Từ đầu nhiệm kỳ 2016 - 2021 đến nay, Thường trực HĐND tỉnh Vĩnh Long đã tổ chức tổ chức 04 phiên giải trìnhgiữa hai kỳ họp tại Phiên họp của Thường trực HĐND. Nội dung giải trình với 08 nhóm vấn đề, gồm: (1) Việc cấp phép và tiến độ triển khai dự án Nhà máy đóng hộp trái cây, rau, củ, quả Sông Hậu; (2) Việc vận hành, xử lý rác của nhà máy rác công nghệ cao của công ty Cổ phần phát triển xây dựng Phương Thảo; (3) Kết quả, tiến độ thực hiện các nội dung giải trình năm 2017 "về công tác quản lý, khai thác, cung cấp nước sạch sinh hoạt cho các hộ dân trên địa bàn tỉnh"; (4) Việc giải quyết kiến nghị của cử tri đối với vấn đề nước sạch ở huyện Long Hồ; (5) Vấn đề khai thác cát sông của doanh nghiệp Thanh Lâm (Trà Ôn); (6) Việc xử lý rác thải, ô nhiễm môi trường liên quan Bãi rác Hòa Phú; (7) Việc thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, thủy sản; (8) Các giải pháp về phát triển du lịch; kết quả việc sắp xếp, tổ chức quản lý đưa vào sử dụng Bến tàu khách Vĩnh Long.

Các Phiên giải trình tại phiên họp của Thường trực HĐND đã tổ chức, diễn ra sôi nổi, thẳng thắn với tinh thần trách nhiệm cao. Lãnh đạo các Ban HĐND, Tổ trưởng Tổ đại biểu HĐND, đại biểu HĐND nắm chắc tình hình thực tiễn, thẳng thắn tranh luận, phát biểu trên tinh thần xây dựng cùng làm rõ vấn đề của tổ chức, địa phương; mạnh dạn chỉ ra những hạn chế, yếu kém và nguyên nhân; đồng thời yêu cầu làm rõ trách nhiệm và đề xuất các giải pháp thực hiện trong thời gian tới. Người giải trình thực hiện đúng trách nhiệm giải trình, cơ bản nắm chắc thực trạng, rà soát kết quả thực hiện, tổng hợp số liệu, cập nhật tình hình lĩnh vực mình phụ trách; trả lời nội dung giải trình ngắn gọn, khá đầy đủ, bám sát trọng tâm, làm rõ nhiều vấn đề đại biểu quan tâm với tinh thần cầu thị, mạnh dạn nhận trách nhiệm, nêu cụ thể thực trạng khó khăn của ngành, lĩnh vực, phân tích rõ nguyên nhân, hạn chế; đề ra giải pháp, lộ trình khắc phục và thể hiện quyết tâm giải quyết dứt điểm những tồn tại, hạn chế, yếu kém, được đại biểu dự phiên giải trình đánh giá cao.

Từ thực tiễn cho thấy, kết quả giải quyết các nhóm vấn đề giải trình tại phiên họp của Thường trực HĐND đã tác động tích cực đến nhiều mặt hoạt động, công tác quản lý, điều hành của UBND tỉnh, các sở, ngành, địa phương, góp phần khắc phục những hạn chế, bất cập, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, ngành, lĩnh vực cụ thể trên địa bàn tỉnh.
Tại các Phiên giải trình, Giám đốc các sở, ngành và lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh đã trả lời giải trình với tinh thần trách nhiệm, cầu thị, xác định rõ giải pháp và thời gian thực hiện từng vấn đề giải trình trong thời gian tới.

Qua các hoạt động giải trình cho thấy, 08 nhóm vấn đề được lựa chọn đều là những vấn đề liên quan về phát triển kinh tế - xã hội, quan trọng, bức xúc được đông đảo cử tri cũng như dư luận xã hội và Nhân dân quan tâm. Là nhóm vấn đề được xem là còn nhiều khó khăn, vướng mắc, cần có giải pháp mạnh mẽ, khả thi để làm cơ sở cho Ủy ban nhân dân tỉnh và cơ quan chuyên môn, ngành và địa phương thống nhất về chủ trương, phương án, kế hoạch thực hiện trong thời gian tới.Sau các phiên giải trình, Thường trực HĐND tỉnh đã ban hành kết luận và thông báo kết quả kịp thời, đúng quy định, nêu rõ nhiệm vụ, giải pháp, thời gian thực hiện đến UBND và cơ quan chức năng chỉ đạo thực hiện. Đây là cơ sở để Thường trực HĐND tỉnh thực hiện tốt công tác giám sát.
Hoạt động giải trình tại phiên họp của Thường trực HĐND tiếp tục có nhiều đổi mới, các phiên giải trình được tiến hành dân chủ, khách quan, thẳng thắn và trách nhiệm; thời gian dành cho Phiên giải trình là thoả đáng; việc đổi mới một bước cách thức đặt câu hỏi ngắn, đáp gọn, đi thẳng vào nội dung và làm rõ những vướng mắc, phương hướng, cam kết lộ trình giải quyết đến tận cùng của vấn đề,... được cử tri đồng tình, đánh giá cao.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, trong quá trình tổ chức thực hiện hoạt động giải trình vẫn còn một số tồn tại, hạn chế: (1) Việc lựa chọn nhóm vấn đề có nội dung giải trình rộng, cần dành nhiều thời gian chuẩn bị nên chưa có nhiều thông tin, khảo sát chưa chặt chẽ; (2) Có một số nội dung trả lờigiải trình còn chung chung, chưa sát thực tiễn, chưa phân tích rõ được những tồn tại, hạn chế, yếu kém và nguyên nhân chủ quan trong quản lý, điều hành thuộc trách nhiệm giải quyết, trách nhiệm trong công tác phối kết hợp; một số nội dung trả lời chưa thể hiện vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu tổ chức, đơn vị. (3) Đại biểu khách mời chưa mạnh dạn đặt vấn đề đề nghị giải trình, hoặc chưa tham gia cung cấp thêm thông tin, tình hình khó khăn, vướng mắc và ý kiến, kiến nghị phản ánh cử tri cho vấn đề liên quan trên địa bàn công tác.
Từ thực tế tổ chức và kết quả giám sát từ các phiên giải trình, trong thời gian tới xét thấy Thường trực HĐND, các Ban của HĐND, đại biểu HĐND cần tiếp tục quan tâm, tăng cường các giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động giải trình tại Phiên họp của Thường trực HĐND với một số giải pháp chủ yếu sau:
Một là, xác định đúng và trúng vấn đề, nội dung giải trình phải là những vấn đề "nóng", cần sớm được giải quyết hoặc vấn đề mới phát sinh mang tính cấp thiết mà dư luận, cử tri và Nhân dân quan tâm; xác định rõ ràng, cụ thể nội dung nhóm vấn đề cần giải trình; thông qua các hoạt động giám sát, khảo sát, tiếp xúc cử tri, từ thực tế cuộc sống,... lựa chọn nội dung nhóm vấn đề thật sự bức xúc cần giải trình.
Hai là, xây dựng kế hoạch, chương trình hoạt động giải trình khoa học, bảo đảm phù hợp, tránh trùng lắp về vấn đề yêu cầu giải trình và tránh gây quá tải, làm cản trở đến hoạt động bình thường của cơ quan, tổ chức, cá nhân được yêu cầu giải trình; xác định thời điểm tổ chức giải trình cũng là vấn đề quan trọng cần được nghiên cứu thấu đáo để bảo đảm tính kịp thời, hiệu quả.
Ba là, chuẩn bị đầy đủ các tài liệu liên quan đến nội dung giải trình; tổ chức khảo sát, thu thập nhiều kênh thông tin so với báo cáo phục vụ phiên giải trình, lấy ý kiến cử tri liên quan, ý kiến phản biện xã hội của Uỷ ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam các cấp,... xem đây là cơ sở thông tin đáng tin cậy để trao đổi, phản biện có hiệu quả nhóm vấn đề giải trình.
Bốn là, xác định đúng trách nhiệm của cá nhân, tổ chức được yêu cầu giải trình, người được yêu cầu tham gia giải trình; xem việc yêu cầu người tham gia giải trình làm rõ những vấn đề có liên quan cũng có ý nghĩa quan trọng trong việc thu thập đầy đủ thông tin nhiều chiều về việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong bộ máy nhà nước, qua đó tìm ra giải pháp đồng bộ, thống nhất và có tính khả thi cao nhằm giải quyết các vấn đề thực tiễn đặt ra.
Năm là, thông báo về nội dung và kế hoạch tổ chức phiên giải trình cần thực hiện từ sớm để người được yêu cầu giải trình có đủ thời gian để thu thập thông tin, dữ liệu nhằm xây dựng báo cáo giải trình đầy đủ, chất lượng; tăng cường trách nhiệm của người được yêu cầu giải trình trong việc gửi báo cáo đúng thời hạn, kịp thời.
Sáu là, trong điều hành phiên giải trình, chủ trì luôn chủ động, linh hoạt, yêu cầu làm rõ trách nhiệm của người giải trình; khuyến khích đối thoại, tranh luận đến cùng và kết thúc đúng lúc; nếu chưa sáng tỏ vấn đề thì yêu cầu người giải trình trả lời bằng văn bản để đại biểu HĐND, các Ban của HĐND tiếp tục giám sát. Quan tâm những yếu tố bảo đảm thi hành kết luận được hiệu quả, khả thi; nội dung kết luận phiên giải trình phải xác định rõ trách nhiệm cụ thể, với những giải pháp trọng tâm tháo gỡ được khó khăn, vướng mắc; đồng thời có yêu cầu về thời hạn hoàn thành từng nội dung, nhóm vấn đề cụ thể.
Bảy là, tăng cường theo dõi, giám sát, đôn đốc các đơn vị liên quan thực hiện kết luận của Thường trực HĐND sau phiên giải trình; các Ban của HĐND, Tổ đại biểu HĐND tiếp tục chủ động theo dõi, đôn đốc thực hiện nội dung kết luận giải trình, đề xuất phương án giải quyết đối với các kiến nghị chưa được giải quyết hoặc giải quyết chưa đầy đủ,... đề nghị cơ quan giải trình tiếp tục báo cáo kết quả thực hiện tại phiên họp Thường trực HĐND các tháng tiếp theo. Trường hợp cơ quan, tổ chức, cá nhân không thực hiện, thực hiện không đầy đủ hoặc chậm thực hiện kết luận vấn đề được giải trình thì Thường trực Hội đồng nhân dân đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân giải trình và làm rõ trách nhiệm về việc không thực hiện, thực hiện không đầy đủ hoặc chậm thực hiện kết luận.
Tám là, quan tâm thực hiện tốt công tác thông tin, tuyên truyền trước, trong và sau phiên giải trình về các nội dung được giải trình để cử tri và Nhân dân theo dõi, giám sát; tiếp tục theo dõi kết quả thực hiện, tái giám sát những nội dung cam kết thực hiện của tổ chức, đơn vị, làm cơ sở thảo luận, chất vấn tại kỳ họp HĐND đối với nhóm vấn đề giải trình chưa có chuyển biến tích cực; kiến nghị Hội đồng nhân dân tỉnh thảo luận, xem xét, quyết định tại kỳ họp.... xem kết quả phiên giải trình là cơ sở đánh giá đúng hiệu quả cơ chế phân công, phối hợp, kiểm soát quyền lực của các cơ quan nhà nước, qua đó tăng cường trách nhiệm giải quyết của cơ quan tổ chức, cá nhân liên quan, thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật, đưa pháp luật vào cuộc sống./.
Hữu Tài (Phòng công tác HĐND)