Thủ tướng Võ Văn Kiệt lúc sinh thời là một trong những người luôn đi tiên phong trong công cuộc đổi mới. Trên cương vị của mình, ông đã nghiên cứu, tìm tòi và đưa ra nhiều chính sách có đột phá làm thay đổi tư duy phát triển kinh tế của đất nước từ khi còn bao cấp đến khi đổi mới. Ông là người đưa ra những giải pháp phù hợp với tình hình thực tiễn, từng bước tháo gỡ khó khăn. Ông không rập khuôn, giáo điều mà luôn tìm tòi, sáng tạo, năng động, bám sát tình hình thực tiễn cách mạng như xóa bỏ chỉ tiêu pháp lệnh, trao quyền tự chủ kinh doanh cho xí nghiệp quốc doanh; thương mại hóa tư liệu sản xuất, cho phép các doanh nghiệp lớn, cả trung ương và địa phương được trực tiếp xuất nhập khẩu, chấm dứt tình trạng hai giá; xóa bỏ chế độ thu mua nghĩa vụ áp đặt với nông dân, bãi bỏ ngăn sông cấm chợ, thực hiện tự do lưu thông hàng hóa trong cả nước; khai hoang phục hóa, khai thác vùng đất phèn nặng, còn gọi là rốn phèn của vùng phèn Tứ giác Long Xuyên, tạo nên vựa lúa ĐBSCL ngày nay; xây dựng đường dây truyền tải điện 500kV Bắc - Nam; việc xây dựng nhà máy lọc dầu Dung Quất; đường Trường Sơn; Thủy điện Trị An; khu công nghệ cao Hòa Lạc....còn nhiều câu chuyện về Ông, về những cái mới, cái nhất của Ông gắn với sự phát triển vượt bật của đất nước giai đoạn chuyển dần từ nền kinh tế bao cấp sang kinh tế thị trường, đưa đời sống kinh tế đất nước dần vào thế ổn định; giai đoạn 1992 - 1997 thời kỳ thoát khỏi cấm vận, mở cửa hợp tác với cả thế giới, là nền móng vững chắc cho chính sách đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ quốc tế của Chính phủ. Trước khi mất, ông vẫn còn dang dở chuyến đi học tập kinh nghiệm Hà Lan về chống nước biển dâng để về khắc phục sự ảnh hưởng của biến đổi khí hậu toàn cầu, tình trạng xâm thực ngập mặn của nước biển. Nếu không có thể bây giờ Việt Nam là hình mẫu trong việc chống biến đổi khí hậu toàn cầu hoặc chí ít là không phải vất vả chống chọi với với xâm nhập mặn hàng năm ở các tỉnh miền Nam.

Trong lĩnh vực tài chính – ngân hàng, Ông trực tiếp chỉ đạo, đôn đốc Tổ chuyên gia thực hiện cải cách hệ thống ngân hàng, từ ngân hàng một cấp sang hệ thống ngân hàng hai cấp: Ngân hàng nhà nước và Ngân hàng thương mại, thành lập thanh tra, quy định tỉ lệ dự trữ bắt buộc, thành lập thị trường liên ngân hàng, áp dụng biện pháp lãi suất để điều tiết tín dụng và thay cho khối lượng tiền tệ duy ý chí trước đây. Từ kết quả thực tiễn, đồng chí đã chỉ đạo Tổ cải cách tập trung xây dựng Dự thảo Pháp lệnh ngân hàng và Pháp lệnh các Hợp tác xã tín dụng, sau đó là xây dựng Luật ngân hàng và Luật Hợp tác xã tín dụng cho hệ thống ngân hàng Việt Nam vận hành theo quy luật thị trường.
Trên lĩnh vực ngoại giao, khi đất nước đổi mới, ông là người có vai trò quan trọng, bằng sự bền bỉ, khéo léo cùng với những thái độ chân thành nên trong giai đoạn Ông làm Thủ tướng, Việt Nam đã "bội thu" trên trường ngoại giao: năm 1995 Việt Nam được xóa cấm vận về kinh tế; trở thành thành viên của khối ASEAN; bình thường hóa quan hệ với Mỹ; năm 1997 xóa cấm vận về ngoại giao; ký Hiệp định khung với Liên minh châu Âu; tăng cường mối quan hệ với Nhật Bản, Hàn Quốc, Anh, Đức, Hà Lan...

Trên lĩnh vực giáo dục, một trong những thành tựu đáng kể của giáo dục Việt Nam và cũng là một trong những “dấu ấn đậm chất Võ Văn Kiệt” là sự ra đời của hai trường Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh. Đây cũng là lần đầu tiên xuất hiện trường đại học đa lĩnh vực có quyền tự chủ cao trong hệ thống giáo dục đại học Việt Nam. Việc giao quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm cho các trường đại học đáp ứng yêu cầu của phát triển giáo dục trong điều kiện cuộc cách mạng khoa học và công nghệ đang phát triển nhanh chóng và mạnh mẽ.
Về tập hợp quần chúng, Ông sẵn sàng sử dụng các trí thức của chế độ cũ nhằm phục vụ cho các hoạch định chính sách phát triển kinh tế xã hội; lắng nghe những tiếng nói "trái tai" như một trong nhiều tiếng nói phản biện trước khi đưa ra quyết định; luôn sâu sát đời sống nhân dân, công nhân lao động, trí thức, đội ngũ văn nghệ sĩ, từ đó có những quyết sách vô cùng đúng đắn mang lại đời sống ấm no cho nhân dân, phát triển cho đất nước. Trong những năm đầu thực hiện công cuộc đổi mới, khi ở các cương vị lãnh đạo của thành phố Hồ Chí Minh, đồng chí Võ Văn Kiệt không hề ngần ngại trong việc tập hợp, học hỏi, tham vấn ý kiến từ nhiều chuyên gia đã từng làm việc với chế độ cũ (gọi là Nhóm Thứ Sáu) để hiến kế giải quyết những vấn đề bức xúc về kinh tế, xã hội của Thành phố. Trong đó, có Tiến sĩ Nguyễn Xuân Oánh, người đã từng là Thống đốc Ngân hàng, Phó Thủ tướng và có thời gian là quyền Thủ tướng của chính quyền Sài Gòn cũ được mời giữ trọng trách trong Văn phòng kinh tế của Bí thư Thành ủy. Với cách nghĩ và cách làm đó, Ông là vị Thủ tướng đầu tiên ở Việt Nam có tư duy mới mẻ trong việc thành lập Tổ chuyên gia tư vấn của Thủ tướng Chính phủ về cải cách kinh tế và cải cách hành chính (gọi tắt là Tổ tư vấn cải cách), tập hợp nhiều trí thức chân chính, thật sự tâm huyết với sự chấn hưng đất nước. Bên cạnh Nhóm thường trực, Thủ tướng còn lập Nhóm không thường trực gồm những chuyên gia, những nhà quản lý có kinh nghiệm, do Thủ tướng trực tiếp gửi thư mời từng người. Ngoài ra, còn có rất đông cộng tác viên của Tổ chuyên gia tư vấn là cácnhà khoa học Việt Nam ở trong nước và những người trong giới kinh doanh, giới báo chí và trong trí thức người Việt ở nước ngoài. Đấy chính là lối tư duy của một tầm nhìn xa trông rộng, sẵn sàng đối thoại để tìm ra giải pháp, không dùng uy quyền để áp đặt, dân chủ rộng rãi để thảo luận nhưng khi đã thống nhất rồi thì phải làm cho bằng được.
Thủ tướng Võ Văn Kiệt là một người tài đức vẹn toàn, là một kiến trúc sư của đổi mới, một nhà thi công tài ba của những quyết định và dự án tầm cỡ, người có khả năng truyền lửa, gieo mầm cho những ý tưởng sáng tạo, là Thủ tướng của nhân dân, Ông Sáu của dân và sẽ luôn sống mãi./.
Thanh Tùng