
Về tên gọi của dự thảo, đại biểu đề xuất đổi tên luật thành Luật khai thác dầu khí vì các nội dung được quy định trong dự thảo luật chủ yếu tập trung vào hoạt động thăm dò và khai thác dầu khí. Về đối tượng áp dụng (Điều 2), đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc đối với cụm từ “cá nhân” vì việc quy định đối tượng là cá nhân được tham gia các hoạt động này sẽ không tránh khỏi tình trạng đặt lợi ích cá nhân trên lợi ích của quốc gia, nhất là có thể làm thất thoát nguồn tài nguyên của đất nước. Đối với các hành vi bị nghiêm cấm (Điều 9), đề nghị bổ sung thêm đối với hành vi làm giả hồ sơ, tài liệu liên quan đến đấu thầu, thông tin, số liệu khai thác dầu khí, điều tra cơ bản hợp đồng mua bán dầu khí. Tại Điều 15 quy định các hình thức lựa chọn nhà thầu ký kết hợp đồng dầu khí, đại biểu đề nghị Cơ quan soạn thảo cân nhắc quy định một cách cụ thể, chặt chẽ, tránh trường hợp sẽ lộ, lọt thông tin, vấn đề nào cần công khai, vấn đề nào không công khai. Về tiêu chí và phương pháp đánh giá lựa chọn nhà thầu, (tại điểm a khoản 1 Điều 22) của dự thảo có quy định năng lực, kinh nghiệm của nhà thầu, đại biểu đề nghị bổ sung thêm cụm từ “tài chính” sau cụm từ “năng lực” để phù hợp với khoản 2 Điều 16 của dự thảo Luật. Về nội dung từ Điều 44 đến Điều 48, đại biểu đề nghị Cơ quan soạn thảo cần cân nhắc, quy định rõ giữa chức năng của doanh nghiệp và quản lý nhà nước trong hoạt động xăng dầu vì theo quy định của dự thảo Luật cho phép Tập đoàn Dầu khí vừa hoạt động kinh doanh và vừa tham gia quản lý nhà nước trong hoạt động xăng dầu, vấn đề này đại biểu cho rằng chưa phù hợp, không đảm bảo tính khách quan. Về quyền của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (tại khoản 4 và khoản 5, Điều 61), đại biểu đề xuất nên thẩm quyền cho Chính phủ quy định, vì thẩm quyền phê duyệt giao cho Tập đoàn Dầu khí đại biểu cho rằng chưa phù hợp. Tại điểm b khoản 2 Điều 65 quy định trách nhiệm quản lý nhà nước về điều tra cơ bản về dầu khí và hoạt động dầu khí, có quy định là nghiên cứu xây dựng, ban hành, hướng dẫn về định mức chi phí, định mức kinh tế, kỹ thuật cho điều tra cơ bản về dầu khí và hoạt động dầu khí, đại biểu đề xuất bỏ cụm từ “nghiên cứu”.

Ngoài những đóng góp cụ thể cho các điều luật, đại biểu đề nghị Cơ quan soạn thảo cần quy định một nội dung riêng về công tác thanh tra, kiểm tra, khen thưởng cũng như quy định xử lý vi phạm hành chính trong hoạt động xăng dầu để đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật; quy định mức sàn về khoa học, công nghệ để sàng lọc những nhà thầu với kỹ thuật cũ trong khai thác dầu khí; bổ sung quy định về bảo vệ môi trường trong quá trình khai thác dầu khí,... Đại biểu cũng cho rằng trong dự thảo Luật Dầu khí chỉ nói đến phần dầu còn về phần khí thì chưa được đề cập vì trong thực tế việc khai thác dầu khí có cả phần dầu và cả phần khí cũng như các sản phẩm khác từ dầu khí. Do đó, đề nghị Cơ quan soạn thảo nên cân nhắc, bổ sung thêm nội dung này vào dự thảo để có cơ sở pháp lý trong quá trình triển khai thực hiện khi luật có hiệu lực thi hành./.
Lê Thị Huỳnh