
Từ trước thời điểm Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND có hiệu lực, các quy định về chức năng, nhiệm vụ của Tổ đại biểu chỉ đề cập việc tổ chức tiếp xúc cử tri, thảo luận tổ tại các kỳ họp. Do vậy hoạt động của các Tổ đại biểu khá đơn điệu, chưa tương xứng với vai trò của Tổ tại địa bàn ứng cử; chưa phát huy hết vai trò, lợi thế vị trí công tác của từng thành theo chức năng chuyên môn phụ trách. Khắc phục những bất cập trên, Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 đã có quy định hơn cụ thể về nhiệm vụ, quyền hạn của Tổ đại biểu HĐND cấp tỉnh, cấp huyện, trong đó quy định rõ hơn về hoạt động giám sát: (1) Khoản 1 Điều 112: “Tổ đại biểu HĐND giám sát việc tuân theo Hiến pháp, pháp luật, văn bản của cơ quan Nhà nước cấp trên và nghị quyết của HĐND cùng cấp trên địa bàn hoặc về các vấn đề do HĐND hoặc Thường trực HĐND phân công”. (2) Điều 83: “Tổ đại biểu HĐND cấp tỉnh, cấp huyện giám sát việc tuân theo Hiến pháp, luật, văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước cấp trên, nghị quyết của HĐND cùng cấp tại địa phương hoặc về các vấn đề do HĐND hoặc Thường trực HĐND phân công; tổ chức để đại biểu HĐND thực hiện hoạt động giám sát ”. Đây được đánh giá là bước tiến về mặt pháp lý giúp củng cố, nâng cao vai trò hoạt động của Tổ đại biểu thực hiện chức năng giám sát, nhất là trong thời gian giữa 02 kỳ họp HĐND.

Từ đầu nhiệm kỳ 2016 - 2021 đến nay, 08/08 Tổ đại biểu HĐND tỉnh Vĩnh Long đơn vị các huyện Long Hồ, Mang Thít, Vũng Liêm, Trà Ôn, Tam Bình, Bình Tân, thị xã Bình Minh, thành phố Vĩnh Long đã tiến hành 58 cuộc khảo sát, 26 cuộc giám sát: (1) Năm 2017, Tổ đại biểu HĐND tỉnh đơn vị Thành phố Vĩnh Long, thị xã Bình Minh, huyện Long Hồ và Bình Tân lần đầu tiên tổ chức giám sát chuyên đề "Về xử lý ô nhiễm môi trường, phòng chống cháy nổ tại khu dân cư, cơ sở sản xuất kinh doanh; Việc thu phí qua phà, phí qua đò theo quy định tại NQ số 160/2015/NQ-HĐND ngày 11/12 /2015 của HĐND tỉnh". (2) Năm 2018 - 2023, các Tổ đại biểu đơn vị huyện, thị xã, thành phố đã tiến hành giám sát với nội dung chuyên đề về: "Việc triển khai thực hiện NQ 44/2016/NQ-HĐND về Quy định một số chế độ, định mức chi tiêu phục vụ hoạt động của HĐND các cấp; NQ 50/2017/NQ-HĐND Quy định chế độ bồi dưỡng đối với người làm nhiệm vụ tiếp công dân, xử lý đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh; NQ 56/2017/NQ-HĐND Quy định mức phân bổ kinh phí ngân sách nhà nước đảm bảo cho công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật"; "Công tác quản lý nhà nước, xử lý vi phạm khai thác cát sông trên địa bàn huyện"; "Công tác quản lý nhà nước về môi trường, xử lý vi phạm về ô nhiễm môi trường trên địa bàn huyện, thị xã, thành phố". "Về nhân lực, chế độ, chính sách hỗ trợ, cơ sở vật chất, thiết bị y tế của trạm y tế cấp cơ sở trên địa bàn huyện, thị xã, thành phố"; "Kết quả việc trả lời, giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri năm 2022 và sau Kỳ họp thứ 5 Hội đồng nhân dân tỉnh, trên địa bàn huyện, thị xã, thành phố". Ngoài ra, các thành viên của các Tổ còn tham gia các Đoàn giám sát của Thường trực HĐND, các Ban của HĐND tỉnh; tích cực tham gia các hoạt động của HĐND, Thường trực HĐND, các Ban HĐND cấp huyện tại địa bàn hoạt động Tổ đại biểu.

Nhìn chung, các nội dung chuyên đề của các Tổ đại biểu được lựa chọn là những vấn đề trọng tâm, được đông đảo cử tri, dư luận xã hội quan tâm đồng tình. Qua giám sát các Tổ đại biểu đã phối hợp, tổ chức giám sát và báo cáo kết quả giám sát đảm bảo theo quy định; kết quả giải quyết các vấn đề quan tâm giám sát của Tổ đại biểu có chuyển biến tích cực; các kiến nghị sau giám sát đã giúp các cấp, các ngành nâng cao trách nhiệm, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đến các cấp chính quyền trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, hoạt động giám sát của Tổ đại biểu vẫn còn một số hạn chế, khó khăn, đó là: Tổ trưởng, Tổ phó, toàn bộ thành viên của tổ đại biểu đều hoạt động kiêm nhiệm và không có cán bộ tham mưu, giúp việc trực tiếp cho tổ đại biểu; nội dung chuyên đề giám sát do Thường trực HĐND tỉnh phân công, hầu hết các Tổ đại biểu chưa chủ động đề xuất riêng nội dung chuyên đề để tiến hành giám sát theo quy định của pháp luật cho phép; đa số thành viên Tổ đại biểu công tác ở cơ quan, đơn vị cấp tỉnh tập trung công tác chuyên môn, ít dành thời gian cho hoạt động HĐND như quy định; một số thành viên khác cơ cấu ở cơ sở còn hạn chế năng lực, nhất là đại biểu ứng cử lần đầu, chưa có kinh nghiệm, thiếu kỹ năng hoạt động giám sát. Ngoài ra, các khuôn mẫu cần thiết để triển khai hoạt động giám sát cũng chưa được pháp luật quy định cụ thể, như: Trình tự, thủ tục giám sát, ban hành kết luận, kiến nghị giám sát, nhiệm vụ của Tổ trưởng và các thành viên trong Tổ khi tiến hành giám sát;... nên còn ảnh hưởng đến một số chất lượng hoạt động của Tổ đại biểu.

Trên cơ sở những quy định hiện hành và thực trạng hoạt động giám sát của Tổ đại biểu, thiết nghĩ phải xem xét hoàn thiện về cơ chế giám sát của Tổ đại biểu, một số giải pháp cần quan tâm để tăng cường hơn nữa vai trò giám sát của Tổ đại biểu HĐND, đó là:
(1) Xem xét kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội hoàn thiện các quy định pháp luật về tổ chức và hoạt động giám sát, nhằm nâng cao tính pháp lý, thẩm quyền, hình thức chế tài trong hoạt động giám sát của Tổ đại biểu, như: (1.1) Xem xét ban hành Quy chế mẫu hướng dẫn hoạt động của Tổ đại biểu, làm cơ sở pháp lý để các cấp chủ động và linh hoạt trong xây dựng quy chế hoạt động HĐND cấp mình, phù hợp với tình hình thực tiễn của từng địa phương; hướng dẫn cụ thể hơn về vai trò, nhiệm vụ của Tổ trưởng, Tổ phó trong quá trình thực hiện chức trách, nhiệm vụ của Tổ đại biểu: Quy trình, thủ tục tổ chức giám sát, ban hành các văn bản kiến nghị của Tổ đại biểu; Quy định cụ thể về thời gian, nội dung họp Tổ đại biểu; nghiên cứu bổ sung giải pháp về đánh giá cụ thể hơn, chi tiết hơn về kết quả hoạt động của Tổ đại biểu các cấp để các địa phương thực hiện thống nhất, có hiệu quả. (1.2) Cần bổ sung quy định về Thư ký tham mưu, phục vụ cho hoạt động giám sát của Tổ đại biểu là công chức Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh và Văn phòng HĐND & UBND cấp huyện.
(2) Ngay từ đầu khóa, Tổ trưởng Tổ đại biểu cần phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên như phụ trách một số địa bàn để duy trì mối liên hệ công tác, nắm bắt kịp thời các ý kiến, kiến nghị cử tri; thực hiện các nhiệm vụ thường xuyên của Tổ đại biểu. Hàng năm các thành viên Tổ đại biểu HĐND cần chủ động đề xuất nội dung giám sát chuyên đề và giám sát thường xuyên, đề xuất khảo sát khi cần thiết để Tổ đại biểu thống nhất, lựa chọn nội dung giám sát, khảo sát phù hợp.
(3) Tiến hành hoạt động khảo sát, giám sát, Tổ đại biểu họp thống nhất phân công nhiệm vụ cho các thành viên chịu trách nhiệm nghiên cứu các vấn đề cụ thể, để đảm bảo phát huy tối đa sức mạnh của tập thể trong thực hiện các cuộc khảo sát, giám sát. Thành phần Đoàn giám sát, có thể mời Lãnh đạo, thành viên các Ban của HĐND tỉnh có am hiểu sâu về chuyên môn liên quan đến lĩnh vực giám sát để nâng cao chất lượng giám sát.
(4) Phát huy tối đa các mối quan hệ công tác giữa Tổ đại biểu với Đảng ủy, HĐND, UBND, UBMTTQVN, Văn phòng cấp ủy - chính; chủ động đề nghị Văn phòng cấp ủy - chính quyền, UBMTTQVN trên địa bàn ứng cử cung cấp các báo cáo có liên quan về thực hiện nghị quyết của HĐND để Tổ đại biểu nghiên cứu, nắm chắc tình hình an ninh trật tự, tâm tư, nguyện vọng cử tri trên địa bàn;... góp phần nâng cao chất lượng hoạt động, nội dung giám sát có liên quan.
(5) Phối hợp chặt chẽ với Ủy viên Thường trực HĐND tỉnh được phân công, hỗ trợ Tổ đại biểu theo địa bàn để có đầy đủ thông tin, kịp thời ghi nhận khó khăn, vướng mắc và thống nhất về chủ trương, giải pháp, hỗ trợ phát triển Kinh tế - Xã hội tại địa phương. Bên cạnh đó, cần bố trí, phân công cụ thể cán bộ, chuyên viên trực tiếp Văn phòng Đoàn ĐBQH & HĐND tỉnh, Văn phòng HĐND & UBND cấp huyện thực hiện nhiệm vụ giúp việc, phục vụ các hoạt động giám sát của Tổ đại biểu.
(6) Hằng năm, các Tổ đại biểu căn cứ vào nội dung, chương trình giám sát theo Nghị quyết của HĐND tỉnh, chủ động chọn ra nội dung giám sát chuyên đề để đăng ký với Thường trực HĐND tổ chức giám sát trên địa bàn; chú trọng đến vấn đề giám sát có tính chuyên sâu, phù hợp với yêu cầu, vấn đề khó khăn vướng mắc cần có giải pháp khắc phục hiệu quả, góp phần phát triển Kinh tế - Xã hội tại địa phương.
(7) Thông qua các Hội nghị tiếp xúc cử tri, với những vấn đề nổi cộm, bức xúc cụ thể cử tri phản ánh. Ngay sau cuộc tiếp xúc cử tri, Tổ đại biểu cần tiến hành nắm chắc, đầy đủ thông tin liên quan; lựa chọn vấn đề tiến hành giám sát tại chỗ, nghe giải trình tại chỗ với sự có mặt của cử tri (Phản ánh những vấn đề về công trình hạ tầng giao thông, thuỷ lợi, dự án chống biến đổi khí hậu,... trên địa bàn được đầu tư XDCB bằng nguồn vốn Ngân sách của tỉnh, Chương trình mục tiêu Quốc gia). Xem đây là một phương thức giám sát của Tổ đại biểu, là một phương thức để tăng hiệu quả giám sát và tạo điều kiện để cử tri giám sát hoạt động của cán bộ, công chức và cơ quan nhà nước tại cấp cơ sở./.
Hữu Tài (Phòng Công tác HĐND)