
Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Vĩnh Long - Bùi Văn Nghiêm xúc động, tri ân: "Trong thời khắc thiêng liêng, xúc động này, Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân tỉnh Vĩnh Long thành kính tưởng nhớ và đời đời biết ơn Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại - lãnh tụ thiên tài, anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hóa kiệt xuất của Việt Nam, Người đã làm rạng rỡ dân tộc ta, non sông đất nước ta. Chúng ta bày tỏ sự tri ân biết ơn vô hạn, sự cống hiến to lớn của các bậc tiền nhân, những bậc “khai quốc công thần”, các thế hệ tiền bối cách mạng đi trước, tưởng nhớ biết bao đồng bào, đồng chí đã anh dũng hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, chúng ta mãi mãi biết ơn sự hy sinh vô bờ bến của quý Mẹ Việt Nam anh hùng, Anh hùng lực lượng vũ trang, cán bộ, chiến sĩ và nhân dân cho độc lập dân tộc, thống nhất đất nước và cho sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển Long Hồ dinh và tỉnh Vĩnh Long...
Long Hồ dinh là vùng đất giàu truyền thống yêu nước, đoàn kết, thủy chung son sắc của cộng đồng dân cư ở đây, từ nguồn cội Thăng Long ngàn năm văn hiến. Ngay sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập vào ngày 03/02/1930, cũng trong thời gian này chi bộ Đảng đầu tiên - tiền thân của Đảng bộ tỉnh Vĩnh Long được thành lập tại Ngã Tư Long Hồ. Đây là sự kiện bước ngoặt lịch sử, mở ra một thời kỳ đấu tranh của Nhân dân trong tỉnh theo ngọn cờ độc lập, dân tộc và chủ nghĩa xã hội do Đảng lãnh đạo.
Long Hồ dinh là vùng đất “địa linh nhân kiệt”, vùng đất học. Từ thời đại phong kiến cho đến thời đại Hồ Chí Minh, nơi đây đã sinh ra và nuôi dưỡng nhiều nhân tài cho đất nước ở các lĩnh vực, như: Thoại Ngọc Hầu, Nguyễn Văn Tồn, Đốc binh Lê Cẩn, Nguyễn Giao, cụ đồ Nguyễn Đình Chiểu, nhà thơ Bùi Hữu Nghĩa, vị tiến sĩ đầu tiên ở vùng đất Nam kỳ Phan Thanh Giản, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Hùng, Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt, Phó Chủ tịch Ủy ban Thường vụ Quốc hội Phan Văn Đáng, Giáo sư - Viện sĩ - Thiếu tướng - Anh hùng lao động Trần Đại Nghĩa, nhà hoạt động cách mạng, nhà soạn tuồng khởi xướng ca ra bộ của đờn ca tài tử Nam Bộ Trương Duy Toản, nghệ sĩ nhân dân Ba Du và còn rất nhiều người con ưu tú của vùng đất Vĩnh Long ở nhiều lĩnh vực khác nhau.
Trải qua 190 năm, từ khi thành lập tỉnh Vĩnh Long, để phục vụ cho sự cai trị của thực dân Pháp, chính quyền Sài Gòn và đáp ứng yêu cầu lãnh đạo các cuộc kháng chiến của cách mạng, địa giới hành chính và tên gọi tỉnh Vĩnh Long nhiều lần điều chỉnh và thay đổi, có giai đoạn tỉnh Vĩnh Long bao gồm cả hai tỉnh Bến Tre và Trà Vinh; tỉnh Vĩnh Long bao gồm cả tỉnh Sa Đéc; tỉnh Vĩnh Long có huyện Chợ Lách, thuộc tỉnh Bến Tre; tỉnh Vĩnh Long không có hai huyện Trà Ôn và Vũng Liêm; tỉnh Vĩnh Trà, tỉnh Cửu Long...

Sau ngày giải phóng, tháng 2 năm 1976, theo yêu cầu xây dựng và phát triển đất nước trong bối cảnh mới, Trung ương hợp nhất hai tỉnh: Vĩnh Long - Trà Vinh thành tỉnh Cửu Long. Chấp hành sự chỉ đạo của Trung ương,Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh Cửu Long đã chung sức, đồng lòng, đoàn kết, năng động, sáng tạo, phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị, huy động nguồn lực tổng hợp của toàn dân để khắc phục hậu quả chiến tranh, giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội; đấu tranh có hiệu hoạt động chống phá của các thế lực phản động; sự lệch lạc về tư tưởng của một số ít cán bộ, đảng viên; giải quyết có hiệu quả vấn đề thiếu lương thực, phát triển kinh tế - xã hội, chăm lo đời sống Nhân dân.
Ngày 26/12/1991, với yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng và phát triển các tỉnh, tại kỳ họp lần thứ 10, Quốc hội khóa VIII đã ban hành Nghị quyết về việc tách tỉnh Cửu Long thành hai tỉnhVĩnh Long và Trà Vinh. Sau khi tách tỉnh, đồng hành cùng với tỉnh Trà Vinh, kế thừa những thành tựu đạt được từ tỉnh Cửu Long, Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân trong tỉnh đã khơi dậy và phát huy tối đa mọi tiềm năng, thế mạnh về đất đai, tài nguyên và nguồn nhân lực; tận dụng thời cơ, vượt qua thách thức, khó khăn, đưa Vĩnh Long ngày càng phát triển.
Thực tế, sau 30 tái lập tỉnh, từ một tỉnh thuần nông, cơ sở vật chất – kỹ thuật, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội lạc hậu, trình độ thấp. Đến nay, Vĩnh Long đã trở thành tỉnh khá trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long; dân số hơn 1 triệu người, thu nhập bình quân đầu người đạt 56 triệu đồng/năm.
Văn hóa xã hội tiếp tục phát triển, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng lên. Công tác giáo dục – đào tạo, chăm sóc sức khỏe cho người dân;hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao, du lịch có nhiều tiến bộ; tỷ lệ hộ nghèo kéo giảm còn khoảng 2%, công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm được quan tâm; tỷ lệ lao động trong độ tuổi thất nghiệp còn 3%.
Thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách đối với người có công với nước, chính sách an sinh xã hội đối với người nghèo, khó khăn.
Kết quả xây dựng nông thôn mới có nhiều nổi bật, vượt mục tiêu đề ra trước 2 năm giai đoạn 2016 – 2020, số xã đạt chuẩn nông thôn mớichiếm 76%, có 2 đơn vị cấp huyện hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; tỷ lệ đô thị hóa chiếm gần 24%, thành phố Vĩnh Long đạt tiêu chí đô thị loại 2, thị xã Bình Minh đạt tiêu chí đô thị loại 3.
An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo ổn định; công tác quân sự quốc phòng địa phương được tăng cường.
Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị có bước đột phá; khối đại đoàn kết toàn dân tộc không ngừng được củng cố.
Với những thành tựu đạt được trong xây dựng và phát triển, Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân tỉnh Vĩnh Long được tặng thưởng Huân chương Sao Vàng, Anh hùng lực lượngvũ trang nhân dân, Huân chương Độc lập hạng Nhất và hôm nay, Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân tỉnh Vĩnh Long vinh dự, phấn khởi và tự hào đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất do Chủ tịchNước tặng thưởng vào dịp tổ chức kỷ niệm lễ trọng đại này. Trong niềm vui và xúc động, Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân tỉnh Vĩnh Long nhận thấy, những thành quả có được hôm nay là cả một quá trình phấn đấu, vun đắp bằng máu xương, mồ hôi, nước mắt, công sức, trí tuệcủa các bậc tiền nhân và bao thế hệ cư dân vùng đất Long Hồ dinhtrong suốt quá trình khai hoang lập làng, đấu tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ đất nước, xây dựng và phát triển.
Tri ân người đi trước là đạo lý, là cội nguồn sức mạnh để Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân Vĩnh Long tiếp bước xây dựng và phát triển tỉnh nhà xứng đáng với niềm tin, sự kỳ vọng của thế hệ người đi trước, của lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các tầng lớp Nhân dân.
Nhân dịp này, thay mặt Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Vĩnh Long, tôi trân trọng cảm ơn sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ; sự giúp đỡ của các ban, bộ ngành Trung ương; sự phối hợp có hiệu quả của các tỉnh, thành phốtrong cả nước và xin biểu dương cán bộ, chiến sĩ và Nhân dân trong tỉnh; những người con quê hương Vĩnh Long đang sinh sống, học tập, làm việc ngoài tỉnh; các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp đã nỗ lực phấn đấu, vượt qua khó khăn, thách thức, đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước đóng góp to lớn cho thành tựu chung của tỉnh nhà".

Để tiếp tục phấn đấu thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XI Đảng bộ tỉnh, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết số 13 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng - an ninh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống người dân vì mục tiêu: “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội - Bùi Văn Nghiêm khẳng định quyết tâm:
"Đây là sự nghiệp cách mạng vô cùng to lớn, vĩ đại, nhưng cũng cực kỳ khó khăn, phức tạp. Bên cạnh mặt thuận lợi, thời cơ, cũng có nhiều khó khăn, thách thức. Trước tình hình đó, đòi hỏi toàn Đảng, toàn dân, toàn quân tỉnh nhà hơn bao giờ hết phải phát huy cao độ truyền thống yêu nước và cách mạng, tinh thần đoàn kết, trách nhiệm, nỗ lực phấn đấu vượt qua mọi khó khăn, thách thức để xây dựng tỉnh Vĩnh Long ngày càng phát triển. Sự phấn đấu kiên cường, sáng tạo của toàn dân, của các ngành, các địa phương, các doanh nghiệp là nhân tố cực kỳ quan trọng đối với sự phát triển chung của tỉnh nhà. Để thực hiện đạt các mục tiêu đó, chúng ta cần triển khai quyết liệt các nhiệm vụ trong tâm sau đây:
- Phấn đấu hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ của năm 2022 mà trọng tâm là phấn đấu hoàn thành mức cao nhất nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2020 - 2025, ổn định tăng trưởng kinh tế, đẩy mạnh thực hiện các khâu đột phá chiến lược, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, hoàn thành mục tiêu xây dựng và sửa chữa nhà ở cho người có công với nước, xóa nhà tạm cho hộ nghèo trong năm 2022; tạo bước đột phá căn bản, toàn diện giáo dục - đào tạo; đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người lao động; đảm bảo an sinh và phúc lợi xã hội, cải thiện đời sống Nhân dân.
-Tăng cường củng cố quân sự, quốc phòng địa phương, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, tạo môi trường an ninh, an toàn để phục hồi phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
- Tập trung xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; gắn với tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII), Kết luận Hội nghị Trung ương 4 (khóa XIII), Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
- Đổi mới công tác dân vận, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị-xã hội, tăng cường củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Với niềm phấn khởi, tự hào, chúng ta tin chắc rằng, Đảng bộ tỉnh sẽ hoàn thành xuất sắc trọng trách của mình. Toàn Đảng, toàn dân, toàn quân tỉnh nhà chung sức, đồng lòng, nỗ lực, phấn đấu xây dựng tỉnh Vĩnh Long phát triển nhanh và bền vững"./.
Hữu Tài