
Từ đầu nhiệm kỳ 2021 - 2026 đến nay, Thường trực HĐND, các Ban của HĐND tỉnh Vĩnh Long đã tổ chức 32 đoàn giám sát, kiến nghị 252 nội dung liên quan việc thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước, nghị quyết của HĐND trên các lĩnh vực. Qua giám sát đã góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan quản lý Nhà nước ở địa phương; kịp thời tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong công tác chỉ đạo, điều hành, giúp cho cá nhân, đơn vị chịu sự giám sát thực hiện tốt hơn chức năng, nhiệm vụ chuyên môn. Kết quả các hoạt động giám sát đã góp phần duy trì ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại địa phương; các lĩnh vực văn hoá - xã hội, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu được chú trọng đầu tư và có kết quả chuyển biến tích cực; nhiều công trình, dự án động lực, trọng điểm sớm hoàn thành góp phần chỉnh trang đô thị, tạo vẽ mỹ quan nông thôn, thuận lợi trong giao thông, đảm bảo vệ sinh môi trường, nâng chất các tiêu chí về đô thị văn minh, xã nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao; an simh xã hội, chăm lo đời sống Nhân dân và chính sách cho cá nhân, gia đình cách mạng kịp thời và đảm bảo; ổn định, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Có thể thấy rằng, hoạt động giám sát của HĐND tỉnh Vĩnh Long thời gian qua không ngừng được đổi mới, ngày càng được quan tâm, đẩy mạnh: Các hoạt động giám sát có nội dung chuyên đề có tính chuyên sâu, tập trung hơn trước. Việc phối hợp triển khai các hoạt động giám sát được thực hiện nghiêm túc. Đạt những kết quả quan trọng đó, thời gian qua, Thường trực HĐND tỉnh luôn quan tâm chỉ đạo các Ban của HĐND thường xuyên đổi mới hoạt động giám sát chuyên đề, từ việc lựa chọn chuyên đề đến việc tổ chức các cuộc giám sát đảm bảo tính thống nhất, hạn chế sự trùng lắp về thời gian, đơn vị và đối tượng giám sát. Quy trình và cách thức giám sát được tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng đảm bảo quy định của pháp luật. Thường trực HĐND tỉnh đã chủ động điều hoà, phân công kế hoạch giám sát đúng tiến độ, với quyết tâm đem lại kết quả cao nhất; đề cương giám sát được xây dựng chi tiết đã tạo điều kiện cho đơn vị chịu sự giám sát có thời gian chuẩn bị báo cáo đúng nội dung, yêu cầu những vấn đề Đoàn giám sát quan tâm.

Tuy nhiên, hoạt động giám sát chuyên đề thời gian qua vẫn còn một số hạn chế, khó khăn, đó là: (1) Một số nội dung giám sát chuyên đề còn rộng, phạm vi giám sát còn khái quát, số lượng chuyên đề giám sát còn nhiều. (2) Một số thành viên Đoàn giám sát chưa tham gia đầy đủ, nguyên nhân do thành viên các Ban của HĐND chủ yếu hoạt động kiêm nhiệm, phần lớn thành viên Đoàn giám sát là lãnh đạo, công việc chuyên môn nhiều nên gặp khó khăn trong bố trí thời gian cho hoạt động giám sát. (3) Công tác theo dõi, đôn đốc thực hiện kết luận, kiến nghị giám sát có lúc, có nơi còn chưa kịp thời. (4) Một số giám sát chuyên đề có nội dung chuyên môn sâu, phạm vi rộng, phức tạp, nhạy cảm, trong khi thời gian và nguồn nhân lực thực hiện còn hạn chế, do vậy việc huy động các chuyên gia, nhà khoa học, quản lý, hoạt động thực tiễn có chuyên môn sâu, nhiều kinh nghiệm tham gia đoàn giám sát còn rất hạn chế, do thiếu cơ chế khả thi.

Từ thực trạng tình hình hoạt động giám sát chuyên đề trong nhiệm kỳ 2016 - 2021 đến nay, để hoạt động giám sát chuyên đề của Thường trực và các Ban của HĐND tiếp tục phát huy hiệu quả và nâng cao chất lượng hơn nữa, trong thời gian tới cần quan tâm nhiều giải pháp nâng cao hiệu quả giám sát chuyên đề của Hội đồng nhân dân, như:
(1) Xem xét kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội hoàn thiện các quy định pháp luật về tổ chức và hoạt động giám sát, nhằm nâng cao tính pháp lý, thẩm quyền, hình thức chế tài trong hoạt động giám sát, như: (1.1) Quy trình, thủ tục giám sát, xác định rõ trách nhiệm cụ thể của từng cơ quan, cá nhân trong quá trình thực hiện giám sát cũng như các quy định về chế tài cụ thể đối với các trường hợp vi phạm sau khi thực hiện hoạt động giám sát. (1.2) Bổ sung quy định trách nhiệm của cơ quan, người có thẩm quyền giám sát trong việc đưa ra báo cáo, kết luận, kiến nghị sai sự thật hoặc phản ảnh thiếu chính xác, không khách quan những vấn đề nội dung được giám sát, nhằm tạo sự bình đẳng giữa chủ thể giám sát và chủ thể được giám sát. (1.3) Cần bổ sung quy định về thẩm quyền của HĐND, Thường trực HĐND trong xử lý trách nhiệm đối với các tổ chức, cá nhân không chấp hành nghiêm túc các kiến nghị sau giám sát, kết luận các nhóm vấn đề về chất vấn, giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri chưa có kết quả chuyển biến tích cực. (1.4) Cùng với Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, cần có hướng dẫn chi tiết ban hành cơ chế thực hiện giám sát văn bản quy phạm pháp luật, cụ thể là quy trình giám sát; quy định cụ thể về trình tự, thủ tục giám sát, xử lý đối với quyết định của UBND, nghị quyết của HĐND cấp dưới trực tiếp có dấu hiệu trái pháp luật nhưng không phải là văn bản quy phạm pháp luật. (1.5) Cần có quy định, hướng dẫn thống nhất việc ban giao các kiến nghị sau giám sát, giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri cho cả nhiệm kỳ chưa có kết quả chuyển biến tích cực, còn kéo dài, tại kỳ họp Tổng kết nhiệm kỳ, để làm cơ sở chuyển giao tất cả các nhóm vấn đề giám sát để HĐND khóa trước chuyển cho HĐND khóa sau tiếp tục có trách nhiệm theo dõi, đôn đốc kết quả giải quyết và trả lời.
(2) Việc xây dựng chương trình giám sát hàng năm của Thường trực và các Ban HĐND cần chú trọng tập trung giám sát những vấn đề trọng tâm, không dàn trải, hình thức; nội dung đảm bảo tính thiết thực, phù hợp với tình hình thực tế của địa phương, tập trung vào những vấn đề nóng, bức xúc, những vấn đề chính đáng, bức xúc cử tri phản ánh và nhiều đại biểu HĐND quan tâm có tác động ảnh hưởng lớn đến đời sống của các tầng lớp Nhân dân và sự phát triển toàn diện của địa phương. Dành nhiều thời gian hơn cho các hoạt động khảo sát, nắm chắc và đầy đủ thông tin trước giám sát.
(3) Tiếp tục nâng cao năng lực giám sát các Đoàn giám sát, nâng cao tinh thần trách nhiệm từng thành viên Đoàn giám sát (nghiên cứu báo cáo, tham gia khảo sát, đóng góp ý kiến); có thể mời thêm chuyên gia am hiểu sâu về chuyên môn liên quan đến lĩnh vực giám sát để nâng cao chất lượng giám sát và phát hiện những vấn đề khó thuộc về chuyên ngành.

(4) Tăng cường công tác hậu giám sát việc thực hiện các kết luận, kiến nghị sau giám sát, nhất là các kiến nghị giám sát nhiều lần, nhưng chưa có kết quả giải quyết chuyển biến tích cực. Trên cơ sở đó, xác định một số nhóm vấn đề nổi cộm chưa có kết quả chuyển biến tích cực tiếp tục đề xuất giám sát bằng hình thức tổ chức Phiên giải trình, Phiên chất vấn tại phiên họp của Thường trực HĐND; đồng thời tiếp tục khảo sát nhóm vấn đề qua Kết luận Phiên giải trình, Phiên chất vấn tại phiên họp của Thường trực HĐND để đề xuất HĐND ban hành Nghị quyết về chất vấn đối với nội dung, lĩnh vực hậu giám sát còn kéo dài.
(5) Tăng cường sự phối hợp, liên thông giữa hoạt động giám sát của HĐND với Đoàn đại biểu Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội các cấp; phối hợp giám sát giữa Thường trực HĐND với các Ban của HĐND, đại biểu HĐND các cấp;... để phát huy vai trò giám sát của mỗi cơ quan, đơn vị cùng tạo sức mạnh cộng hưởng thúc đẩy, nâng cao chất lượng, hiệu quả giám sát.
(6) Định kỳ trong năm, duy trì Hội nghị giao ban Thường trực HĐND tỉnh, huyện: Xem đây là dịp thông tin kết quả công tác, kinh nghiệm hoạt động, phương thức, cách làm hay, thật sự có hiệu quả góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả và vị thế của cơ quan dân cử; là dịp ghi nhận các khó khăn, vướng mắc của địa phương, vấn đề được nhiều cử tri phản ánh và cấp chính quyền cơ sở quan tâm cần có giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ nhằm góp phần phát triển Kinh tế - Xã hội của địa phương. Qua kết quả Hội nghị có thể xác định nhóm vấn đề cần quan tâm để kịp thời có kế hoạch khảo sát, giám sát phù hợp.
(7) Chỉ đạo thực hiện đảm bảo việc đăng tải công khai kết quả giám sát bằng nhiều hình thức để cử tri và Nhân dân theo dõi, giám sát. Quan tâm có các giải pháp để đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin, số hóa trong hoạt động giám sát của HĐND để bảo đảm sự liên thông giữa HĐND các cấp.
(8) Xem xét có cơ chế, chính sách khuyến khích và thu hút đội ngũ cán bộ, công chức có kinh nghiệm, chuyên môn về công tác tại Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND để nâng cao năng lực tham mưu, chất lượng phục vụ hoạt động của HĐND, Thường trực HĐND, các Ban của HĐND./.
Hữu Tài (Phòng Công tác HĐND)