổ sung, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về xã hội hóa, cơ chế tự chủ tài chính, cơ chế đấu thầu trong lĩnh vực y tế, giáo dục cũng như sớm triển khai các cơ chế, chính sách đãi ngộ, thu hút, giữ chân người lao động, khắc phục nhanh nhất tình trạng cán bộ y tế, giáo dục khu vực công xin nghỉ việc, thôi việc (từ năm 2020 đến tháng 6/2022, đã có trên 39 nghìn cán bộ, công chức, viên chức nghỉ việc, chuyển việc, nhất là các lĩnh vực y tế, giáo dục.... là con số quá lớn trong 1 giai đoạn ngắn sau đại dịch), đồng thời giải quyết căn cơ, dứt điểm tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị, vật tư, sinh phẩm y tế ở một số bệnh viện, nhằm phục vụ ngày càng tốt hơn công tác khám bệnh, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe của nhân dân nói chung.
Lê Thị Huỳnh