
Tại cuộc họp, các đại biểu đã cơ bản thống nhất với nội dung báo cáo và phương hướng, giải pháp trọng tâm tại dự thảo Nghị quyết về Kế hoạch phát triển Kinh tế - Xã hội năm 2023 Hội đồng nhân dân tỉnh. Ban Kinh tế - Ngân sách ghi nhận và đánh giá: Dưới sự lãnh chỉ đạo sâu sát, kịp thời của Tỉnh ủy, giám sát có hiệu quả của HĐND tỉnh, UBND tỉnh đã tập trung chỉ đạo điều hành sâu sát, chủ động và linh thực hiện thắng lợi, khá toàn diện các mục tiêu, nhiệm vụ kinh tế - xã hội và Ngân sách Nhà nước năm 2022. Thực hiện đạt và vượt 20/21 chỉ tiêu chủ yếu (cao nhất từ năm 2019 đến nay). Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh GRDP tăng 11,28%, thu ngân sách vượt 3,4% dự toán; vốn đầu tư toàn xã hội tăng 10,52% so cùng kỳ; giải ngân vốn đầu tư công đạt trên 95%; tổng kim ngạch xuất khẩu tăng 38%. Giá trị sản xuất nông – lâm - thủy sản tăng 2,01%; chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 29,2%; hoạt động du lịch được phục hồi, nhất là kể từ sau kiểm soát được dịch bệnh, tổng doanh thu tăng; phát triển doanh nghiệp có nhiều khởi sắc, từ đầu năm đến nay có 440 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, tăng 49%; nhiều vấn đề tồn tại, kéo dài được tập trung tháo gỡ, xử lý, bước đầu đạt được một số kết quả tích cực.

Các thành viên Ban Kinh tế - Ngân sách cũng lưu ý: Năm 2023 và những năm sắp tới, Kinh tế - Xã hội của tỉnh tiếp tục đối mặt với không ít khó khăn, thách thức có thể làm chậm lại quá trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; biến động phức tạp, khó lường của áp lực lạm phát, biến động lãi suất, tỷ giá và tác động của ảnh hưởng suy thoái kinh tế thế giới; tình hình thiên tai, dịch bệnh, sạt lở, lốc xoáy diễn biến phức tạp, khó lường ngày càng cực đoan hơn, những thách thức lớn ảnh hưởng đối với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Qua thẩm tra, Ban Kinh tế - Ngân sách kiến nghị UBND tỉnh tiếp tục quan tâm chỉ đạo tập trung một số nhiệm vụ trọng tâm thuộc lĩnh vực Kinh tế - Ngân sách trong năm 2023 như sau:
(1) Tập trung thực hiện linh hoạt, hiệu quả mục tiêu phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội; Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022 của Quốc hội về Chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/01/2022 của Chính phủ, tiếp tục nâng cao năng lực hệ thống y tế, nhất là năng lực điều trị ở cơ sở và y tế dự phòng. Xây dựng và ban hành chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh Vĩnh Long chuyển đổi số trong năm 2023
(2) Tiếp tục đẩy mạnh xúc tiến đầu tư khu vực Công nghiêp - Xây dựng, để đảm bảo tăng trưởng kinh tế, tăng thu ngân sách nhà nước và có nguồn cho chăm lo an sinh xã hội. Đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, mời gọi đầu tư; thực hiện hiệu quả các chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp theo nghị quyết HĐND tỉnh đã ban hành; chú trọng thực hiện kinh tế tuần hoàn, kinh tế tái tạo trong nông nghiệp; quan tâm đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn theo chuỗi giá trị gia tăng, chế biến sau thu hoạch; phát huy lợi thế so sánh và tiềm năng của tỉnh; đặc biệt là có giải pháp cụ thể về dự báo nhu cầu thị trường, quy hoạch vùng sản xuất, loại cây trồng, diện tích và sản lượng nông sản cần trồng; xây dựng chỉ dẫn địa lý, mã vùng trồng, đầu tư khoa học công nghệ, giải pháp phát triển giống đạt tiêu chuẩn chất lượng, xây dựng thương hiệu cho nông sản chủ lực; kêu gọi đầu tư các nhà máy chế biến nông sản, tìm kiếm thị trường tiêu thụ nông sản trong và ngoài nước, tham gia tốt các sàn giao dịch nông sản điện tử, để khắc phục tình trạng nông sản không tiêu thụ được, gây thiệt hại cho người nông dân.
(3) Thực hiện tốt công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền của tỉnh, tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; tập trung giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh, đẩy nhanh tiến độ thực hiện chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, phục hồi sản xuất kinh doanh, đặc biệt là thực hiện chính sách miễn, giảm thuế nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân vượt qua khó khăn.
(4) Điều hành phương án thu, chi ngân sách nhà nước cho phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội, đặc biệt là giải pháp tăng thu ở một số nguồn có khả năng như: Đấu giá quyền sử dụng đất, đấu giá cho thuê đất công, tài sản công thuộc qui hoạch đất ở, đất thương mại dịch vụ, đất bãi bồi; có giải pháp chống thất thu ở một số lĩnh vực khai thác cát sông, thương mại điện tử, xây dựng ngoài ngân sách nhà nước, kinh doanh bất động sản…, tăng cường các giải pháp thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

(5) Đẩy nhanh tiến độ thực hiện Quy hoạch tỉnh Vĩnh Long thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050, thực hiện lộ trình xây dựng xã nông thôn mới, huyện nông thôn mới; rà soát sự đồng bộ của các loại quy hoạch như: Quy hoạch vùng huyện 2021-2025, quy hoạch xây dựng đô thị Thị xã Bình Minh, thành phố Vĩnh Long, quy hoạch xây dựng xã giai đoạn 2021- 2025; quy hoạch chi tiết trung tâm xã,.. Thực hiện các giải pháp cơ cấu lại nền kinh tế của tỉnh gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh; đánh giá giải quyết khó khăn cho các khu, cum, tuyến công nghiệp, hoàn thiện hạ tầng và khai thác có hiệu quả các khu, cụm tuyến công nghiệp hiện có, thu hút đầu tư, hình thành doanh nghiệp công nghiệp có quy mô lớn, có năng lực cạnh tranh quốc tế; phát triển kinh tế số, xã hội số; đẩy mạnh xây dựng, phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng, nhất là đồng bộ về giao thông, điện, nước, thoát nước, năng lượng, hạ tầng số, hạ tầng nông nghiệp, nông thôn, thích ứng với biến đổi khí hậu; rà soát bảo tồn các làng nghề, triển khai thực hiện Đề án Di sản đương đại Mang Thít và các chính sách hỗ trợ; hoàn thành thủ tục chuẩn bị đầu tư Cầu Đình Khao; tăng cường các giải phát phát triển đô thị, đô thị thông minh, xây dựng đô thị văn minh, phường văn minh đô thị theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Vĩnh Long lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025.
(6) Tăng cường giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các sở, ngành tỉnh, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố… trong giải ngân vốn đầu tư công của từng công trình, dự án cụ thể, qua giám sát đầu tư công năm 2022 của Thường trực HĐND tỉnh cho thấy có nhiều nguyên nhân chậm giải ngân như: Chậm thủ tục, chậm phân bổ vốn, chậm giải phóng mặt bằng, chậm thi công… dẫn đến công tác giải ngân đạt tỉ lệ thấp. Tập trung đầu tư các công trình dự án trọng điểm cho phát triển kinh tế - xã hội, tranh thủ nguồn vốn ODA mà Chính phủ dành cho Đồng bằng sông Cửu Long. Rà soát tháo gỡ khó khăn trong công tác quy hoạch các Khu du lịch lớn như: Khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng Cồn Giông; Khu đô thị sinh thái, dịch vụ thương mại, vui chơi giải trí và du lịch Cồn Chim; Di sản đương đại Mang Thít và Bảo tàng nông nghiệp vùng ĐBSCL kết hợp du lịch giải trí,..; nhà ở cho công chức, viên chức và người có thu nhập thấp, nhất là viên chức ngành y tế.
(7) Có giải pháp hỗ trợ nâng cao năng lực quản trị và nguồn lực cho Hợp tác xã; tập huấn kỹ thuật sản xuất cho HTX, người dân các loại cây trồng thế mạnh của tỉnh, ứng dụng chuyển đổi số, khoa học công nghệ trong sản xuất nông nghiệp; có giải pháp hỗ trợ HTX kêu gọi sự tham gia của các thành phần kinh tế khác cùng góp vốn; vừa sản xuất, vừa bao tiêu sản phẩm, vừa chế biến và tiêu thụ. Đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học, ứng dụng khoa học công nghệ sau nghiên cứu, đặc biệt là các chương trình giống nông nghiệp, quan tâm bố trí kinh phí thỏa đáng cho các đề tài nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực nông nghiệp, kinh phí triển khai các mô hình nông nghiệp hiệu quả.
(8) Tiếp tục chỉ đạo thực hiện các giải pháp xử lý về ô nhiễm môi trường, nhất rác thải sinh hoạt, rác thải nhựa; đôn đốc việc xử lý nhà máy rác cũ và kêu gọi đầu tư, sớm đưa vào hoạt động nhà máy rác với công nghệ tiên tiến ở xã Hòa Phú.
(9) Tăng cường quản lý và sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên, nhất là đất đai, cát và tài nguyên nước; kiểm soát việc cấp phép khai thác các mỏ cát, quản lý chặt chẽ nguồn cát khai thác đảm bảo phục vụ xây dựng cơ bản các công trình, dự án trên địa bàn tỉnh. Nâng cao chất lượng lập và thẩm định, phê duyệt quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; quản lý chặt việc chuyển mục đích sử dụng đất đảm bảo theo quy hoạch, nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực đất đai. Chủ động giải pháp phòng chống, ứng phó với thiên tai, biến đổi khí hậu như: Lốc xoáy, triều cường, sạt lở bờ sông, hạn, xâm nhập mặn,… thực hiện tốt công tác dự báo thiên tai, sử dụng công nghệ thông tin để cung cấp thông tin nhanh nhất cho người dân nhằm hạn chế thấp nhất những thiệt hại do thiên tai gây ra./.
Hữu Tài