Năm 1938, Ông tham gia hoạt động trong phong trào Thanh niên phản đế. Tháng 11.1939 được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương, làm Bí thư Chi bộ, Huyện ủy viên và tham gia cuộc khởi nghĩa Nam kỳ ngày 23.11.1940 ở huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long. Từ năm 1941 đến năm 1945, Ông hoạt động cách mạng ở Rạch Giá, tham gia Tỉnh ủy lâm thời và tham gia khởi nghĩa giành chính quyền ở tỉnh Rạch Giá.

Tại kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa IX (1992 - 1997), Ông được Quốc hội bầu làm Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, Phó chủ tịch Hội đồng Quốc phòng và An ninh. Từ tháng 12.1997 đến tháng 4.2001, đồng chí được Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương khóa VIII cử làm Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam.
Ông Võ Văn Kiệt đã thể hiện bản lĩnh của nhà lãnh đạo kiên định, sáng tạo, đổi mới với tư duy sắc sảo, nhạy bén, tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm; tinh thần gương mẫu, tận tụy trong công tác, giản dị trong lối sống, gần gũi… Thủ tướng Võ Văn Kiệt lúc sinh thời là một trong những người luôn đi tiên phong trong công cuộc đổi mới. Trên cương vị của mình, ông đã nghiên cứu, tìm tòi và đưa ra nhiều chính sách mang tính đột phá, như: xóa bỏ chỉ tiêu pháp lệnh, trao quyền tự chủ kinh doanh cho xí nghiệp quốc doanh.

Thủ tướng còn thực hiện thương mại hóa tư liệu sản xuất, cho phép các doanh nghiệp lớn, cả trung ương và địa phương được trực tiếp xuất nhập khẩu, chấm dứt tình trạng hai giá; xóa bỏ chế độ thu mua nghĩa vụ áp đặt với nông dân, bãi bỏ ngăn sông cấm chợ, thực hiện tự do lưu thông hàng hóa trong cả nước… chuyển dần từ nền kinh tế bao cấp sang kinh tế thị trường, đưa đời sống kinh tế đất nước dần vào thế ổn định.
Thủ tướng Võ Văn Kiệt, khi đó là Bí thư Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh đã hỏi các thành viên trong Ban Thường vụ Thành ủy rằng: "Các đồng chí muốn giữ được chức mà để cho dân đói, hay để dân ấm no mà chúng ta có thể mất chức, thậm chí có thể đi tù". Thời điểm đó, lựa chọn của tập thể là đột phá để có gạo lo cho dân, ông Võ Văn Thưởng nhắc lại và nói: “Tôi cho rằng bài học này còn nguyên giá trị trong giai đoạn hiện nay”.
Thấu hiểu và xót xa trước tình cảnh người dân sinh sống ở “vựa lúa” của cả nước nhưng lại thiếu ăn, phải ăn độn hằng ngày, ông Võ Văn Kiệt đã khẳng định: “Không có chủ trương nào của Đảng, Nhà nước làm cho dân đói khổ, cán bộ làm cho dân no lại bị kỷ luật. Còn nếu cấp trên nghiêm, cứng, cứ yêu cầu phải kỷ luật để làm gương, thì thà chịu mất chức còn hơn là ngồi đó để nhìn thấy dân mình đói khổ”.
Thấy người dân đói tới nơi rồi nên ông Võ Văn Kiệt mới triệu tập cuộc họp rồi đưa ra giải pháp là thành phố xuất tiền cho cá nhân bà Nguyễn Thị Ráo (bà Ba Thi), lúc đó là cán bộ lo mảng lương thực của TP.HCM, xuống các tỉnh mua thu gom gạo của người dân với giá thỏa thuận. Thực chất là "mua chui" của người dân, việc làm đó chẳng theo nguyên tắc nào cả, nhưng có cơ sở là vì người dân. Nếu ông không mạnh dạn “xé rào” thì chẳng ai cứu được dân TP.HCM khỏi cảnh thiếu ăn. Vụ đó, tôi nghe nói ổng bị phê bình dữ lắm. Nhưng ổng bảo, thà bị kỷ luật chứ không để dân đói. Khi Giám đốc Công ty lương thực - bà Ba Thi lo ngại “làm thế này là tôi dễ đi tù lắm, vì dám phá giá nhà nước, lại chuyên chở gạo trái phép”, ông Võ Văn Kiệt nói: “Chị cứ làm đi, nếu chị phải đi tù, thì tôi đem cơm cho chị”.

Khi xây dựng đường dây truyền tải điện 500KV Bắc - Nam, có rất nhiều ý kiến trái chiều, tuy nhiên với bản lĩnh của mình, đồng chí đã quyết định thực hiện và sẵn sàng chịu trách nhiệm với quyết định của mình. Có mẫu chuyện kể về Bộ trưởng Bộ Năng lượng Vũ Ngọc Hải, người lập đề án đường dây truyền tải điện 500kV Bắc - Nam bị kết tội thiếu trách nhiệm trong quản lý, bị kết án ba năm tù giam, một số cán bộ có liên quan bị cách chức. Sáng hôm sau khi đóng điện, Thủ tướng Võ Văn Kiệt vào nhà tù thăm Vũ Ngọc Hải báo tin mừng đường dây truyền tải điện 500KV Bắc - Nam đã thành công, huy hiệu đường dây 500kV mà anh em điện lực gắn cho đồng chí Võ Văn Kiệt, đồng chí đã gắn cho Vũ Ngọc Hải". Và kết quả là đến nay người dân Việt Nam luôn nhắc đến ông mỗi khi "nhìn về" đường dây tải điện 500KV.
Trên báo Thanh niên với loại bài về kỷ niệm 100 năm ngày sinh Thủ tướng Võ Văn Kiệt có đăng ý kiến của một người dân vùng tứ giác Long Xuyên: "Nếu chỉ dùng một từ để nói về ông Sáu Dân thì với tôi đó là tin cậy. Ông là con người mình tin cậy được, dân tin cậy được. Tin thì rõ rồi, cậy còn có nghĩa là nhờ được, dựa vào để gửi gắm niềm tin của mình." Có thể thấy được niềm tin của người dân nơi đây đối với ông là tuyệt đối vì một lẽ rất đơn giản "ông vì dân nên được dân yêu".
Đối với việc khai mở tứ giác Long Xuyên, ngày nay còn nhiều câu chuyện kể về ông Võ Văn Kiệt đã hết lòng vì mảnh đất này. Câu chuyện bắt đầu từ chương trình Đồng Tháp Mười năm 1987, một năm sau là chương trình khai thác Tứ giác Long Xuyên năm 1988 do Thủ tướng Võ Văn Kiệt khởi xướng. Đó là 2 chương trình bước ngoặt của miền Tây sau 1975, khai mở và tạo nên vựa lúa Đồng bằng Sông Cửu Long ngày nay. Ở An Giang lúc đó nhiệm vụ trọng tâm là khai hoang phục hóa, khai thác vùng đất phèn nặng, còn gọi là rốn phèn của vùng phèn Tứ giác Long Xuyên. Để đi đến quyết định trọng đại này, Thủ tướng Võ Văn Kiệt còn về lại khảo sát mấy lần để cùng địa phương, trao đổi tìm cách thoát lũ, “rước” ngọt, rửa “rốn phèn” cho An Giang, Kiên Giang. Cùng đi với ông còn có các chuyên gia thủy lợi như GS Hồ Chín, GS Nguyễn Sinh Huy và GS Nguyễn Văn Hiệu, TS Tô Văn Trường và đặc phái viên của Thủ tướng (ông Đặng Văn Thượng)…Sau khi lắng nghe nhiều phía, tổng hợp, cân nhắc, đến ngày 25.7.1996, Thủ tướng Võ Văn Kiệt quyết định phóng tuyến kênh T5 - Tuần Thống. Tháng 8.1997, tuyến kênh đào hoàn thành dài 36,7 km xuyên qua vùng Tứ giác Long Xuyên ra biển Tây.
Cũng nhờ đào kênh đưa nước ngọt, phù sa vào sâu Tứ giác Long Xuyên, chương trình khai thác Tứ giác Long Xuyên sau 10 năm (1989 - 1999) của tỉnh An Giang thành công mỹ mãn. Sản lượng lúa của An Giang đã tăng từ 600.000 tấn lên 3 triệu tấn. 25 năm sau ngày hoàn thành, kênh Võ Văn Kiệt giờ đây còn là tuyến giao thông thủy huyết mạch nối liền kênh Vĩnh Tế, chạy dọc biên giới giáp Campuchia xuống tới vùng biển Kiên Giang. Dưới kênh ghe xuồng chở nông sản, hàng hóa thông thương, trên bờ là con đường trải nhựa liên tỉnh thẳng tắp, nhà cửa san sát. Đến nay, công trình thoát lũ biển Tây mà cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt để lại cho An Giang, Kiên Giang không chỉ giúp 2 tỉnh mở rộng thêm hơn 125.000 ha đất sản xuất, mà còn giúp cả hai địa phương này trở thành những nơi dẫn đầu cả nước về sản xuất lúa. Đặc biệt là mang lại cuộc sống, sinh kế ổn định cho hàng triệu con người.
Chuyện kể về Thủ tướng Võ Văn Kiệt thì nhiều vô kể, nhưng xuyên suốt đó là một hình ảnh Võ Văn Kiệt - người luôn hành động, con người của những quyết sách mang tầm vóc lịch sử. Ngay cả khi đã thôi nhiệm, ông vẫn luôn trăn trở suy tư vì dân, vì nước. Trước khi mất, ông vẫn còn dang dỡ chuyến đi học tập kinh nghiệm Hà Lan về chống nước biển dâng để về khắc phục sự ảnh hưởng của biến đổi khí hậu toàn cầu, tình trạng xâm thực ngập mặn của nước biển, đó cũng là vì lo cho cuộc sống của người dân.
Đồng chí Võ Văn Kiệt đã để lại cho chúng ta những bài học quý báu về tấm gương của một chiến sĩ cộng sản chân chính, một nhà lãnh đạo có tầm tư duy chiến lược, lý luận gắn liền với thực tiễn, dám nhìn thẳng vào sự thật, sâu sát cơ sở, luôn lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của nhân dân. Đồng thời luôn giữ vững nguyên tắc, kiên định lập trường, trí tuệ, bản lĩnh, mưu lược, tiên phong, không ngừng đổi mới sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, quyết liệt hành động vì lợi ích chung để giải quyết những vấn đề bức thiết, những đòi hỏi của quốc kế, dân sinh, đặc biệt là "VÌ DÂN"./.
Thanh Tùng