Trải qua hai cuộc kháng chiến cứu nước, tên tuổi của ông trở thành huyền thoại đối với nhiều thế hệ người Việt Nam cũng như bạn bè quốc tế. Đặc biệt là niềm tự hào của người dân Vĩnh Long vì ông là hiện thân cho ý chí cầu tiến, sự vươn lên bằng con đường học thức, có hoài bão, có ước mơ và có kế hoạch cho việc thể hiện những hoài bão của mình. Những đóng góp của GS.VS Trần Đại Nghĩa đối với công cuộc cách mạng Việt Nam vô cùng to lớn. Bác Hồ trong một bài báo ký tên C.B đã viết về ông: “Anh hùng lao động Trần Đại Nghĩa là một đại trí thức, mang một lòng nhiệt thành về phụng sự Tổ quốc, phục vụ kháng chiến”.

Tuổi thơ và hoài bão
Gia đình nghèo khổ, năm lên 6 tuổi thì cha qua đời với lời trăn trối “...phải lo học hành đến nơi đến chốn… phải biết mang hiểu biết của mình giúp ích cho đời”. Thời đó, học trò nghèo mà được gia đình cho ăn học là rất hiếm. Cuộc sống rất nghèo đói, tù túng. Người chị gái đã phải nghỉ học, tần tảo nuôi nấng cho em ăn học. Lúc 12 tuổi, đi học qua cầu Thiền Đức, Phạm Quang Lễ đã chứng kiến cảnh người nhảy xuống sông tự tử vì cuộc sống quá cơ cực, đói khổ. Từ đó, Lễ nuôi chí phải đánh đuổi thực dân Pháp để cho dân mình bớt khổ. Vì muốn tổ chức lực lượng đánh thắng quân thực dân thì vấn đề vũ khí là hết sức quan trọng, những cuộc khởi nghĩa trước đó thất bại phần lớn là do vũ khí quá thô sơ, nên nên Phạm Quang Lễ đã nuôi mộng… chế tạo vũ khí. Sẵn khả năng học giỏi nên Lễ học giỏi nhiều môn, đặc biệt là môn toán, lý hóa, cơ học.
Năm 1926, Phạm Quang Lễ thi đỗ hạng ưu vào trường Trung học đệ nhất cấp Mỹ Tho, được nhận học bổng trong 4 năm học (1926-1930). Năm 1930, Phạm Quang Lễ thi đỗ vào Trường Petrus Ký (nay là Trường chuyên Lê Hồng Phong, TP. Hồ Chí Minh) và được học bổng 3 năm liền. Bạn đồng học với Lễ tại trường có các học sinh Phạm Văn Thiện (tức Phạm Hùng), Huỳnh Tấn Phát, Nguyễn Tấn Ghi Trọng…là những học trò xuất sắc của khoá học.
Phạm Quang Lễ có một tuổi thơ không được suông sẻ nhưng lại có một gia đình rất yêu thương cậu bé Lễ, dành tất cả tình yêu thương cho cậu được học hành, được đồng hành cùng với trường học, với tri thức dù nhà rất nghèo, đó cũng là điển hình cho một bộ phận người dân Vĩnh Long lúc bấy giờ, mặc dù nghèo khó nhưng ai cũng mong muốn con em mình được đến trường, một vùng đất được mang danh là "đất học". Nhưng cái khác của Lễ so với chúng bạn là xây dựng cho mình một hoài bão mà nếu thực dân Pháp biết được thì sẽ gọi là "nổi loạn", là "tạo phản", nhưng với người Việt Nam đó là một hoài bão lớn trong một đứa trẻ có tinh thần yêu nước cực cao.
Một mình nơi xứ người
Năm 20 tuổi (1933), Phạm Quang Lễ đã trở thành thủ khoa cả tú tài bản xứ và tú tài Tây. Tháng 9/1935, Phạm Quang Lễ sang Pháp du học khi tròn 22 tuổi.
Bằng trí thông minh và ý chí của mình, sau 9 tháng học dự bị, Phạm Quang Lễ thi đậu xuất sắc vào Trường Đại học Cầu đường Paris và được học bổng toàn phần của Chính phủ Pháp. Cùng thời gian đó, ông còn học thêm ở Trường cao đẳng Kỹ thuật Paris và Trường Đại học Sorbonne.
Nhưng để học chế tạo vũ khí như hoài bão, đó là việc rất khó như chính ông từng kể lại: “Công việc chẳng phải là giản đơn. Không một nước nào trên thế giới lại ngớ ngẩn công bố các tài liệu kỹ thuật quân sự. Đế quốc Pháp đâu phải là điên đến mức để cho một người Việt Nam, kể cả những kẻ đã vào “làng Tây”, được đến học ở các trường dạy về vũ khí hay vào làm ở các viện nghiên cứu, các nhà máy sản xuất vũ khí. Vì thế, trong 11 năm đằng đẵng ấy, tôi chỉ có thể mò mẫm tự học một cách âm thầm, đơn độc và bí mật hoàn toàn...”. Do đó, Phạm Quang Lễ phải đi "đường vòng" như: vào học các trường có vẻ như chẳng liên quan gì nhau là Đại học Bách khoa Paris, Đại học Mỏ, Đại học Điện, Đại học Sorbonne, Đại học Cầu đường Paris. Năm 1940, sinh viên Phạm Quang Lễ đã nhận gần như cùng một lúc ba bằng: Kỹ sư cầu đường, Kỹ sư điện và Cử nhân Toán. Sau đó, ông còn học tiếp và nhận thêm ba bằng kỹ sư khác: Hàng không, Mỏ - Địa chất và Chế tạo máy.
Bên cạnh đó, Phạm Quang Lễ đã tự học bằng cách lân la làm quen với người thủ thư, để cứ mỗi sáng thứ 6, anh viết những cuốn sách muốn mượn đưa cho người thủ thư, chiều đến nhận sách và trong 2 ngày phải đọc xong, sáng thứ hai phải trả lại thư viện để không bị phát hiện. Vì thế, suốt bao năm ở nước ngoài mà Phạm Quang Lễ chẳng biết gì đến nhảy đầm, rượu tây, cứ rảnh là sách và sách. Trung bình cứ 20.000 tên sách mới chọn được một cuốn có liên quan đến vũ khí. Trong số hơn một triệu tên sách ở thư viện, chỉ nhặt ra được 50 cuốn! Khó khăn như vậy nhưng cuối cùng, sau 11 năm tìm kiếm, Lễ đã có trong tay hơn 30.000 trang tài liệu về vũ khí nằm trong 1 tấn sách của mình.
Sau khi học xong, ông đã làm việc tại Hãng điện khí Thomson, Viện Nghiên cứu chế tạo máy bay và vũ khí của Pháp năm 1939. Nhận thấy, kỹ thuật hàng không của Đức lúc bây giờ là tiến bộ nhất châu Âu nên ông đã sang Đức làm việc trong xưởng chế tạo máy bay Halle ở miền Trung nước Đức và Viện nghiên cứu vũ khí, nhưng nhận thấy tình hình tại Đức lúc đó không phù hợp nên ông đã trở lại Pháp làm việc, rồi được thăng chức lên làm kĩ sư trưởng Nhà máy nghiên cứu chế tạo máy bay hãng Nord Aviation (Pháp, 1944).
Suốt 11 năm bền bỉ, âm thầm nghiên cứu, thông qua các mối quan hệ trong quá trình làm việc ở các nơi như Viện Nghiên cứu vũ khí, xưởng chế tạo vũ khí, máy bay..., ở Pháp và Đức, ông tìm kiếm các bí mật quân sự, các bản thiết kế vũ khí. Kết quả của sự lao động miệt mài đó là hơn 30.000 trang tài liệu ghi chép về chế tạo vũ khí, hầu hết là “tuyệt mật”.

Phục vụ kháng chiến
Ngày 5/12/1946, Bác Hồ giao cho Phạm Quang Lễ làm cục trưởng Cục Quân giới, đơn vị trực tiếp sản xuất súng đạn phục vụ chiến đấu. Bác nói: “Việc của chú làm đây là việc đại nghĩa, vì thế từ nay Bác đặt tên cho chú là Trần Đại Nghĩa. Dùng bí danh này để giữ bí mật cho chú và để bảo vệ gia đình, bà con chú còn ở trong Nam”. Bác giải thích ý nghĩa cái tên: “Một là họ Trần, là họ của danh tướng Trần Hưng Đạo. Hai là, Đại Nghĩa là nghĩa lớn để chú nhớ đến nhiệm vụ của mình với nhân dân, với đất nuớc. Đại Nghĩa còn là chữ của Nguyễn Trãi trong Bình Ngô đại cáo”. Từ đó cái tên Trần Đại Nghĩa đã gắn với ông trọn đời.
Cùng các cộng sự, Trần Đại Nghĩa bắt tay vào công việc ngay từ tháng 11/1946. Ông say mê làm việc đến quên ăn, quên ngủ. Nhiều đêm ông chỉ mong cho trời chóng sáng để làm việc, nghiên cứu, thử nghiệm. Song công việc không hề dễ dàng. Ông chỉ đạo xưởng Giang Tiên sản xuất thành công một khẩu súng Bazôca 60mm và 50 quả đạn. Khi bắn thử, đạn nổ nhưng chưa xuyên.Tất cả đều phải tính toán lại từ đầu và phải hiểu được những nguyên lý cơ bản về thuốc phóng, thuốc nổ. Có chuyện kể rằng, những cán bộ chiến khu rất... sợ khi đi qua phòng Trần Đại Nghĩa vì đó là nơi rất nguy hiểm, trong căn phòng chứa đầy thuốc nổ đủ loại, chỗ nào cũng thấy ngổn ngang bao tải thuốc nổ, trên mặt bàn làm việc la liệt các loại đạn Bazôca, quả đang nghiên cứu, quả đã nhồi xong, quả thì chưa nhồi, rồi thì hạt nổ... Kỹ sư lại có thói quen... hút thuốc mỗi lúc tư duy. Rõ ràng tai hoạ luôn rình rập. Cuối cùng, điều kì diệu đã đến. Cuối tháng 2/1947, cuộc thử nghiệm Bazôca thành công. Mức đâm xuyên của đạn vừa chế tạo đạt độ sâu 75cm trên tường thành xây gạch tương đương với sức nổ xuyên của đạn Bazôca do Mỹ chế tạo.
Sáng 3/3/1947, trong chiến dịch quân Pháp đánh chiếm thị xã Hà Đông. Tại chùa Trầm, quân Pháp sử dụng 4 chiếc xe tăng mở đường, bên ta chỉ có đúng 5 viên đạn để bắn. Viên đầu tiên bắn ra, chiếc xe tăng đi đầu bốc cháy ngùn ngụt, chiếc thứ 2 cũng bị đạn bắn hỏng. Cả đoàn xe địch khựng lại, hỗn loạn rồi thối lui. Sự xuất hiện của một loại vũ khí mới đã khiến chúng bất ngờ và hoang mang. Chiến công này góp phần bẻ gẫy cuộc tấn công của địch ra vùng Chương Mỹ, Quốc Oai. Ngày 3/3/1947 đã trở thành một mốc son của ngành Quân giới Việt Nam trong việc chế tạo khí tài, súng đạn.
Chiến sự ngày ác liệt, ngoài Bazôca chiến trường cần phải có thêm vũ khí hạng nặng. Trần Đại Nghĩa lại đêm ngày nghiên cứu. Tiếp đó là súng SKZ (súng không giật) ra đời. Loại này mạnh hơn Bazôca, đó là loại súng rất nhẹ (chỉ 20kg), đầu đạn lõm cỡ 160mm, dùng để bắn vào những pháo đài kiên cố của địch, đầu đạn xuyên thủng các bức tường lô cốt bêtông dày 600-1.000mm..
Chỉ sau SKZ của Mỹ mấy năm, SKZ Việt Nam xuất hiện lần đầu trong trận Phố Lu, đánh phá tan tành các lô cốt địch. Sau này, trong cuốn “Chiến tranh Đông Dương” xuất bản tại Paris năm 1963, ký giả Lucien Bodart viết: “Cái thứ gây khó khăn cho chúng tôi, cái thứ xuyên thủng bêtông dày 60cm là những quả đạn SKZ. Chỉ cần vài quả là đã tiêu diệt được lôcốt của chúng tôi”. Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, Cục Quân giới chuyển vào chiến trường 10 khẩu SKZ và 100 quả đạn. Số súng đạn này đã góp phần giúp chiến sĩ hạ gục nhiều đồn bốt địch.
Trong kháng chiến chống Mỹ, Trần Đại Nghĩa đã góp phần không nhỏ trong việc tìm biện pháp chống nhiễu của máy bay B-52 và nâng cấp độ bay cao của tên lửa SAM-2 để tổ chức phòng không hiệu quả nhất. Ông cũng có công rất lớn trong việc chế tạo những trang thiết bị đặc biệt cho bộ đội đặc công khi phải chiến đấu với tàu chiến của địch ngoài khơi, ví dụ như vũ khí chống cá mập, tia hồng ngoại, ra đa, siêu âm, thủy lôi, và các biện pháp chống bom từ trường, chống bom bi, bom lade, mìn lá, lựu đạn vi điện tử. Đặc biệt, loại xe phóng từ trường từ xa của ông ra đời đã chấm dứt tình trạng bom từ trường của Mỹ phá hoại những đoàn xe vận tải chi viện cho chiến trường miền Nam.
Phụng sự Tổ quốc
Năm 1948, Trần Đại Nghĩa được phong quân hàm Thiếu tướng, trở thành một trong 10 vị tướng đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam. Khi ấy Trần Đại Nghĩa mới 35 tuổi.
Năm 1950, Bác Hồ chỉ định Trần Đại Nghĩa kiêm chức Thứ trưởng Bộ Công thương. Ngày Quốc tế lao động năm 1952, Trần Đại Nghĩa được tuyên dương Anh hùng lao động trong số bảy Anh hùng lao động đầu tiên. Bác Hồ trong một bài báo ký tên C.B đã viết về ông: “Anh hùng lao động Trần Đại Nghĩa là một đại trí thức, mang một lòng nhiệt thành về phụng sự Tổ quốc, phục vụ kháng chiến”.
Năm 1966, ông đảm nhiệm chức vụ Phó Chủ nhiệm Tổng cục hậu cần, phụ trách về kỹ thuật quốc phòng. Thời gian này ông đã lãnh đạo cán bộ kỹ thuật cải tiến nâng tầm bắn của tên lửa Sam II (do Liên Xô sản xuất), tiêu diệt được siêu pháo đài bay B52 của Mỹ.trên bầu trời Hà Nội bằng chính những tên lửa Sam II của Liên Xô.
Đất nước hoàn toàn thống nhất, ông làm Chủ tịch các Hội liên hiệp khoa học kỹ thuật Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Công thương, Chủ tịch đầu tiên của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, Hiệu trưởng đầu tiên trường Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại biểu Quốc hội khóa II và III, Viện sĩ Viện hàn lâm khoa học Liên Xô và Cộng hòa dân chủ Đức.
Khi giữ cương vị Viện trưởng Viện Khoa học Việt Nam, Trần Đại Nghĩa đặc biệt quan tâm đến việc đào tạo, bồi dưỡng, phát hiện tài năng khoa học và phát triển đội ngũ khoa học, xây dựng cơ sở vật chất. Bên cạnh đó, trong chỉ đạo nghiên cứu khoa học, ông luôn đề cao nguyên tắc bảo đảm tính ứng dụng. Theo ông, nghiên cứu khoa học phải nhằm phục vụ cuộc sống và sự phát triển của xã hội. Ở cương vị nào ông cũng làm trọn nhiệm vụ của một người luôn học theo tấm gương Hồ Chủ tịch, một trí thức lớn.
Nền móng mà Thiếu tướng, Giáo sư, Viện sĩ Trần Đại Nghĩa đã xây từ bước đầu cho nền kỹ thuật quân sự Việt Nam luôn là những giá trị sâu sắc, nền tảng cho những lý luận và thực tiễn cho ngành kỹ thuật quân sự và công nghiệp quốc phòng hôm nay tiếp tục phát huy phương pháp tính toán thiết kế vũ khí, các nguyên lý cơ bản của thuốc phóng, thuốc nổ, hỏa cụ, thuật phóng… để nghiên cứu, thiết kế các loại vũ khí tích hợp hệ thống, các loại đạn dược thông minh, các loại khí tài công nghệ cao; đồng thời đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, chuyên môn kỹ thuật tâm huyết, gắn bó, tuyệt đối trung thành với Đảng, Tổ quốc và nhân dân; luôn chủ động, sáng tạo, dám nghĩ dám làm, dám dấn thân vì khoa học góp phần xây dựng và phát triển nền công nghiệp quốc phòng chủ động, tự lực, tự cường, lưỡng dụng, hiện đại, trở thành mũi nhọn của công nghiệp quốc gia theo tinh thần Nghị quyết số 08-NQ/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh phát triển công nghiệp quốc phòng đến năm 2030 và những năm tiếp theo.
Giáo sư, Viện sĩ Trần Đại Nghĩa là một trong các nhà khoa học tiêu biểu của của giới trí thức cách mạng Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh, là tấm gương sáng về tài năng, đức độ và nhân cách của một trí thức lớn. Tên của ông thực sự phản ánh tài năng và phẩm chất của ông là luôn luôn vì đại nghĩa như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kỳ vọng: Tận trung với nước, tận hiếu với dân bằng sự lao động sáng tạo và quên mình, sẵn sàng hy sinh tất cả cho lợi ích của dân tộc, vì sự nghiệp đấu tranh giành độc lập và thống nhất cho đất nước...
Bài học cho hôm nay
Nhớ tới Giáo sư, Viện sĩ Trần Đại Nghĩa, người ta nhớ đến một hoài bão lớn, một tình yêu lớn và một niềm tin vô hạn đối với Đảng, đối với Bác Hồ và nhân dân. Cả cuộc đời ông tuyệt đối trung thành với Đảng, Tổ quốc và nhân dân, đã sống trọn cho khát vọng cống hiến tâm sức của mình cho đất nước, cho nhân dân; luôn sáng tạo, dám nghĩ dám làm, dám dấn thân vì khoa học. góp phần xây dựng và phát triển nền Khoa học và Công nghệ Việt Nam. Với tầm vóc, vị thế của đất nước ngày nay, nhất là đang bước vào thời đại 4.0, đội ngũ cán bộ, công chức cần phải định hình cho mình một hoài bão để có hoạch thật cụ thể mục tiêu phấn đấu vì sự nghiệp cách mạng của Đảng, của nhân dân; xây dựng tinh thần dám dân thân vì sự nghiệp chung, dám đấu tranh vì sự trong sạch của Đảng, chính quyền, cơ quan, đơn vị; không ngừng học tập nâng cao trình độ chuyên môn; học hỏi, tiếp cận một cách khoa học, có chọn lọc tinh hoa thế giới để vận dụng phù hợp nhất cho đất nước, cho địa phương; tự tìm tòi, sáng tạo cách làm hay, phương pháp mới trong thực thi công việc; luôn luôn gương mẫu, đi đầu trong công việc, trao dồi đạo đức, tác phong làm việc và trên hết là gương mẫu thực hiện tốt việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Những cống hiến, đóng góp của Giáo sư, Viện sĩ Trần Đại Nghĩa với Ngành Kỹ thuật quân sự, Công nghiệp quốc phòng là hết sức to lớn, góp phần không nhỏ vào sự nghiệp chống giặc ngoại xâm của dân tộc, đất nước ta. Một con người thật sự là "Đại Nghĩa" như Bác Hồ đã đặt tên, sẵn sàng từ bỏ vinh hoa phú quý, cuộc sống an nhàn để về nước góp sức phục vụ kháng chiến, phụng sự Tổ quốc, đó chính là tinh thần, cốt cách của con Lạc cháu Hồng, là con người của thời đại Hồ Chí Minh, là niềm tự hào của tỉnh Vĩnh Long, một vùng "đất học" và địa linh nhân kiệt./.
Thanh Tùng