Trong hoạt động của cơ quan dân cử, Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND năm 2015 (sau đây gọi tắt là Luật Hoạt động giám sát) ra đời đã tạo cơ sở để HĐND, Thường trực HĐND, các Ban HĐND, Tổ đại biểu HĐND và đại biểu HĐND các cấp có những đổi mới nội dung cũng như hình thức giám sát. Nhất là sau khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 594/NQ-UBTVQH15 ngày 12/9/2022 hướng dẫn hoạt động giám sát của HĐND, Thường trực HĐND, Ban của HĐND, Tổ đại biểu HĐND và đại biểu HĐND. Nghị quyết đã quy định cụ thể, hướng dẫn chi tiết, như: Bổ sung quy định về giám sát của HĐND, Thường trực HĐND, các Ban của HĐND, Tổ đại biểu HĐND, đại biểu HĐND; bổ sung quy định về trách nhiệm điều hòa phối hợp giám sát của Thường trực HĐND, các Ban của HĐND; mở rộng loại hình hoạt động giám sát của Thường trực HĐND; hướng dẫn hồ sơ trình, xây dựng kế hoạch, báo cáo kết quả thực hiện chương trình giám sát hằng năm của HĐND, Thường trực HĐND;... tạo cơ sở pháp lý khá đầy đủ, chi tiết giúp cho HĐND các cấp tiếp tục thực hiện tốt hơn hoạt động giám sát và nhất là việc theo dõi các kiến nghị sau giám sát được cụ thể, chặt chẽ hơn, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả chức năng hoạt động của cơ quan dân cử.

Tuy nhiên, thực tiễn quá trình hoạt động giám sát của HĐND các cấp tỉnh Vĩnh Long trong thời gian qua vẫn còn một số hạn chế, bất cập, như: Trách nhiệm và phối hợp tham gia hoạt động giám sát của các đại biểu với các Đoàn giám sát; sau giám sát, một số trường hợp chưa xác định rõ biện pháp xử lý, chưa có chế tài phù hợp đối với các kiến nghị sau giám sát, chưa có giải pháp khắc phục hiệu quả, kéo dài; việc theo dõi, đôn đốc, giám sát; việc thực hiện kết luận, kiến nghị sau giám sát có lúc, có nội dung chưa thực sự quyết liệt, nên không ít những vụ việc, vấn đề chậm được giải quyết.

Nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế trên được ghi nhận, đánh giá đó là: (1) Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về tổ chức, hoạt động của HĐND các cấp và cơ quan tham mưu, giúp việc cho HĐND mặc dù đã được sửa đổi, bổ sung, nhưng chưa thực sự đồng bộ và hoàn thiện; Luật Hoạt động giám sát ra đời và có hiệu lực đã lâu nhưng chậm có văn bản hướng dẫn. (2) Số lượng, chất lượng đại biểu HĐND các cấp tuy đã được nâng lên một bước, nhưng chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ và thực tiễn. Nhiều đại biểu kiêm nhiệm chưa dành thời gian thỏa đáng cho hoạt động theo quy định của pháp luật; việc tìm hiểu, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của cử tri chưa kịp thời; tham gia thảo luận và đặt vấn đề chất vấn còn hạn chế. Một số đại biểu chưa thực hiện tốt công tác tiếp công dân tại địa bàn ứng cử. (3) Công tác chuẩn bị kỳ họp có lúc còn bị động; chương trình kỳ họp còn thay đổi nhiều so với chương trình đã báo cáo với cử tri; một số tài liệu trình kỳ họp có chất lượng chưa cao, có tài liệu gửi thẩm tra trễ hạn thời gian theo quy định; cụ thể hóa một số chính sách theo văn bản của cấp trên còn chậm; tổ chức, triển khai thực hiện một số nghị quyết đặc thù đi vào đời sống xã hội còn chậm. (4) Hoạt động khảo sát, giám sát có lúc bị động, có nội dung thực hiện chậm so với chương trình và kế hoạch đề ra. Tổ chức giám sát kết quả thực hiện nghị quyết đã ban hành; giám sát kết quả giải quyết các kiến nghị sau giám sát; kết quả giải quyết kiến nghị của cử tri; kết quả giải quyết đơn, thư khiếu nại, tố cáo của công dân chưa thường xuyên. Việc tổ chức các phiên chất vấn và giải trình tại phiên họp Thường trực giữa hai kỳ họp HĐND chưa thường xuyên. (5) Hoạt động tiếp xúc cử tri cũng còn những hạn chế nhất định. Một số hội nghị tiếp xúc cử tri của đại biểu HĐND các cấp chất lượng chưa cao. Một số nơi, một số cuộc có số lượng cử tri tham dự ít, thành phần chưa đa dạng. (6) Việc ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ các hoạt động HĐND của đại biểu HĐND còn hạn chế; việc cung cấp thông tin cho đại biểu HĐND có lúc chưa kịp thời. (7) Tinh thần trách nhiệm của một số cơ quan, đơn vị trong việc trả lời, kết quả giải quyết các ý kiến chất vấn, giải trình, ý kiến, kiến nghị của cử tri chưa cao, kết quả giải quyết kéo dài.

Để tiếp tục kiến nghị giải pháp hoàn thiện, nâng cao hơn nữa hiệu quả giám sát nói chung, đồng thời thực hiện hoạt động của Hội đồng nhân dân các cấp đảm bảo đúng quy định, vận hành một cách khách quan, phù hợp với thực tiễn tại địa phương. Thường trực HĐND tỉnh Vĩnh Long đã kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục nghiên cứu, xem xét một số chính sách cần được điều chỉnh, bổ sung tại Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp trong thời gian tới, Cụ thể như:
Một là, Các chính sách cần được điều chỉnh, bổ sung tại Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND:
(1) Tại khoản 5, Điều 60 Luật Hoạt động giám sát quy định: “Hội đồng nhân dân có thể ra nghị quyết về chất vấn, nội dung nghị quyết theo quy định tại khoản 5 Điều 15 của Luật này”. Trong thực tế, cụm từ “có thể” sẽ tạo ra sự không thống nhất, đồng bộ trong việc ban hành Nghị quyết về chất vấn tại kỳ họp ở từng địa phương, nếu không ban hành thì rất khó cho việc theo dõi kết quả để đôn đốc thực hiện nội dung trả lời chất vấn, nhất là những nội dung đã hứa của người bị chất vấn. Đề nghị sửa đổi theo hướng: “Hội đồng nhân dân ban hành nghị quyết về chất vấn hoặc Chủ tọa kỳ họp thông báo kết luận về chất vấn. Nội dung nghị quyết hoặc kết luận theo quy định tại khoản 5 Điều 15 của Luật này”.
(2) Tại điểm b, khoản 1, Điều 5 Luật Hoạt động giám sát quy định: “Thường trực Hội đồng nhân dân giám sát việc tuân theo Hiến pháp, pháp luật ở địa phương và việc thực hiện nghị quyết của Hội đồng nhân dân cùng cấp; giám sát hoạt động của Ủy ban nhân dân, các cơ quan thuộc Ủy ban nhân dân, Toà án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân, cơ quan thi hành án dân sự cùng cấp và Hội đồng nhân dân cấp dưới...”. Tuy nhiên, tại khoản 1 Điều 72 Luật Hoạt động giám sát quy định: “Căn cứ vào chương trình giám sát, Thường trực Hội đồng nhân dân yêu cầu thành viên của Ủy ban nhân dân, Chánh án Toà án nhân dân, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp giải trình và cá nhân có liên quan tham gia giải trình”. Như vậy, Luật Hoạt động giám sát quy định Thường trực HĐND tỉnh có thẩm quyền giám sát hoạt động Toà án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân, cơ quan thi hành án dân sự cùng cấp nhưng chỉ được quyền yêu cầu giải trình đối với Chánh án Toà án nhân dân, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân mà không quy định đối với Thủ trưởng “Cơ quan thi hành án dân sự cùng cấp” là chưa phù hợp và không thống nhất.

(3) Tại khoản 2, Điều 83 Luật Hoạt động giám sát quy định về giám sát của Tổ đại biểu: “Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện giám sát việc tuân theo Hiến pháp, luật, văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước cấp trên, nghị quyết của Hội đồng Nhân dân cùng cấp tại địa phương hoặc về các vấn đề do Hội đồng nhân dân hoặc Thường trực Hội đồng nhân dân phân công; tổ chức để đại biểu Hội đồng nhân dân thực hiện hoạt động giám sát”. Thực tế cho thấy, quy định về hoạt động giám sát của Tổ đại biểu HĐND còn khá chung chung, chưa có nội dung cụ thể về ban hành kế hoạch, các hình thức giám sát và trình tự tiến hành giám sát nên ít nhiều gây lúng túng cho các Tổ đại biểu trong hoạt động giám sát.
(4) Tại Điều 73 Luật Hoạt động giám sát: Về hoạt động giám sát của Thường trực HĐND chưa có quy định giao cơ quan đầu mối giúp Thường trực HĐND tiếp nhận, xử lý, theo dõi, giám sát việc giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân. Tuy nhiên, đây là nội dung giám sát quan trọng được cử tri và Nhân dân quan tâm, rất cần có cơ quan đầu mối thuộc HĐND thực hiện đầy đủ, chặt chẽ nội dung này giúp Thường trực HĐND.
(5) Tại khoản 1, Điều 5 của Nghị quyết số 594/NQ-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội hướng dẫn việc ban hành kế hoạch thực hiện chương trình giám sát của HĐND. Tuy nhiên, đây là thời điểm giữa năm, do vậy việc xây dựng kế hoạch, lồng ghép nội dung để ban hành kế hoạch chưa đủ thông tin; cùng với đó để triển khai kế hoạch phải trên cơ sở chương trình giám sát đã được Thường trực HĐND thống nhất ban hành, đảm bảo theo quy định tại khoản 1, 2 Điều 67 của Luật Hoạt động giám sát.
(6) Tại khoản 2, khoản 3 Điều 9 của Nghị quyết số 594/NQ-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội hướng dẫn việc tổng hợp, tham mưu Thường trực HĐND lựa chọn nhóm vấn đề chất vấn, người bị chất vấn. Tuy nhiên, việc gửi ý kiến chất vấn của đại biểu HĐND vẫn còn gửi tại kỳ họp hoặc 1, 2 ngày trước ngày khai mạc kỳ họp, gây khó khăn trong lựa chọn nhóm vấn đề chất vấn tại mốc thời gian theo hướng dẫn.
Hai là, Nội dung cụ thể cần sửa đổi, bổ sung trong Luật Hoạt động giám sát đối với hoạt động giám sát của: Thường trực HĐND, các Ban của HĐND, của đại biểu HĐND các cấp:
(1) Kiến nghị sửa đổi, bổ sung đối với Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND ngày 20 tháng 11 năm 2015: (1.1) Đề nghị Quốc hội xem xét, đưa các nội dung hướng dẫn hoạt động giám sát tại các Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào Luật nhằm tạo tính pháp lý cao hơn và thuận tiện cho việc triển khai, áp dụng đồng bộ, thống nhất. (1.2) Điều 59: Luật Hoạt động giám sát quy định xem xét báo cáo của cơ quan thi hành án dân sự nhưng Điều 87 Luật Tổ chức chính quyền địa phương không có quy định xem xét báo cáo của cơ quan thi hành án dân sự. Đề nghị xem xét sửa đổi, bổ sung các luật đồng bộ, thống nhất. (1.3) Tại khoản 5 Điều 60: Đề nghị sửa đổi theo hướng: “Hội đồng nhân dân ban hành nghị quyết về chất vấn hoặc Chủ tọa kỳ họp thông báo kết luận về chất vấn. Nội dung nghị quyết hoặc kết luận theo quy định tại khoản 5 Điều 15 của Luật này”. (1.4) Tại khoản 1 Điều 72: Đề nghị xem xét bổ sung đối tượng giải trình đối với Cơ quan thi hành án dân sự cùng cấp cho phù hợp và thống nhất. (1.5) Tại Điều 73: Đề nghị bổ sung quy định cụ thể hơn đối với cơ quan đầu mối giúp Thường trực HĐND tiếp nhận, xử lý, theo dõi, giám sát việc giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân. (1.6) Tại Điều 83: Đề nghị sửa đổi, bổ sung theo hướng quy định cụ thể và rõ hơn về thời điểm ban hành kế hoạch giám sát, các hình thức và trình tự tiến hành giám sát của Tổ đại biểu HĐND cấp tỉnh, huyện. (1.7) Đề nghị bổ sung thêm cơ chế quy định trách nhiệm của cơ quan, người có thẩm quyền giám sát trong việc đưa ra báo cáo, kết luận, kiến nghị sai sự thật hoặc phản ảnh thiếu chính xác, không khách quan những vấn đề nội dung được giám sát, nhằm tạo sự bình đẳng giữa chủ thể giám sát và chủ thể được giám sát. (1.8) Cùng với Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, cần có hướng dẫn chi tiết ban hành cơ chế thực hiện giám sát văn bản quy phạm pháp luật, cụ thể là quy trình giám sát; quy định cụ thể về trình tự, thủ tục giám sát, xử lý đối với quyết định của UBND, nghị quyết của HĐND cấp dưới trực tiếp có dấu hiệu trái pháp luật nhưng không phải là văn bản quy phạm pháp luật.
(2) Kiến nghị sửa đổi, bổ sung đối với Nghị quyết số 594/NQ-UBTVQH15: (2.1) Sửa đổi bổ sung khoản 1, 2 Điều 5 theo hướng có nội dung hướng dẫn: Sau 15 ngày ban hành nghị quyết, Thường trực HĐND xây dựng chương trình, kế hoạch giám sát chuyên đề của HĐND (Nếu có); Thường trực HĐND, các Ban của HĐND xây dựng chương trình, kế hoạch giám sát năm sau đảm bảo theo quy định tại khoản 1, 2 Điều 67 của Luật Hoạt động giám sát. (2.2) Sửa đổi, bổ sung khoản 2, 3 Điều 9 theo hướng linh hoạt về thời gian để Chủ tọa kỳ họp quyết định, lựa chọn nhóm vấn đề chất vấn tại kỳ họp. (2.3) Cần bổ sung quy định về thẩm quyền của HĐND, Thường trực HĐND trong xử lý trách nhiệm đối với các tổ chức, cá nhân không chấp hành nghiêm túc các kiến nghị sau giám sát, kết luận các nhóm vấn đề về chất vấn, giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri chưa có kết quả chuyển biến tích cực.
(3) Cần có quy định, hướng dẫn thống nhất việc ban giao các kiến nghị sau giám sát, giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri cho cả nhiệm kỳ chưa có kết quả chuyển biến tích cực, còn kéo dài, tại kỳ họp Tổng kết nhiệm kỳ, để làm cơ sở chuyển giao tất cả các nhóm vấn đề giám sát để HĐND khóa trước chuyển cho HĐND khóa sau tiếp tục có trách nhiệm theo dõi, đôn đốc kết quả giải quyết và trả lời.
(4) Kiến nghị với Chính phủ: Có hướng dẫn chi tiết về tổ chức, bộ máy, vị trí việc làm và số người làm việc tối thiểu phải có đối với Văn phòng Đoàn ĐBQH & HĐND cấp tỉnh, Văn phòng HĐND và UBND cấp huyện thống nhất thực hiện trên phạm vi cả nước./.
Hữu Tài (Phòng Công tác HĐND)