
Đóng góp ý kiến vào dự án Luật Bảo vệ người tiêu dùng (sửa đổi), đại biểu Quốc hội chuyên trách Trịnh Minh Bình đơn vị tỉnh Vĩnh Long cơ bản đồng tình với dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, tuy nhiên đại biểu đề nghị bổ sung các đối tượng áp dụng là “các cơ quan, tổ chức, cá nhân nước ngoài có liên quan”, “tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng” nhằm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùngtrong các giao dịch mua sắm trực tuyến, đặc biệt là giao dịch có yếu tố nước ngoài và nâng cao vị thế, vai trò của tổ chức xã hội trongbảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Về chính sách của Nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (Điều 5) và chính sách của Nhà nước về sản xuất và tiêu dùng bền vững (Điều 6), đại biểu đề nghị cần làm rõ việc cụ thể hóa các chính sách nêu trên tại các điều khoản trong dự thảo Luật hoặc giao Chính phủ quy định cụ thể hoặc dẫn chiếu đến các Luật khác liên quan để bảo đảm tính khả thi trong thực tiễn. Về bảo đảm an toàn thông tin của người tiêu dùng (Điều 12), đề nghị bổ sung nội dung xử lý trách nhiệm hoặc trách nhiệm bồi thường của tổ chức, cá nhân kinh doanh khi “thông tin người tiêu dùng bị lộ” thuộc 03 hành vi quy định tại khoản 1 Điều 12 đồng thời, đề xuất bổ sung hành vi mua, bán thông tin của người tiêu dùng.Về xử lý vi phạm pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (Điều 18), đại biểu đề nghị bỏ Điều này vì tại khoản 2 Điều 8 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật đã có quy định.Về sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật và thu hồi sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật (từ Điều 32 đến Điều 35), đề nghị cần quy định cụ thể thời hạn thu hồi sản phẩm, hàng hóa khuyết tật và việc báo cáo kết quả thu hồi với cơ quan nhà nước có thẩm quyền; cần phân biệt sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật nhóm A và sản phẩm, hàng hóa.Tại Điều 36, quy định về yêu cầu cơ quan quản lý nhà nước xử lý vi phạm pháp luật liên quan đến bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, đại biểu đề nghị bổ sung quy định về thời gian giải quyết của cơ quan có thẩm quyền đối với yêu cầu của người tiêu dùng về xử lý vi phạm pháp luật liên quan đến bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng nhằm đảm bảo tính kịp thời. Bên cạnh đó, đại biểu đề nghị bổ sung quy định trách nhiệm cơ quan nhà nước, cá nhân trong thiếu trách nhiệm, chậm trễ trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và đề nghị bổ sung quy định về căn cứ và công khai các căn cứ khi thay đổi Danh mụcDanh mục hàng hóa, dịch vụ thiết yếu do Thủ tướng Chính phủ ban hành.

Góp ý dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi), đại biểu Quốc hội chuyên trách Trịnh Minh Bình tán thành việc mở rộng phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật trong bối cảnh công nghệ số đã và đang phát triển mạnh mẽ, ứng dụng rộng rãi ở Việt Nam.Tuy nhiên, đại biểu cho rằng mở rộng phạm vi điều chỉnh sẽ tạo thêm áp lực đối với nguồn nhân lực, hạ tầng công nghệ thông tin vì hiện nay vẫn có nhiều nước chưa áp dụng giao dịch điện tử trong một số lĩnh vực (đặc biệt như đất đai, thừa kế). Về chữ ký điện tử, đại biểu đề nghị quy định về các tiêu chuẩn cụ thể tối thiểu về chữ ký điện tử, chứng thực chữ ký điện tử để người dân và cơ quan nhà nước có thể áp dụng ngay mà không cần chờ văn bản pháp luật chuyên ngành sửa đổi. Tại Điều 26, đề nghị thay tên “Chữ ký số chuyên dùng Chính phủ” bằng “Chữ ký số chuyên dùng công vụ” để phù hợp với phạm vi sử dụng chữ ký số chuyên dùng hiện nay gồm cả cơ quan Đảng, Quốc hội, tổ chức chính trị - xã hội. Ngoài ra, đại biểu đề nghị nghiên cứu, bổ sung nguyên tắc buộc các cơ quan phải tiếp nhận và xử lý giao dịch điện tử từ người dân và doanh nghiệp gửi, không từ chối hoặc yêu cầu bổ sung bản giấy hoặc nghiên cứu bổ sung hành vi bị nghiêm cấm trong giao dịch điện tử(Điều 8); làm rõ cơ sở pháp lý, thẩm quyền quản lý việc phát hành, thu hồi chứng thư chữ ký số của “Tổ chức chứng thực điện tử quốc gia” quy định tại điểm c khoản 2 Điều 26 và khoản 4 Điều 32 của dự thảo Luật; bổ sung quy định về chính sách ưu đãi, hỗ trợ thúc đẩy chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, phát triển và sử dụng các nền tảng số và được xem xét hưởng các ưu đãi về thuế, phí khi thực hiện chuyển đổi số; bổ sung quy định cụ thể về tạo lập, xác thực tài khoản giao dịch và giá trị pháp lý của kết quả thực hiện giao dịch điện tửtrong cơ quan Nhà nước; quy định người dùng chỉ cung cấp một lần dữ liệu cá nhân nhằm đơn giản hóa quy trình, thủ tục, thúc đẩy GDĐT ngày càng phát triển. Đồng thời, đề nghị quy định rõ hơn quyền, nghĩa vụ của công dân trong việc thu thập, quản lý, khai thác sử dụng cơ sở dữ liệu; quy định dẫn chiếu cần thiết để bảo đảm tính đồng bộ của dự thảo Luật trong Chương V, làm rõ cơ chế chia sẻ dữ liệu dùng chung về dân cư, doanh nghiệp nhằm tạo thuận lợi cho các tổ chức, doanh nghiệp cung cấp các dịch vụ định danh điện tử làm cơ sở xác thực, đối chiếu./.
Lê Thị Huỳnh