Tại cuộc họp, các đại biểu đã cơ bản thống nhất với dự thảo báo cáo kết quả giám sát việc thực hiện Nghị quyết 122/2018/NQ-HĐND tỉnh trên địa bàn tỉnh tại Sở Tài chính. Theo đó, Đoàn giám sát của Ban Kinh tế - Ngân sách ghi nhận và đánh giá cao kết quả triển khaim thực hiện Nghị quyết của đơn vị thực hiện trên địa bàn tỉnh; đồng thời kiến nghị Ban Giám đốc Sở Tài chính cần xem xét nguồn kinh phí cân đối ngân sách địa phương để nâng một số mức chi hỗ trợ chính sách thực hiện Nghị quyết 122/2018/NQ-HĐND tỉnh có hiệu quả hơn trong thời gian tới, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả Cuộc vận động toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh trên địa bàn tỉnh.

Ghi nhận kết quả triển khai thực hiện trong 04 năm từ 2019 đến 2022 đối với các chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết 122/2018/NQ-HĐND tỉnh, Sở Tài chính đã phân bổ ngân sách đầy đủ, đúng quy theo các Nghị quyết của HĐND tỉnh: Nghị quyết số 32/NQ-HĐND ngày 09/12/2016 của HĐND tỉnh về việc phê chuẩn định mức phân bổ chi thường xuyên NSNN năm 2017; Nghị quyết số 86/NQ-HĐND ngày 08/12/2017 của HĐND tỉnh về việc Tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 32/NQ-HĐND ngày 09/12/2016 của Hội đồng nhân dân tỉnh về việc phê chuẩn định mức phân bổ chi thường xuyên ngân sách nhà nước năm 2017 đến hết năm 2020; Nghị quyết số 09/2021/NQ-HĐND ngày 09/12/2021 của HĐND tỉnh ban hành Quy định về các nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách địa phương năm 2022, ổn định đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long.Theo đó, kết quả thực hiện Nghị quyết 122/2018/NQ-HĐND tỉnh trong thời gian 04 năm: Từ 2019 đến 2022 đã phân bổ kinh phí cho 08/08 huyện, thị xã, thành phố với tổng số tiền là 24.526.000.000 đồng. Cụ thể: (1) Hỗ trợ cho Ủy ban MTTQ cấp xã/107 xã - phường - thị trấn với tổng số tiền là 8.595.000.000 đồng. (2) Hỗ trợ Ban công tác Mặt trận các khu dân cư/752 ấp - khóm - khu với tổng số tiền là 15.931.000.000 đồng.
Đơn vị đã thực hiện tốt công tác tham mưu đến UBND tỉnh ban hành các văn bản chỉ đạo, điều hành kịp thời; phối hợp chặt chẽ với sở, ban, ngành cấp tỉnh, thực hiện việc phân bổ ngân sách Nhà nước, đảm bảo chi đúng, đủ các nội dung chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết số 122/2018/NQ-HĐND tỉnh đến UBND cấp huyện (Từ năm 2019 đến năm 2022). Qua đó, góp phần ổn định nhiệm vụ thu, chi tài chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành ngân sách Nhà nước trên địa bàn tỉnh.
Công tác kiểm tra, giám sát thực hiện Nghị quyết 122/2018/NQ-HĐND tỉnh đơn vị được quan tâm, chỉ đạo thực hiện thường xuyên thông qua nhiều nghiệp vụ, chuyên môn về công tác tài chính. Cùng với đó, công tác sơ kết, tổng kết thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” được UBND cấp huyện chủ động lồng ghép báo cáo kinh phí thực hiện Nghị quyết 122/2018/NQ-HĐND tỉnh tại Hội nghị sơ kết hàng năm. Theo đó, các nội dung chi theo nhiệm vụ hoạt động của Ủy ban MTTQ cấp xã, Ban công tác Mặt trận các khu dân cư được phân bổ đầy đủ, sử dụng đúng mục đích và quy định theo Nghị quyết 122/2018/NQ-HĐND tỉnh và Thông tư số 121/2017/TT-BTC ngày 15/11/2017 của Bộ Tài chính.
Đến nay, kết quả thực hiện Nghị quyết 122/2018/NQ-HĐND tỉnh trên địa bàn tỉnh đã góp phần tích cực và hiệu quả cho kết quả thực hiện Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” đến từng khu dân cư thêm sinh động, phong phú và được Nhân dân đồng thuận, đồng tình hưởng ứng tham gia bằng nhiều hình thức đóng góp và xã hội hóa; qua đó góp phần tăng cường mối quan hệ gắn bó mật thiết giữa Đảng, Chính quyền, Mặt trận Tổ quốc các cấp với Nhân dân trên địa bàn tỉnh.

Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện Nghị quyết vẫn còn khó khăn, hạn chế như:Mức chi hỗ trợ theo Nghị quyết 122/2018/NQ-HĐND tỉnh là thấp, chưa đảm bảo để thực hiện một số nội dung chi của Ủy ban mặt trận Tổ quốc Việt Nam xã vànội dung chi của Ban công tác mặt trận ấp, khóm, khu;nhất là nội dung chi cho khen thưởng chưa thực hiện được, chỉ thực hiện biểu dương cho đại diện số ít hộ gia đình tiêu biểu. Việc thanh quyết toán một số nội dung chi còn gặp nhiều khó khăn; một số nội dung chi như hỗ trợ xăng xe, chi công tác phí cho học tập trao đổi kinh nghiệm, chi xây dựng mô hình điển hình tiến tiến,... phải đầy đủ thủ tục, hóa đơn tài chính đảm bảo đúng theo quy định, do vậy rất cần có hướng dẫn thống nhất, cơ chế thanh, quyết toán thuận lợi hơn trong tổ chức, thực hiện.
Qua phân tích các nguyên nhân như: (1) Nguyên nhân khách quan: Mức hỗ trợ ban hành tại Nghị quyết 122/2018/NQ-HĐND tỉnh là mức hỗ trợ thấp nhất theo Thông tư số 121/2017/TT-BTC ngày 15/11/2017 của Bộ Tài chính. Cùng với đó, sau gần 05 năm tổ chức, thực hiện, sự ảnh hưởng của trượt giá, chỉ số lạm phát hàng năm, mức lương cơ sở tăng theo lộ trình;... đến thời điểm hiện nay cho thấy các mức chi hỗ trợ theo Nghị quyết 122/2018/NQ-HĐND tỉnh rất cần xem xét nânglên để đảm bảo thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ của Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp xã và Ban công tác mặt trận ở khu dân cư ấp, khóm, khu. Nguồn lực ngân sách của tỉnh còn nhiều khó khăn; tiếp tục thực hiện nhiệm vụ cân đối từ ngân sách trung ương mới đảm bảo nhiệm vụ chi cho từng năm ngân sách địa phương (Như: Năm 2022, ngân sách tỉnh nhận bổ sung cân đối từ ngân sách Trung ương chiếm tỷ lệ 41,86% trên tổng chi cân đối ngân sách địa phương; năm 2023, ngân sách tỉnh nhận bổ sung cân đối từ ngân sách Trung ương chiếm tỷ lệ 37,92%/ trên tổng chi cân đối ngân sách địa phương). (2) Nguyên nhân chủ quan: Việc thực hiện thủ tục thanh quyết toán theo yêu cầu quy định của công tác kế toán của một số nhân sự tại cấp cơ sở (Ủy ban mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã, Ban công tác mặt trận ấp, khóm, khu) chưa thực sự thông hiểu đầy đủ các nội dung chi theo quy định của Thông tư số 121/2017/TT-BTC ngày 15/11/2017 của Bộ Tài chính và Nghị quyết 122/2018/NQ-HĐND tỉnh, do vậy còn gặp khó khăn trong thực hiện thủ tục, chứng từ thanh quyết toán; việc thực hiện chi còn xảy ra sai sót hoặc bỏ qua không thực hiện thanh, quyết toán đối với một số nội dung chi. Nguồn lực ngân sách tỉnh còn phải thực hiện các chế độ, chính sách đặc thù tại địa phương do HĐND tỉnh ban hành ngoài quy định của Trung ương,nên cân đối ngân sách tỉnhtrong thời gian qua còn gặp nhiều khó khăn.

Qua giám sát, Ban Kinh tế - Ngân sách Hội đồng nhân dân tỉnh đã kiến nghị Ủy ban nhân dân tỉnh: Chỉ đạo cơ quan chuyên môn rà soát các nội dung chính sách cần tăng mức chi hỗ trợ,tham mưu trình HĐND tỉnh điều chỉnh tăng mức hỗ trợ tại Nghị quyết 122/2018/NQ-HĐND tỉnh với tỷ lệ đề xuất tăng tối thiểu 25%; tiếp tục rà soát các Nghị quyết của HĐND tỉnh đã ban hành nhưng chưa kịp thời phân bổ, bố trí ngân sách để thực hiện; các Nghị quyết đã có phân bổ ngân sách nhưng chưa có hướng dẫn thực hiện,... để triển khai, tổ chức thực hiện các Nghị quyết của HĐND tỉnh thật sự hiệu quả.
Đồng thời, Ban Kinh tế - Ngân sách Hội đồng nhân dân tỉnh kiến nghị Đoàn đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Vĩnh Long: Xem xét kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội về định mức phân bổ ngân sách Trung ương cần bổ sung thêm các tiêu chí phụ đối với các tỉnh có điều kiện Kinh tế - Xã hội tương đồng như Vĩnh Long: Tỉnh có dân số thấp nhưng mật độ dân số cao; tỉnh được giao nhiệm vụ giữ đất lúa, bảo đảm an ninh lương thực; tỉnh không có biên giới nhưng phải thực hiện nhiều nhiệm vụ đối ngoại; tỉnh có tỷ lệ người dân tộc khá cao;... Lý do: Theo định mức phân bổ chi thường xuyên ngân sách nhà nước theo Quyết định số 30/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ được ban hành vào năm 2021, ổn định ngân sách giai đoạn 2022-2025; định mức phân bổ chi thường xuyên được Bộ Tài chính tính toán ổn định giai đoạn theo tiêu chí dân số nên kinh phí Trung ương hỗ trợ cho tỉnh còn thấp,... ảnh hưởng nhất định đến công tác quản lý, điều hành ngân sách địa phương và phát triển Kinh tế - Xã hội của tỉnh./.
Hữu Tài