
Qua xem xét báo cáo và làm việc với đơn vị, Đoàn ghi nhận: Khi Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội được thông qua, Tỉnh Vĩnh Long đãtừng bước thể chế hóa các chủ trương, quan điểm lớn của Đảng và Nhà nước về đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo, tạo hành lang pháp lý cho thực hiện chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới góp phần đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.Hệ thống giáo dục của tỉnh ngày càng được hoàn thiện; mạng lưới trường lớp học mở rộng đến các khu dân cư, tạo điều kiện thuận lợi và thu hút hầu hết các học sinh trong độ tuổi đến trường.Từng bước chuẩn hóa cơ sở vật chất, tập trung chỉ đạo xây dựng phòng học, thư viện, phòng bộ môn, phòng chức năng và cung cấp thiết bị dạy học. Nhiều phòng học đã được xây mới, nâng cấp, sửa chữa. Tỷ lệ phòng học kiên cố, bán kiến cố đạt trên 99%, trong đó cấp Trung học phổ thông đạt 100%. Khả năng đáp ứng của các phòng bộ môn đạt trên 80%, trong đó cấp Trung học cơ sở đạt 100%. Việc mua sắm trang thiết bị dạy và học cũng được thực hiện khá tốt đối với cấp Trung học phổ thông, đảm bảo nhu cầu thiết yếu cho học sinh và phục vụ tốt điều kiện giảng dạy của giáo viên. Việc phát huy các nguồn lực trong xã hội thông qua chủ trương xã hội hóa giáo dục đạt kết quả khá cao góp phần giải quyết khó khăn về cơ sở vật chất của ngành.

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông trên địa bàn tỉnh vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như:việc chuyển từ Chương trình giáo dục phổ thông 2006 sang học Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đối với các em học sinh đầu cấp còn gặp khó khăn do hai Chương trình này có độ khác nhau về nhiều mặt;một bộ phậngiáo viên chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, còn hạn chế trong việc tiếp cận các phuơng tiện, thiết bị dạy học hiện đại, phương pháp và hình thức tổ chức dạy học mới.Việc mua sắm thiết bị dạy học thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông2018 gặp khó khăn, thiết bị dạy học tối thiểu chưa được trang cấp kịp thời, ảnh hưởng đến việc tổ chức thực hiện chương trình, chất lượng dạy và học. Công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ chưa giải quyết dứt điểm được tình trạng thừa, thiếu cục bộ, chưa tổ chức được các lớp bồi dưỡng giáo viên dạy các môn mới. Việc biên soạn, in ấn tài liệu giáo dục địa phương nhìn chung vẫn còn chậm, gây khó khăn cho việc triển khai sử dụng tài liệu vào thực tiễn dạy học.
Phát biểu kết luận, Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Minh Trang đánh giá cao kết quả đạt được của Sở Giáo dục và Đào tạo trong việc triển khai đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua đồng thời chia sẻ những khó khăn đối với ngành. Ghi nhận các kiến nghị của đơn vị, đồng thời đề nghị Lãnh đạo ngành giáo dục trong thời gian tới tiếp tục chủ động rà soát, sắp xếp lại mạng lưới cơ sở giáo dục theo chủ trương của Đảng, Quốc hội và Chính phủ để có cơ sở đổi mới hệ thống tổ chức, quản lý và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các cơ sở giáo dục phổ thông công lập phù hợp với điều kiện, tình hình thực tiễn ở địa phương; đánh giá tổng thể các thiết bị dạy học đáp ứng với yêu cầu đặt ra của Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng thường xuyên gắn với bồi dưỡng triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới cho đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục; tiếp tục thực hiện tốt chức năng tham mưu cho Tỉnh Ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh đối với nhiệm vụ phát triển của ngành; tăng cường thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra, thường xuyên tổ chức sơ kết để đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ để kịp thời uốn nắn những hạn chế và định hướng cho các cơ sở giáo dục trong thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018; quan tâm giáo dục kỹ năng sống, giáo dục thể chất, giáo dục tâm sinh lý,.. cho học sinh./.
Lê Thị Huỳnh