Nam bộ lúc đó có phong trào mạnh mẽ hơn các nơi trong cả nước. Tháng 3/1940, Ban thường vụ Xứ ủy do đồng chí Võ Văn Tần - Ủy viên Trung ương Đảng làm Bí thư đã vạch ra Đề cương chuẩn bị bạo động đưa các hoạt động lẻ tẻ vào phong trào chống đế quốc Pháp và tay sai, chuẩn bị vũ trang khởi nghĩa.

Cả Nam bộ rạo rực không khí chuẩn bị. Nhiều cuộc biểu tình nổ ra giữa ban ngày. Có nơi, khi bọn mật thám kéo đến bắt cán bộ, nhân dân nổi trống mỏ uy hiếp, đánh tháo.
Làng nào cũng có lò rèn ngày đêm sản xuất vũ khí. Nhân dân góp nồi đồng, mâm thau, lư hương để du kích đúc đạn. Thậm chí xuất hiện cả những cơ sở làm bom, lựu đạn xi măng, súng thô sơ ở Móp Xanh (Tân An), Bà U (Mỹ Tho), chùa Hòa Thượng Đồng (Rạch Giá).
Phong trào chống chiến tranh, chống bắt lính với khẩu hiệu không một người lính, không một đồng xu cho đế quốc chiến tranh diễn ra sôi nổi trong nhân dân và binh lính.
Trong thời gian này, Xử uỷ Nam Kỳ họp nhiều lần, bàn về kế hoạch khởi nghĩa. Trước tinh thần đấu tranh của quần chúng, ảnh hưởng của không khí cách mạng khởi nghĩa Bắc Sơn, đặc biệt là tinh thần phản chiến của binh lính Việt Nam trong quân đội Pháp - nhất là số binh lính đang bị tập trung ở Sài Gòn để chuẩn bị sang chiến trường Pháp - Thái; Tháng 7/1940, Xứ ủy Nam Kỳ họp mở rộng đã thông qua đề cương chuẩn bị khởi nghĩa do thường vụ Xứ ủy khởi thảo. Xứ uỷ Nam Kỳ quyết định khởi nghĩa vào đêm 22/11/1940.
Đồng chí Phan Đăng Lưu được cử ra Bắc dự Hội nghị Trung ương lần thứ VII để báo cáo và xin chỉ thị của Trung ương.
Sau khi nghe đồng chí Phan Đăng Lưu báo cáo cặn kẽ việc chuẩn bị khởi nghĩa, Hội nghị Trung ương nhận định điều kiện khởi nghĩa ở Nam Kỳ và trong cả nước chưa chín muồi, vì vậy, đề nghị Xứ ủy Nam Kỳ chưa nên phát động khởi nghĩa. Trung ương cũng phái đồng chí Phan Đăng Lưu quay trở lại để hoãn cuộc khởi nghĩa. Ngày 22 tháng 10 năm 1940, vừa về đến Sài Gòn, đồng chí Phan Đăng Lưu đã bị bắt. Lệnh khởi nghĩa lúc đó đã phát đi khắp nơi không thể thu hồi lại. Đáng tiếc hơn nữa, kế hoạch của cuộc khởi nghĩa đã phần nào bị địch đánh hơi thấy trước ít ngày. Tối 22/11/1940, đồng chí Tạ Uyên, bí thư Xứ ủy mới thay đồng chí Võ Văn Tần đã bị bắt từ ít tháng trước và một số đồng chí khác trong Thành ủy Sài Gòn sa lưới mật thám. Đế quốc ra lệnh cấm trại binh lính người Việt và tước vũ khí của số phản chiến. Kế hoạch định lấy tiếng súng đánh chiếm thành phố Sài Gòn vào lúc 24 giờ ngày 22/11/1940 làm súng lệnh không thành.
Mặc dù vậy, đêm 22 rạng sáng ngày 23/11/1940 cuộc khởi nghĩa Nam kỳ vẫn bùng nổ với khí thế mạnh mẽ và quy mô lớn chưa từng có.
Nông thôn Nam bộ rung chuyển. Từ Biên Hòa đến Cà Mau, 18 tỉnh nổi dậy cướp chính quyền. Khởi nghĩa nổ ra ở hầu khắp các tỉnh từ miền Đông đến miền Tây Nam Bộ, ở Biên Hoà, Gia Định, Chợ Lớn, Tân An, Bến Tre, Trà Vinh, Cần Thơ, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Rạch Giá, đặc biệt quyết liệt ở Hóc Môn (Bà Điểm, Gia Định), Cai Lậy (Mỹ Tho), Vũng Liêm (Vĩnh Long). Cả vùng nông thôn rung chuyển trước sức mạnh tiến công của quần chúng cách mạng. Nhiều đồn bốt, công sở, đường giao thông... của địch bị phá. Tại một số xã, quận, chính quyền địch hoang mang, tan rã, chính quyền cách mạng được thành lập tịch thu ruộng đất của địa chủ và phản động chia cho dân cày nghèo, trừng trị bọn phản cách mạng... Cờ đỏ sao vàng lần đầu tiên xuất hiện trong nhiều cuộc biểu tình và những nơi đã thành lập chính quyền cách mạng.
Do kế hoạch khởi nghĩa bị lộ thực dân Pháp kịp thời đối phó. Chúng lập tức huy động các lực lượng tiến hành một chiến dịch khủng bố trắng cực kỳ tàn khốc. Hàng chục xe chở đầy lính được tung đi săn lùng quân du kích, càn quét các vùng khởi nghĩa. Hai mươi máy bay được huy động đi ném bom các vùng có quần chúng nổi dậy như Năm Thôn, Cai Lậy, Chợ Giữa, Càng Long (Mỹ Tho). Chúng còn dùng dây thép xuyên qua bàn tay hoặc bắp chân người, câu thành từng chuỗi rồi quẳng xuống biển. Trong thời gian từ ngày 23-11-1940 đến ngày 31- 12-1940, ở các tỉnh Gia Định, Mỹ Tho, Cần Thơ, Long Xuyên, thực dân Pháp bắt 5.848 người. Hàng ngàn người bị xử tử, bị đày ra Côn Đảo, đi các trại tập trung Tà Lài, Bà Rá.
Lực lượng nghĩa quân ít ỏi còn lại rút về Truông Mít (Thủ Dầu Một), Bình Hoà, Bình Thành trong vùng Đồng Tháp và rừng U Minh để củng cố lực lượng.
Do thời cơ chưa xuất hiện, khởi nghĩa Nam Kỳ đã thất bại. Song, cuộc khởi nghĩa biểu lộ lòng căm thù sâu sắc của nhân dân với đế quốc, tinh thần anh dũng quật khởi của quần chúng cách mạng. Cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ cùng với cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn "là những tiếng súng báo hiệu cho cuộc khởi nghĩa toàn quốc, là bước đầu đấu tranh bằng vũ lực của các dân tộc Đông Dương”.
Tại Vĩnh Long: Công tác chuẩn bịvào thời điểm năm 1940, về mặt hành chính, địch chia làm 4 quận: Châu Thành, Tam Bình, Vũng Liêm và Chợ Lách, với 47 xã và 6 thị trấn: Ngã tư Long Hồ, Cái Nhum, Ba Kè, Cái Ngang, Ngã tư Nhà Đài. Diện tích khoảng 1.200 km2, dân số 220.000 người. Cùng trong thời gian này, Tỉnh ủy Vĩnh Long nằm trong liên Tỉnh ủy Cần Thơ (gồm các tỉnh: Cần Thơ, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Rạch Giá và Vĩnh Long). Vì vậy, về mặt tổ chức, nhất là cán bộ tỉnh có sự điều động, luân chuyển cán bộ giữa các tỉnh.
Đầu năm 1940, tại Hội nghị Đảng bộ Vĩnh Long bàn về việc chuyển hướng chỉ đạo chiến lược hoạt động. Đến cuối tháng 7/1940, đồng chí Tạ Uyên thay mặt Xứ ủy Nam Kỳ về phổ biến chủ trương khởi nghĩa Nam Kỳ cho Tỉnh ủy Vĩnh Long. Thực hiện chủ trương trên, Tỉnh ủy Vĩnh Long tổ chức hội nghị họp bàn và thảo luận kế hoạch khởi nghĩa trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long.Đến cuối tháng 9/1940 Tỉnh ủy Vĩnh Long được củng cố, đồng chí Thái Văn Đẩu, Ủy viên Xứ ủy Nam Kỳ được cử làm Bí thư Liên Tỉnh ủy Cần Thơ, kiêm Bí thư ỉnh ủy Vĩnh Long, đồng chí Ngô Thị Huệ làm Phó Bí thư.
Cuối tháng 10 năm 1940, Tỉnh ủy họp tại Gò Ân Nước Xoáy, làng Hòa Hiệp (Tam Bình) để nghe phổ biến nghị quyết của Ban Thường vụ Xứ ủy. Hội nghị cũng nhất trí thành lập Ban Khởi nghĩa gồm: Đồng chí Thái Văn Đẩu- Bí thư Tỉnh ủy- làm Trưởng ban khởi nghĩa; đồng chí Ngô Thị Huệ- Phó Bí thư- làm Phó ban, trực tiếp lãnh đạo tỉnh lỵ và quận Châu Thành; đồng chí Nguyễn Thị Hồng- Tỉnh ủy viên, Bí thư Quận ủy Vũng Liêm- trực tiếp lãnh đạo quận Vũng Liêm; đồng chí Nguyễn Văn Nhứt (Nguyễn Hiếu Tự) - Tỉnh ủy viên, Bí thư Quận ủy Tam Bình- trực tiếp lãnh đạo quận Tam Bình.
Ban Chỉ huy quân sự tỉnh được thành lập gồm đồng chí Quảng Trọng Hoàng, Xứ ủy viên, thành viên Ban Khởi nghĩa liên tỉnh - phụ trách Quân sự, làm Trưởng ban và các đồng chí Nguyễn Hùng Phước, Nguyễn Hùng Minh và một số đồng chí khác nữa.
Mục tiêu của khởi nghĩa là chiếm những nơi yết hầu của địch, giải thoát các đồng chí trong nhà tù, phá hệ thống giao thông, liên lạc nhằm cản bước tiến quân và rút lui của địch; khi khởi nghĩa thành công thì thành lập chính quyền công- nông- binh theo hình thức Xô Viết.
Đầu tháng 11/1940, kế hoạch khởi nghĩa ở tỉnh và các quận được đề ra, phân công cụ thể, lực lượng khởi nghĩa sẵn sàng hành động khi có lệnh của Xứ ủy Nam Kỳ. Đúng 10 giờ ngày 22/11/1940, nữ đồng chí Mão mang lệnh khởi nghĩa về đến cơ quan Liên Tỉnh ủy ở Tam Bình (Vĩnh Long). Các lực lượng khởi nghĩa sẵn sàng đợi giờ thống nhất là đúng 12 giờ đêm ngày 22/11/1940 sẽ khởi nghĩa giành chính quyền theo kế hoạch đã định.
Khởi nghĩa ở tỉnh lỵ Vĩnh Long và quận Châu Thành: Kế hoạch khởi nghĩa ở tỉnh lỵ bị lộ, địch chủ động bố phòng nghiêm ngặt, nên các mục tiêu của cuộc khởi nghĩa ở tỉnh lỵ không thực hiện được. Cả khu vực nội ô hoàn toàn im lặng, lính Tây tuần tra chốt chặn khắp các ngả đường. Ban Khởi nghĩa ở tỉnh lỵ đã chuyển hướng hành động, cử 2 đồng chí Nguyễn Hùng Phước và Nguyễn Hùng Minh đột phá lên bến phà Mỹ Thuận nhằm chặn đường tiến quân của địch từ Sài Gòn xuống. Tuy nhiên, 2 đồng chí không đến được bến phà Mỹ Thuận vì không vượt qua được tuyến canh phòng dày đặc của địch.
"Kế hoạch phá khám, phá bắc Mỹ Thuận không thành, tôi cùng hai đồng chí Hồng Minh, Hồng Phước tập hợp số đông du kích đi thành nhiều tốp từ thị xã Vĩnh Long về Long Hồ...", đồng chí Ngô Thị Huệ dẫn một bộ phận vũ trang khoảng 50 người tiến công quận lỵ Long Hồ chiếm Nhà việc, đốt hết sổ sách, giấy tờ của địch, phá cầu Ông Me và cầu Long Hồ, cắt đường dây điện thoại, đốn cây và đem đồ vật dựng chướng ngại vật trên đường lộ, cản mũi tiến quân của địch. Sáng 23/11/1940, cánh quân này rút về vùng Rừng Dơi (xã Phước Hậu, quận Châu Thành).
Tại đây, Ban Lãnh đạo khởi nghĩa quận Châu Thành và Ban Khởi nghĩa tỉnh lỵ bàn cách giữ liên lạc giữa tỉnh và huyện, bàn cách tước vũ khí của hội tề. Tối 23/11/1940, lực lượng này đánh chiếm trụ sở Chánh Hội (Cái Nhum) đốt hết sổ sách, giấy tờ, thu 2 súng. Như vậy, lực lượng khởi nghĩa ở quận Châu Thành và tỉnh lỵ Vĩnh Long tuy không đánh chiếm được tỉnh lỵ nhưng làm tiêu hao một số sinh lực địch, phá hủy 2 cầu sắt, đánh sập 2 trụ sở xã và đốt toàn bộ sổ sách ở 2 trụ sở và thu 2 súng.
Khởi nghĩa ở quận Tam Bình: Khởi nghĩa chia thành 3 mũi tấn công. Mũi thứ nhất có 90 người, do đồng chí Nguyễn Văn Nhứt (Hiếu Tự) chỉ huy, có nhiệm vụ đánh vào dinh quận và trại lính Mã tà. Mũi thứ hai có 30 người, do đồng chí Đặng Văn Chính chỉ huy, có nhiệm vụ đánh chiếm đồn Trà Luộc. Mũi thứ ba có 30 người, do đồng chí Phan Văn Đáng (Hai Văn) chỉ huy, nhiệm vụ đánh trụ sở làng Mỹ Thạnh Trung và chặn đường tiếp viện của địch từ tỉnh lỵ Vĩnh Long vào quận lỵ Tam Bình. Đúng 12 giờ đêm 22/11/1940, cả 3 mũi được lệnh tiến công địch.
Mũi thứ nhất tấn công vào quận lỵ Tam Bình, chiếm được trại lính, thu một số súng. Địch dựa vào công sự chống trả, quân ta đã giằng co với địch suốt 4 giờ liền, địch rút quân vào cố thủ trong dinh quận chờ tiếp viện. Sau đó, địch điều một đơn vị lính Pháp từ tỉnh lỵ Vĩnh Long xuống cứu nguy cho đồng bọn. Quân ta phải rút lui về gò Cỏ Ống thuộc xã Mỹ Thạnh Trung để bảo toàn lực lượng.
Mũi thứ hai đánh chiếm được đồn Trà Luộc, thu một khẩu súng.
Mũi thứ ba đánh chiếm trụ sở và đốt hết sổ sách tại trụ sở xã Mỹ Thạnh Trung, phá hủy các cầu: Cái Sơn, Bằng Tăng, Ba Kè và đốn cây, chặt chướng ngại vật trên nhiều tuyến đường không cho xe địch cứu viện, sau đó kéo đi chi viện mũi đánh vào dinh quận.
Như vậy, khởi nghĩa ở Tam Bình diễn ra khá sôi động trên địa bàn quận lỵ Tam Bình nhưng quân ta chưa đánh chiếm được dinh quận và chưa làm chủ được các mục tiêu ở quận lỵ. Mặc dù vậy, khí thế của khởi nghĩa làm cho quân thù khiếp sợ, hoang mang.
Ở Cái Ngang, vào khoảng 12 giờ đêm 22/11/1940, lực lượng của ta có khoảng 100 người do đồng chí Nguyễn Văn Gia (Bí thư Chi bộ làng Phú Lộc Cựu) lãnh đạo, cùng một toán du kích xã Mỹ Lộc do đồng chí Nguyễn Văn Tiễn (Tám Thới) chỉ huy đánh đồn địch, giết tên đồn trưởng, bắt sống 4 tên lính, thu 5 khẩu súng (2 súng mút, 3 súng lửa), nhiều phương tiện khác và làm chủ Cái Ngang trong 17 giờ liền.
Thực dân Pháp tức điên cuồng, quyết tâm dập tắt khởi nghĩa ở Cái Ngang, 09 giờ sáng ngày 23/11/1940 một toán lính do tên quan Hai (người Pháp) chỉ huy đi tàu từ ngã tư Long Hồ theo sông Cái Cau tiến xuống. Tàu chạy gần đến chợ Cái Ngang (ngang đình Phú Lộc Cựu) bị nghĩa quân phục kích, bắn bị thương tên quan Hai, chúng phải bỏ chạy trở về tỉnh lỵ Vĩnh Long. Đến 14 giờ cùng ngày, Hội đồng Tượng, cai tổng Tú (Lê Văn Tú), Hương quản Giác tập hợp tề xã và tay sai có trang bị súng kéo về Cái Ngang, tổ chức phản công lần 2, bị nghĩa quân chặn đánh, chúng phải bỏ chạy. Đến 17 giờ cùng ngày, thực dân Pháp điều một tàu chở đầy lính từ Vĩnh Long xuống Cái Ngang mở đợt tấn công lần 3, quyết đánh chiếm Cái Ngang. Quân ta đánh trả lại quyết liệt, nhưng do vũ khí thô sơ và lực lượng tổn thất nên ta rút lui về căn cứ Cây Điều - Cái Bần để bảo toàn lực lượng. Thực dân Pháp chiếm lại thị trấn Cái Ngang, chúng điên cuồng cướp bóc tài sản nhân dân, đốt phá toàn bộ nhà cửa tại chợ Cái Ngang.
Khởi nghĩa ở quận Vũng Liêm: Lực lượng khởi nghĩa ở Vũng Liêm chia thành 3 mũi. Đúng 12 giờ đêm 22/11/1940, mũi thứ nhất có 80 người do đồng chí Nguyễn Thị Hồng - Tỉnh ủy viên kiêm Bí thư Quận ủy Vũng Liêm chỉ huy tiến công vào quận lỵ Vũng Liêm. Lực lượng khởi nghĩa xông vào đánh chiếm dinh quận, trại lính, trạm bưu điện. Trước khí thế sôi sục của quân ta, binh lính địch và Quận trưởng Hải hoảng sợ chạy trốn, không dám chống cự. Lực lượng khởi nghĩa thu 5 khẩu súng, thiêu hủy hồ sơ và đốt dinh quận. Chỉ trong vòng 90 phút, lực lượng khởi nghĩa đã chiếm toàn bộ quận lỵ Vũng Liêm và làm chủ trong 8 giờ liền. Lần đầu tiên cờ cách mạng tung bay ở quận lỵ Vũng Liêm.
Mũi thứ hai có 30 người, do đồng chí Nguyễn Văn Nhung, Phan Ngọc Yến và đồng chí Trần Văn Viên phụ trách, hoàn thành nhiệm vụ đánh chiếm đồn Trung Ngãi, làm chủ tình hình, chủ động đánh quân can viện từ Trà Vinh lên.
Mũi thứ ba có 30 người, do đồng chí Hồ Chí Thiện (Năm Tép) và Phan Văn Hòa (tức Võ Văn Kiệt) có nhiệm vụ đánh phá khu vực phà Nước Xoáy và ngăn chặn đường chi viện địch từ Vĩnh Long xuống. Tại đây, lực lượng ta có 150 người, 12 giờ đêm 22/11/1940, nổ súng tiến công, đánh chiếm được bến phà. Sau đó, lực lượng khởi nghĩa vượt sông, chiếm đồn Nước Xoáy (Hòa Hiệp - Tam Bình) diệt 5 tên địch và thu 3 khẩu súng, đục thủng 2 chiếc phà qua sông Mang Thít, cắt dây thép, cắt đứt giao thông từ Vĩnh Long xuống Trà Vinh.
Đồng chí Nguyễn Văn Đốc và Lê Văn Tú chỉ huy khởi nghĩa ở làng Hồi Luông, bao vây tề xã treo cờ cách mạng, hợp mít-tinh mừng thắng lợi. Quân ta đã kéo đổ được hàng chục cột dây điện và đốn cây làm chướng ngại vật trên lộ chặn đường chi viện của địch. Du kích các làng Hiếu Thành và Quới Thiện và ngã tư Nhà Dài.
Tại quận lỵ Vũng Liêm cũng như các làng Quới Thiện, Trung Ngãi, Hiếu Thành, Hồi Luông,… nhân dân khởi nghĩa thắng lợi làm chủ tình hình, giải tán bộ máy tề ngụy, làm chủ xóm ấp.
Sáng 23/11/1940, địch điều lính từ Trà Vinh về và từ Vĩnh Long xuống chi viện cho quận lỵ Vũng Liêm. Ban Chỉ huy khởi nghĩa Vũng Liêm phát hiện được âm mưu của địch, cử tổ du kích phá cầu Mây Tức và chặn đường tiến của quân Pháp. Cuộc chiến diễn ra ác liệt, quân ta chiến đấu rất dũng cảm, song do lực lượng quá chênh lệch nên để bảo toàn lực lượng, Ban Chỉ huy khởi nghĩa ra lệnh cho lực lượng rút quân về đồng Cà Dăm (làng Trung Ngãi). Tại đây, ta vừa tuyên truyền vận động quần chúng ủng hộ cách mạng, vừa phục kích đánh địch và chuẩn bị lực lượng, chờ lệnh mới. Sau gần 1 tháng, ta chia nhỏ lực lượng, tỏa về các địa phương để hoạt động.
Khởi nghĩa ở Trà Ôn: Quận Trà Ôn và Cầu Kè (lúc bấy giờ thuộc tỉnh Cần Thơ) được Tỉnh ủy Cần Thơ phân công phối hợp cùng với lực lượng quận Cầu Kè đánh chiếm quận lỵ Cầu Kè. Quận Cầu Kè được xác định là trọng điểm thứ hai của Tỉnh ủy Cần Thơ, do đồng chí Đoàn Bá Lợi - Phó Bí thư Tỉnh ủy trực tiếp chỉ đạo.
Ban lãnh đạo nhận được lệnh khởi nghĩa vào lúc 10 giớ sáng ngày 23/11/1940. Đồng chí Đoàn Bá Lợi đã họp Ban lãnh đạo triển khai kế hoạch khởi nghĩa mặc dù lệnh đến trễ.
Lực lượng các làng An Phú Tân, Tam Ngãi, Hòa Ân, Hựu Thành có nhiệm vụ chiếm quận lỵ Cầu Kè. Ngoài ra, Ban lãnh đạo còn phân công đồng chí Trần Vĩnh Miêng huy động lực lượng du kích làng Trà Côn đến hỗ trợ quận lỵ Cầu Kè. Tuy nhiên, việc chuẩn bị khởi nghĩa tại Vĩnh Xuân bị lộ, không tiến hành được.
Đêm 23/11/1940, lực lượng khởi nghĩa ở Trà Côn do đồng chí Trần Vĩnh Miêng lãnh đạo tổ chức được hàng trăm người từ Trà Côn, Thuận Thới, Hựu Thành kéo về quận lỵ Cầu Kè. Khi đến Giồng Lớn thì được tin cuộc khởi nghĩa ở quận lỵ Cầu Kè thất bại, gặp lính quận đi tuần tra nên phải quay lại.
Đến ngày 24/11/1940, được tin các cuộc khởi nghĩa ở Tam Bình, Vũng Liêm, Cầu Kè đều bị thất bại, nên Trà Côn không khởi nghĩa. Tuy nhiên, các chi bộ xã cũng lãnh đạo nhân dân hưởng ứng tích cực cuộc khởi nghĩa bằng cách đặt chướng ngại vật trên đường, treo biểu ngữ, rải truyền đơn,…
Sau khi khởi nghĩa Nam Kỳ ở Vĩnh Long thất bại, thực dân Pháp huy động lính Pháp, lính lê dương và bọn phản động ở địa phương, tiến hành đợt khủng bố trắng. Chúng truy lùng quân khởi nghĩa và bắt những người từng ủng hộ khởi nghĩa, từ ngày 22/11/1940 đến ngày 31/11/1940, địch đã bắt 611 người, trong đó có 102 cán bộ, đảng viên và chiến sĩ bị giam cầm và hy sinh tại Côn Đảo.
Khi bắt được những đảng viên cộng sản hoặc quần chúng cách mạng, chúng tra tấn dã man. Hậu quả khủng bố trắng của thực dân Pháp ở Vĩnh Long, đặc biệt là quận Vũng Liêm, Tam Bình đã làm cho cách mạng gặp nhiều khó khăn. Đến cuối năm 1940 đầu năm 1941, phần lớn cơ sở đảng trong tỉnh Vĩnh Long bị đánh phá và tan vỡ, phong trào cách mạng tạm thời lắng xuống, chờ thời cơ mới.

Bài học từ cuộc khởi nghĩa: Cuộc khởi nghĩa Nam kỳ ở Vĩnh Long thất bại do chưa đủ điều kiện chín muồi cho một cuộc tổng khởi nghĩa trong phạm vi Nam Kỳ và cả nước, thêm vào đó kế hoạch trước đó đã bị lộ nên địch có sự phòng bị kỹ càng nên một số nơi chưa đạt kết quả. Tuy nhiên, như đánh giá của nhiều chuyên gia khởi nghĩa Nam kỳ là trang sử oanh liệt của đất Vĩnh Long, của miền Nam "đi trước, về sau" trên suốt chặng đường cách mạng của đất nước. Cùng với khởi nghĩa Bắc Sơn, Nam Kỳ khởi nghĩa là hiệu kèn giải phóng hùng dũng báo hiệu thắng lợi vĩ đại của Cách mạng tháng Tám năm 1945. Sự kiện này không những là mốc son của dân tộc, mà còn để lại cho chúng ta nhiều bài học quý báu:
- Bài học về xác định thời cơ, điều kiện tiến hành khởi nghĩa: Thời điểm này Pháp và Nhật đang mâu thuẫn trong việc "cướp bóc, vơ vét, thống trị thuộc địa dẫn đến sự khủng hoảng sâu sắc trong bộ máy cai trị của Pháp" và "ở Nam Kỳ đã có một cuộc khủng hoảng chính trị, kinh tế, xã hội, tạo điều kiện cho cách mạng tiến lên". Nhưng lúc này bộ máy cai trị của thực dân Pháp chưa hoàn toàn suy sụp, có sự nhượng bộ của Pháp đối với Nhật nên vẫn duy trì được địa vị thống trị ở Đông Dương. Do đó, thời cơ thì đã có nhưng điều kiện thì chưa đảm bảo nên không giành được thắng lợi.
- Bài học về xác định lực lượng chủ yếu, nòng cốt cho cuộc khởi nghĩa: Công tác vận động binh lính địch đứng về phía cách mạng là rất quan trọng, nhưng không thể xem đây là lực lượng nòng cốt, mà chủ lực và lực lượng xung kích phải là công nông. Ở đây, Xứ ủy Nam kỳ đã chủ trương xây dựng các Hội phản đế nhằm tập hợp lực lượng đông đảo quần chúng trên cơ sở đó tổ chức các đội tự vệ, du kích, đồng thời tiến hành công tác binh vận là hoàn toàn đúng.
- Bài học về chủ trương và nghệ thuật phát động khởi nghĩa: Trung ương đã nhận ra việc khởi nghĩa cho cả nước về điều kiện khách quan, chủ quan chưa đầy đủ nên quyết định dừng, nhưng chủ trương không về kịp. Điều này cho thấy: "cuộc khởi nghĩa Nam kỳ dù có rộng lớn cũng chỉ là cuộc khởi nghĩa ở một địa phương và cũng chỉ một phần Nam Kỳ, nên thất bại là chuyện không quá khó để nhận ra". Khởi nghĩa muốn giành thắng lợi thì nó phải là một cuộc tổng khởi nghĩa, khi mà nhân dân cả nước nhất tề cùng đứng lên đánh giặc, giành lấy chính quyền.
Bài học lớn nhất từ khởi nghĩa Nam Kỳ là Đảng ta và nhân dân cả nước không gục ngã, không bi quan, không chùn bước trước thất bại mà phải đi lên từ thất bại. Qua trận thử lửa này, quần chúng càng gắn bó với Đảng, càng tôi luyện chí khí cách mạng, củng cố nhận thức: Con đường sống duy nhất của dân tộc là phải dùng bạo lực cách mạng đập tan bạo lực phản cách mạng của bọn đế quốc và phong kiến, giành lại độc lập tự do.
Khởi nghĩa Nam Kỳ nêu một tấm gương sáng chói về tinh thần kiên cường bất khuất của nhân dân Việt Nam. Cùng với khởi nghĩa Bắc Sơn và cuộc nổi dậy của binh lính Đô Lương, khởi nghĩa Nam Kỳ là những phát súng báo hiệu cho cuộc khởi nghĩa toàn quốc, là bước đầu tranh đấu bằng vũ lực, là tiền đề cho Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công./.
Thanh Tùng