Phát biểu khai mạc phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhận định: thời gian qua, mặc dù số lượng các loại vụ án phải thụ lý giải quyết tăng nhiều và có tính chất ngày càng phức tạp (so với cùng kỳ của 05 năm trước, số lượng các vụ án phải giải quyết tăng 507.849 vụ, đặt biệt năm 2022, số lượng các loại vụ việc thụ lý tăng 29.944 vụ so với năm trước), trong khi số lượng biên chế được giao không tăng thêm, chất lượng biên chế còn chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ…, nhưng với tinh thần trách nhiệm cao, nỗ lực lớn của cán bộ, công chức, viên chức Tòa án nhân dân, chất lượng, hiệu quả công tác xét xử của các Tòa án ngày càng được nâng lên; tỷ lệ các bản án quyết định bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan được hạn chế ở mức thấp; hầu hết các vụ việc được giải quyết trong thời hạn quy định của pháp luật; công tác tổng kết thực tiễn xét xử tiếp tục được tăng cường cả về phương thức thực hiện cũng như chất lượng; công tác phát triển án lệ được chú trọng ban hành; việc tổ chức phiên tòa trực tuyến theo Nghị quyết số 33/2021/QH15 của Quốc hội được tích cực triển khai thực hiện… Bên cạnh đó, vẫn còn những tồn tại, hạn chế, nổi lên là: vẫn còn một số vụ án giải quyết quá thời hạn luật định do nguyên nhân chủ quan; tỷ lệ bản án, quyết định hành chính bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan chưa đạt chỉ tiêu Quốc hội đề ra; các phản ánh vướng mắc gửi về Tòa án nhân dân tối cao còn chậm; một số vấn đề cần ban hành quy phạm pháp luật có nội dung chuyên sâu, phức tạp hoặc thực tiễn chưa phát sinh còn chưa kịp thời; quy trình lựa chọn và phát triển án lệ vẫn cần tiếp tục được nghiên cứu, hoàn thiện, số lượng án lệ được ban hành trong một số lĩnh vực còn ít; việc đầu tư, lắp đặt trang thiết bị phục vụ xét xử trực tuyến đồng bộ còn hạn chế… Do đó, phiên chất vấn lần này là dịp để các trưởng ngành cung cấp đến công chúng, cử tri những thông tin chính thống về kết quả công tác của ngành mình đồng thời đưa ra được các giải pháp thiết thực, hiệu quả, khả thi để nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả công tác điều hành lĩnh vực quản lý, đáp ứng yêu cầu, kỳ vọng của cử tri và Nhân dân cả nước.

Tham gia chất vấn, đại biểu Quốc hội chuyên trách Trịnh Minh Bình nêu ý kiến chất vấn: Hiện nay việc xác định thiệt hại trong các vụ án kinh tế, tham nhũng, nhất là trong các vụ án có liên quan đến đất đai, đầu tư, xây dựng cơ bản còn gặp nhiều khó khăn do các công trình thi công trong nhiều năm chưa được quyết toán dẫn đến không thực hiện giám định được, do đó, đại biểu đề nghị Chánh án cần có giải pháp để khắc phục các hạn chế trong thời gian tới? Bên cạnh đó, đại biểu cho biết: có ý kiến đề nghị thành lập đề án trình Quốc hội sớm ban hành Nghị quyết về trình tự, thủ tục, quy định đối với phiên tòa trực tuyến. Với vai trò là người đầu ngành Tòa án, đại biểu đề nghị Chánh án cho biết quan điểm về vấn đề này?
Trả lời vấn đề của đại biểu Trịnh Minh Bình quan tâm về giám định trong các vụ án liên quan đến đất đai, Chánh án Nguyễn Hòa Bình cho biết: Theo quy định, các vụ án kinh tế phải chứng minh được hậu quả, thiệt hại. Muốn chứng minh được hậu quả và thiệt hại, cơ quan điều tra phải trưng cầu giám định giá trị đất đai, nhưng hiện nay có bất cập về hoạt động giám định như trách nhiệm, năng lực yếu. Vì vậy, giải pháp là nâng cao năng lực và trách nhiệm của đội ngũ giám định viên khi có yêu cầu giám định. Nếu bỏ khâu giám định, cơ quan tiến hành tố tụng không có căn cứ của cơ quan chuyên môn để ban hành các nghị quyết tiếp theo. Đối với nội dung chất vấn về đề nghị Quốc hội ban hành Nghị quyết về trình tự, thủ tục phiên tòa trực tuyến, Chánh án Nguyễn Hòa Bình cho biết: Lần đầu tiên Quốc hội đã thông qua một Nghị quyết cho phép tiến hành các hoạt động tố tụng trên nền tảng số. Theo đó, chỉ có một số loại án có điều kiện cụ thể mới được xét xử trực tuyến. Trước mắt thì Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tư pháp đã ký thông tư hướng dẫn về xét xử trực tuyến, được phát hành, được tập huấn cho tất cả các địa phương và đang phát huy tác dụng tốt, về lâu dài Quốc hội sẽ xây dựng Luật tố tụng điện tử riêng.
Kết thúc phiên chất vấn, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho rằng: Phiên chất vấn diễn ra rất sôi nổi với tinh thần xây dựng và trách nhiệm cao, các vị đại biểu Quốc hội đã bám sát các nội dung chất vấn, đặt nhiều câu hỏi tập trung vào những vấn đề thuộc nội dung chất vấn và đi sâu vào những vấn đề đại biểu và cử tri cả nước cũng như dư luận xã hội quan tâm và mong muốn có những giải pháp tốt để tháo gỡ những khó khăn, tồn tại trong thời gian tới, nâng cao hơn nữa chức năng, nhiệm vụ và hoạt động có hiệu quả hơn của ngành tòa án. Đồng thời, Chánh án cũng nghiêm túc nhìn nhận những tồn tại, hạn chế và đề xuất nhiều giải pháp để nâng cao hiệu quả hoạt động của ngành tòa án trong thời gian tới, nhất là tập trung vào các khâu, nhiệm vụ trọng tâm, then chốt của ngành Tòa án theo đường lối của Đảng và pháp luật của Nhà nước cũng như mong muốn của cử tri và Nhân dân cả nước./.
Lê Thị Huỳnh