Phát biểu thảo luận đối với dự án Luật hợp tác xã (sửa đổi), đại biểu Quốc hội Nguyễn Thanh Phong cho rằng việc sửa đổi dự án Luật Hợp tác xã là rất cần thiết nhằm tạo hành lang pháp lý thuận lợi, thông thoáng cho phát triển của các tổ chức kinh tế hợp tác trong tình hình phát triển kinh tế xã hội của đất nước, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các tổ chức kinh tế hợp tác phát triển hiệu quả, bền vững, đóng góp nhiều hơn cho nền kinh tế quốc gia trong thời kỳhội nhập quốc tế, sự phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp. Hoàn thiện quy định về huy động, phát triển thành viên, loại bỏ các quy định gây trở ngại gia nhập thị trường, phù hợp với xu thế vận động và phát triển của các tổ chức kinh tế hợp tác trong bối cảnh mới.

Góp ý hoàn thiện dự thảo Luật khi có hiệu lực pháp luật trong thực tiễn, đại biểu Nguyễn Thanh Phong đề xuất một số nội dung liên quan:
Thứ nhất, đề nghị quy định không cho phép chuyển nhượng vốn góp giữa các thành viên tổ chức kinh tế hợp tác có tư cách pháp nhân (Điều 150), để đảm bảo tính “hợp tác xã” của các tổ chức kinh tế hợp tác và tránh nguy cơ các tổ chức, cá nhân tham gia có khả năng thay đổi địa vị pháp lý các thành viên để thâu tóm, chi phối hoạt động, thậm chí chiếm hữu vốn quỹ, tài sản tích lũy không chia của tổ chức kinh tế hợp tác.
Thứ hai, bổ sung thêm nội dung “vốn hoạt động” trong Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động kinh doanh của tổ chức kinh tế hợp tác có tư cách pháp nhân để thể hiện thực chất quy mô hoạt động cũng như tạo điều kiện cho quá trình giao dịch với đối tác hoặc huy động vốn tín dụng vì hiện nay đa số vốn điều lệ (vốn góp của các thành viên) thường rất nhỏ, trong khi nguồn vốn từ quỹ chung không chia và tài sản chung không chia của có thể rất lớn nhưng không được ghi nhận trong vốn điều lệ.
Thứ ba, phải quy định rõ tiêu chuẩn về phân loại quyền, nghĩa vụ của các tổ chức kinh doanh, hợp tác xã, việc kết nạp thành viên hợp tác xã ; nguồn vốn vay của hợp tác xã, tỷ lệ góp vốn và phân phối lợi nhuận của các thành viên hợp tác xã.
Bên cạnh đó, đại biểu Nguyễn Thanh Phong cũng đưa ra một số kiến nghị đối với dự thảo Luật:
Một là, hoàn thiện khung khổ pháp lý cho hoạt động của các tổ chức kinh tế tập thể; giải quyết triệt để những tồn tại, mâu thuẫn, chồng chéo, làm cản trở đến sự phát triển các khu vực kinh tế tập thể.Luật Hợp tác xã cần được sửa đổi theo hướng vẫn giữ được bản chất của tổ chức hợp tác xã nhưng cởi mở hơn, thông thoáng hơn, nâng cao tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm và có vị thế bình đẳng so với các loại hình kinh tế khác, đặc biệt là loại hình doanh nghiệp. Cần thúc đẩy khu vực kinh tế tập thể phát triển đa dạng các thành phần, thu hút được nhiều thành viên, tạo động lực cho hợp tác xã phát triển trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Hai là, cần tiếp tục hoàn thiện chính sách ưu đãi, hỗ trợ phát triển hợp tác xã trong đó định hướng phát huy bản chất hợp tác xã theo nhu cầu, trình độ phát triển của tổ chức hợp tác xã và phù hợp với khả năng nguồn lực của Nhà nước; đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu, khảo sát mô hình kinh tế hợp tác có hiệu quả trong và ngoài nước.
Ba là, quy định thêm về thành viên hợp tác xã, ngoài thành viên chính thức là những người sản xuất kinh doanh nhỏ trong cùng một lĩnh vực, hợp tác xã có thể có những thành viên là các doanh nghiệp, những người sản xuất kinh doanh cung ứng các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đầu vào cho hợp tác xã chế biến, tiêu thụ sản phẩm cho hợp tác xã. Luật cần có những quy định phân biệt thành viên chính thức và thành viên liên kết về tiêu chuẩn, quyền lợi, trách nhiệm; bỏ quy định tất cả thành viên hợp tác xã phải sử dụng các sản phẩm, dịch vụ của hợp tác xã và quy định chấm dứt tư cách thành viên hợp tác xã khi họ không sử dụng dịch vụ của hợp tác xã từ 2 đến 3 năm.
Bốn là, cần cụ thể hóa các chính sách phát triển nguồn lực, chính sách đất đai, tài chính, tín dụng, khoa học công nghệ, đầu tư hạ tầng, bảo hiểm xã hội, thông tin kinh tế, kỹ năng tiếp thị và nghiên cứu thị trường để quy định trong Luật. Đồng thời, để đảm bảo tính khả thi, cần quy định rõ các tiêu chí lựa chọn đối với đối tượng Nhà nước hỗ trợ nhằm tránh tình trạng dàn trải, thiếu hiệu quả, khắc phục tình trạng hợp tác xã trá hình để trục lợi chính sách hỗ trợ của Nhà nước.
Lê Thị Huỳnh