Qua nghiên cứu dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), đại biểu cho biết nhất trí cao với quy định bổ sung trợ cấp hưu trí xã hội để hình thành hệ thống bảo hiểm xã hội đa tầng theo Nghị quyết số 28. Thống nhất với quy định đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc và bảo hiểm xã hội tự nguyện (tại Điều 3), tuy nhiên đề nghị bổ sung thêm đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc và bảo hiểm xã hội tự nguyện là chủ hộ kinh doanh của hộ kinh doanh không thuộc diện phải đăng ký kinh doanh vì Dự thảo Luật chỉ quy định cho đối tượng là Chủ hộ kinh doanh của hộ kinh doanh thuộc diện phải đăng ký kinh doanh, đảm bảo sự công bằng bình đẳng giữa các cá nhân kinh doanh đều được tham gia Bảo hiểm xã hội tự nguyện, Bảo hiểm tự nguyện; đồng thời bổ sung thêm đối tượng là lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở vào Điều 3 Dự thảo Luật. Đại biểu cũng thống nhất cao việc Bổ sung quy định nhằm xử lý tình trạng chậm đóng, trốn đóng Bảo hiểm xã hội (từ Điều 29 đến Điều 37).

Về quy định bảo hiểm xã hội một lần tại Điều 70, đại biểu cho rằng mỗi phương án Dự thảo Luật đưa ra đều có ưu điểm và hướng đến mục đích đảm bảo cho người lao động được hưởng các quyền và nghĩa vụ tốt nhất. Đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc trong việc đưa ra các phương án nhưng quy định không được trái với khoản 2 Điều 14 của Hiến pháp năm 2013 như: Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng. Cá nhân đại biểu chọn Phương án 2, tuy nhiên đề nghị cơ quan soạn thảo cũng cần quy định thêm là cho phép người lao động được rút Bảo hiểm xã hội 1 lần trong một số trường hợp cấp thiết như dùng tiền đó để chữa bệnh, sinh con, nuôi cha mẹ đang bị bệnh,…. trên cơ sở xác nhận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Về quy định chi phí quản lý bảo hiểm xã hội (Điều 118) đại biểu cho rằng Phương án 2 thể hiện được hai nhiệm vụ lớn mà cơ quan bảo hiểm xã hội đang được giao thực hiện đó là thu và giải quyết chi trả các chế độ Bảo hiểm xã hội. Về số tương đối, tính trên cơ sở dự toán thu, chi bảo hiểm xã hội sẽ nhỏ hơn so với chỉ tính trên dự toán thu bảo hiểm xã hội.
Về quy định tại khoản 3 Điều 94, “Trường hợp cả cha và mẹ cùng tham gia bảo hiểm xã hội đủ điều kiện hưởng chế độ thai sản quy định tại khoản 2 Điều 93 của Luật này thì chỉ cha hoặc mẹ được hưởng chế độ theo quy định tại khoản 1 Điều này.”, đại biểu cho rằng quy định như trên sẽ không thu hút được người lao động tham gia Bảo hiểm xã hội tự nguyện trong thời gian tới, chưa đảm bảo nguyên tắc "có đóng có hưởng" do đó đề nghị quy định lại là “Trường hợp cả cha và mẹ cùng tham gia bảo hiểm xã hội đủ điều kiện hưởng chế độ thai sản quy định tại khoản 2 Điều 93 của Luật này thì mẹ được hưởng chế độ theo quy định tại khoản 1 Điều này, người cha được hưởng bằng ½ suất của người mẹ."
Ngoài ra, đại biểu cũng đề xuất cơ quan soạn thảo cần nghiên cứu, rà soát một số nội dung cho đảm bảo sự phù hợp như: rà soát lại nội dung tại Điều 20 và khoản 1 Điều 21; các quy định số tiền bằng số (khoản 3 Điều 59, khoản 1 Điều 94) nên quy định 1 hệ số K nào đó để khi có sự thay đổi thì người lao động sẽ không bị thiệt thòi và không cần sửa đổi luật./.
Lê Thanh