
Từ 1928 đến 1930: Hoạt động trong Nam Kỳ học sinh Liên hiệp Hội, vào Thanh niên Cộng sản Đoàn, vào Đảng Cộng sản Đông Dương và được bầu vào Tỉnh uỷ Mỹ Tho.
Từ 8/1930: Bị bắt, bị kết án tử hình, đày ra nhà tù Côn Đảo.
Từ 1945 đến 1951: Được cử làm Bí thư Xứ uỷ, Uỷ viên Thường vụ Xứ uỷ chính thức.
Từ 1951: Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ II năm 1951, được bầu Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, làm Uỷ viên Thường vụ Trung ương Cục miền Nam.
Từ 9/1952: Làm Phó Bí thư Trung ương Cục miền Nam, kiêm Bí thư Phân Liên khu uỷ miền Đông Nam Bộ.
Từ 1956: Tại Hội nghị lần thứ 10 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá II) được bầu vào Bộ Chính trị.
Từ 1958 đến 1966: Trưởng ban Thống nhất Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ, kiêm Chủ nhiệm Văn phòng Nông nghiệp, Chủ nhiệm Uỷ ban Vật giá nhà nước, Trưởng ban Tài mậu của Trung ương Đảng. Tại Đại hội III (9/1960) của Đảng được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương, được Ban Chấp hành Trung ương bầu vào Bộ Chính trị.
Từ 1967 đến 1975: Làm Bí thư Trung ương Cục miền Nam, Chính uỷ các lực lượng vũ trang miền Nam. Đến chiến dịch Hồ Chí Minh năm 1975, được cử làm Chính uỷ Bộ Chỉ huy chiến dịch.
Từ 6/1976: Được Quốc hội khoá VI bầu làm Phó Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Tháng 2/1980 kiêm Bộ trưởng Bộ Nội vụ. Tại Đại hội IV (12/1976), Đại hội V (3/1982) và Đại hội VI (12/1986) của Đảng được bầu lại vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng và được Ban Chấp hành Trung ương bầu vào Bộ Chính trị.
Từ 1987 đến 1988: Được Quốc hội bầu giữ chức Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, Phó Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng
Đồng chí là Ủy viên Bộ Chính trị khóa II, III, IV, V, VI; đại biểu Quốc hội khóa II, III, VI, VII, VIII.
Ngày 10/3/1988, đồng chí đột ngột từ trần trên đường đi công tác ở các tỉnh Nam bộ, để lại niềm tiếc thương, xúc động của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân.
Đồng chí Phạm Hùng - Nhà lãnh đạo tài năng và có uy tín lớn của Đảng và Nhà nước ta
Đồng chí Phạm Hùng là một trong những nhà lãnh đạo có nhiều cống hiến quan trọng, góp phần làm nên các chiến thắng vĩ đại của dân tộc ta trong thế kỷ XX. Với ý chí kiên cường, tư duy sáng tạo và nhiệt tình cách mạng, đồng chí được Đảng, Nhà nước tin tưởng giao phó nhiều trọng trách trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc cũng như trong thời kỳ tái thiết, xây dựng đất nước trong thời bình. Trong công tác, thời chiến cũng như thời bình, đồng chí luôn thể hiện phong cách làm việc có chương trình, kế hoạch, có nguyên tắc nhưng không máy móc, thể hiện rõ tư duy độc lập, tự chủ của một nhà lãnh đạo tài năng.

Năm 16 tuổi, đồng chí tham gia hoạt động cách mạng trong tổ chức Việt Nam Thanh niên Cách mạng Thanh niên Mỹ Tho. Khi 18 tuổi, đồng chí vinh dự được kết nạp vào Đảng, làm Bí thư chi bộ trường học. Năm 19 tuổi, đồng chí được Đảng phân công làm Bí thư Tỉnh ủy Mỹ Tho.
Đang nhiệt huyết lãnh đạo nhân dân đấu tranh chống thực dân Pháp và chế độ phong kiến, ngày 02/6/1931, đồng chí bị thực dân Pháp bắt tại Mỹ Tho. Kẻ thù đã dùng mọi thủ đoạn thâm độc, mọi cực hình để tra tấn đồng chí. Sau hơn bảy tháng giam cầm, thực dân Pháp đưa đồng chí Phạm Hùng ra tòa đề hình ở Sài Gòn xét xử. Mặc dù không có chứng cớ gì, nhưng tòa án thực dân vẫn khép đồng chí 3 năm tù, 3 năm quản thúc và đưa về Mỹ Tho giam giữ.
Trong lao tù, đồng chí tiếp tục lãnh đạo anh em tù nhân đấu tranh đòi cải thiện chế độ nhà tù, xây dựng đường dây liên lạc với bên ngoài để tiếp tục chỉ đạo phong trào đấu tranh của quần chúng chống chế độ thực dân và bọn phong kiến tay sai. Thực dân Pháp đã đàn áp dã man cuộc đấu tranh của tù nhân, đồng chí Phạm Hùng bị địch biệt giam vào xà lim.
Ngày 20/9/1932, tại Mỹ Tho, thực dân Pháp đã mở phiên tòa đại hình xét xử “những người chống lại an ninh công cộng”, đồng chí Phạm Hùng bị kết án tử hình và đưa về giam ở xà lim án chém Khám lớn Sài Gòn. Trong xà lim án chém, đồng chí đã cảm hóa một số tù thường phạm bị thực dân Pháp kết án xử tử, thức tỉnh lương tâm và truyền niềm tin vào thắng lợi của sự nghiệp cách mạng cho các bạn tử tù.
Sau đó, phong trào đấu tranh của các lực lượng yêu nước và tiến bộ ở trong nước cũng như trên thế giới buộc chính quyền thực dân Pháp phải giảm án tử hình đối với đồng chí và một số chiến sĩ cách mạng xuống chung thân khổ sai, đày ra Côn Đảo tháng 01/1934.
Gần 15 năm tù đày, trong đó 12 năm đồng chí bị thực dân Pháp giam giữ ở nhà tù Côn Đảo - địa ngục trần gian tàn bạo của chế độ thực dân. Tại Côn Đảo, đồng chí đã thể hiện cao đẹp khí phách cách mạng, kiên cường, dũng cảm, sẵn sàng chịu đòn thay cho anh em; cùng chi ủy, chi bộ lãnh đạo tù nhân đấu tranh quyết liệt đòi giảm nhẹ chế độ khổ sai, cải thiện chế độ nhà tù.
Đồng chí trực tiếp tham gia tổ chức nhiều lớp học tập văn hóa, học tập lý luận nâng cao trình độ chính trị, củng cố lập trường, giữ vững lý tưởng và niềm tin vào tương lai của cách mạng cho các chiến sĩ cộng sản, các bạn tù thường phạm, các bạn tù thuộc các đảng phái khác, góp phần quan trọng vào việc biến nhà tù đế quốc thành trường học cộng sản, đào tạo lớp cán bộ cách mạng trưởng thành trong nhà tù đế quốc. Cách mạng tháng Tám năm 1945 nổ ra, với tư cách là Bí thư Đảo ủy, đồng chí đã lãnh đạo tù nhân đứng lên giải phóng nhà tù Côn Đảo lần thứ nhất (1945).
Sau gần 15 năm bị giam cầm trong lao tù đế quốc (từ năm 1931 đến năm 1945), sau khi được Đảng đón từ nhà tù Côn Đảo về đất liền, đồng chí Phạm Hùng tham gia ngay vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp ở Nam Bộ. Đồng chí được bầu vào Xứ ủy lâm thời Nam Bộ, đến đầu năm 1946, khi đồng chí Lê Duẩn được điều ra Hà Nội, đồng chí được bầu làm Bí thư Xứ ủy Nam Bộ kiêm Giám đốc Quốc gia tự vệ cuộc (Giám đốc Nha Công an Nam bộ). Trên cương vị Bí thư Xứ ủy, đồng chí luôn năng nổ, nhiệt huyết, làm việc có kế hoạch, có nguyên tắc và dân chủ, bám sát các nghị quyết của Đảng và những chỉ đạo của Bác Hồ cùng tập thể Xứ ủy góp phần quan trọng vào việc chỉ đạo cuộc kháng chiến chống thực dân pháp của nhân dân Nam Bộ, lập được nhiều chiến thắng vẻ vang.
Trong suốt 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp, đồng chí đã cùng với Xứ ủy Nam bộ, Trung ương Cục miền Nam vận dụng sáng tạo đường lối của Đảng vào điều kiện cụ thể Nam bộ; đề ra nhiều chủ trương quan trọng: Tổ chức tiến hành chiến tranh nhân dân; thực hiện dân chủ ở nông thôn (tịch thu ruộng đất của thực dân Pháp và địa chủ Việt gian phản động, tạm cấp cho dân cày nghèo); chỉ đạo phong trào đấu tranh ở đô thị; giải quyết thành công vấn đề tôn giáo, làm tốt công tác vận động nhân sĩ, trí thức, tăng cường và mở rộng Mặt trận dân tộc thống nhất; đặc biệt là tăng cường công tác xây dựng Đảng. Nhờ giải quyết tốt vấn đề nông dân và liên minh công - nông - trí, nên cuộc kháng chiến chống Pháp ở Nam bộ không ngừng được đẩy mạnh, vùng giải phóng ngày càng được mở rộng, góp phần quan trọng vào thắng lợi chung của quân dân cả nước trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.
Sau khi miền Bắc được giải phóng, trên cương vị ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Thống nhất Trung ương, Phó Thủ tướng Chính phủ, đồng chí đã tham gia tổ chức biên soạn và hoàn thiện dự thảo Đề án về hòa bình thống nhất nước nhà và cách mạng miền Nam, làm cơ sở cho Hội nghị Trung ương lần thứ 15 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa II) xây dựng Nghị quyết 15 về cách mạng miền Nam; tạo ra bước ngoặc cho cách mạng miền Nam từ thế cầm cự giữ gìn lực lượng, chuyển sang thế tấn công và giành thắng lợi.
Năm 1967, đồng chí Phạm Hùng được Đảng giao nhiệm vụ Bí thư Trung ương Cục miền Nam và Chính ủy các lực lượng vũ trang giải phóng miền Nam Việt Nam. Đây là thời điểm quân và dân miền Nam đang bí mật gấp rút chuẩn bị và tiến hành đòn tiến công chiến lược Tết Mậu Thân (1968).
Cuộc tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân của quân và dân ta nổ ra đồng loạt trên khắp miền Nam, có ý nghĩa vô cùng quan trọng, đánh bại ý chí xâm lược của kẻ thù, buộc chúng phải thay đổi chiến lược chiến tranh và ngồi vào bàn đàm phán với Chính phủ ta tại Hội nghị Pa-ri. Là một trong những người lãnh đạo cao nhất của cách mạng miền Nam, đồng chí Phạm Hùng đã tỏ rõ tinh thần dũng cảm, kiên cường, bất khuất. Vượt qua gian khổ và ác liệt của đạn bom, góp phần mình vào sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, thực hiện thành công tâm nguyện của Bác Hồ: Đưa non sông Việt Nam thu về một mối.
Sau khi đất nước thống nhất, đồng chí được Đảng và Nhà nước giao nhiều trọng trách: Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng kiêm Bộ trưởng Bộ Nội vụ. Trong những điều kiện khó khăn phức tạp của đất nước sau giải phóng, đồng chí Phạm Hùng đã thể hiện bản lĩnh của một nhà lãnh đạo giàu kinh nghiệm, quyết đoán và sáng suốt.
Trên mọi cương vị công tác, đặc biệt trên cương vị Bộ trưởng Bộ Nội vụ, đồng chí Phạm Hùng chú trọng xây dựng đạo đức người Công an cách mạng, phát động trong toàn lực lượng Công an phong trào học tập, thấm nhuần sâu sắc và thực hiện nghiêm túc 6 điều Bác Hồ dạy; góp phần xây dựng lực lượng Công an nhân dân trưởng thành lớn mạnh hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ giữ vững ổn định chính trị, làm thất bại hoàn toàn các âm mưu bạo loạn, lật đổ của các thế lực thù địch và phản cách mạng thời hậu chiến, giữ gìn sự bình yên cho đất nước.
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng (1986), đồng chí Phạm Hùng tiếp tục được bầu làm Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương và Ủy viên Bộ Chính trị. Tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa VIII (17/6/1987), đồng chí được Quốc hội bầu làm Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam - Thủ tướng đầu tiên của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thời kỳ đổi mới.
Trên cương vị đứng đầu Chính phủ, đồng chí khẳng định trước Quốc hội: “Tập thể Hội đồng Bộ trưởng chúng tôi sẽ cố gắng hết sức mình bằng ý chí tiến công cách mạng, bằng hành động thiết thực, bằng hiệu quả cụ thể để làm tròn trách nhiệm đối với Đảng, Quốc hội và nhân dân”. Hoạt động không mệt mỏi của đồng chí Phạm Hùng trong những năm tháng chèo chống con thuyền cách mạng vượt qua khó khăn thời kỳ đầu đổi mới đã để lại dấu ấn sâu đậm, khẳng định tài năng và tinh thần trách nhiệm của đồng chí với những quyết sách của Đảng và Nhà nước, đưa đất nước ta thoát khỏi đói nghèo, phát triển đi lên.
Qua quá trình hoạt động cách mạng của đồng chí Phạm Hùng cho chúng ta thấy rằng: "Đồng chí Phạm Hùng đã tỏ rõ phẩm chất của một người chiến sĩ cách mạng kiên cường, một cán bộ lãnh đạo gương mẫu, giàu nghị lực và bản lĩnh; một tấm gương sáng ngời của người cộng sản" (Phát biểu của đồng chí Đinh Thế Huynh - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương tại hội thảo khoa học Đồng chí Phạm Hùng với cách mạng Việt Nam và quê hương Vĩnh Long, tháng 6/2012).
Học tập tấm gương suốt đời phấn đấu hy sinh vì sự nghiệp cách mạng, vì hạnh phúc của nhân dân của đồng chí Phạm Hùng, cán bộ, đảng viên và toàn thể nhân dân quyết tâm phấn đấu thực hiện thắng lợi nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI.

Kỷ niệm 110 năm ngày sinh đồng chí Phạm Hùng, chúng ta học tập tấm gương của người chiến sĩ cộng sản kiên trung, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người con ưu tú của dân tộc và quê hương Vĩnh Long với những phẩm chất cao quý, đó là ý chí kiên cường, dũng cảm, trung thành với lý tưởng của Đảng, vững tin vào thắng lợi của sự nghiệp cách mạng mà Đảng và nhân dân ta đã lựa chọn. Đó là phong cách làm việc khoa học, sâu sát cơ sở, thực tiễn, gắn bó máu thịt với nhân dân; có tư duy độc lập, tự chủ, sáng tạo, làm việc có kế hoạch, có kỷ luật, tâm huyết, trách nhiệm cao với tinh thần "Chúng ta còn sống thì còn lao động và chiến đấu". Đó là, tình yêu thương con người, đối với đồng chí sống có tình nghĩa, bao dung, vị tha; đối với bản thân thì nghiêm khắc tự phê bình, sẵn sàng tiếp thu ý kiến người khác góp ý; sống giản dị, chân tình; hiếu nghĩa với cha mẹ, quê hương, đất nước; thủy chung, mẫu mực, hết lòng chăm lo, thương yêu gia đình.
Tiếp nối truyền thống yêu nước của bác Hai Phạm Hùng mỗi người chúng ta cần chung sức, đồng lòng kiến thiết quê hương Vĩnh Long ngày càng trở nên khang trang, trù phú. Với mục tiêu là phát triển tỉnh Vĩnh Long nhanh và bền vững, thật sự có bước đột phá; phát huy tiềm năng và lợi thế của tỉnh, đáp ứng được nhu cầu phát triển của tỉnh, nhất là phát triển nông nghiệp, nông thôn và thích ứng với sự biến đổi khí hậu vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Trong đó, cần quan tâm đến đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội gắn kết đồng bộ với xây dựng nông thôn mới, phát triển đô thị và phát triển du lịch;bảo đảm an sinh, phúc lợi xã hội, chăm sóc tốt và cải thiện đời sống nhân dân. Mỗi cán bộ, đảng viên cần sâu sát với thực tiễn, gắn bó hơn nữa với nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp để đề ra những giải pháp cụ thể như ổn định kinh tế vĩ mô, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, kiểm soát dịch bệnh, chủ động triển khai nhiều giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu, thiên tai, xâm nhập mặn; tiếp tục khuyến khích tạo điều kiện thuận lợi phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp; phát triển công nghiệp phục vụ nông nghiệp, công nghiệp chế biến nông - thủy sản; phát triển dịch vụ; xúc tiến mời gọi tạo điều kiện cho cộng đồng doanh nghiệp đầu tư sản xuất kinh doanh tại địa phương.
Phát huy truyền thống cách mạng quý báu do các thế hệ tiền bối để lại, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta ra sức đẩy mạnh thực hiện các phong trào thi đua yêu nước, đoàn kết đồng tâm hiệp lực, vượt qua mọi khó khăn, thách thức, đẩy lùi dịch bệnh, phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện thắng lợi nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, xây dựng nước Việt Nam "dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh" sớm hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc./.
Thanh Tùng