
Tại phiên thảo luận tổ, các đại biểu bày tỏ sự nhất trí cao với việc cần thiết ban hành Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại thành phố Hải Phòng; đồng thời, việc ban hành quy định về tổ chức chính quyền đô thị tại thành phố Hải Phòng để thực hiện chính thức mà không qua thí điểm đã bảo đảm đầy đủ các cơ sở chính trị, pháp lý và thực tiễn, hồ sơ dự thảo Nghị quyết đáp ứng yêu cầu theo quy định, đủ điều kiện trình Quốc hội xem xét.
Tham gia thảo luận tại tổ, đại biểu Nguyễn Thị Quyên Thanh tán thành cao với sự cần thiết ban hành Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại thành phố Hải Phòng. Đại biểu nhấn mạnh, thành phố Hải Phòng là thành phố trực thuộc trung ương, trọng điểm phát triển kinh tế (đặc biệt là kinh tế biển) của khu vực Bắc Bộ và cả nước; trung tâm giáo dục, y tế và khoa học công nghệ của vùng duyên hải Bắc Bộ, là đầu mối giao thông quan trọng, kết nối các tuyến giao thông hàng hải quốc tế; nằm trong tam giác phát triển Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh.
Về nhiệm vụ, quyền hạn của UBND, Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng, đại biểu Nguyễn Thị Quyên Thanh thống nhất phương án trình của Chính phủ. Đại biểu phân tích, tại điểm g khoản 1 Điều 26 Luật Tổ chức chính quyền địa phương quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND cấp huyện “Quyết định thành lập, bãi bỏ cơ quan chuyên môn thuộc UBND huyện” và Khoản 3 Điều 21 Nghị định số 158/2018/NĐ-CP ngày 22/11/2018 của Chính phủ quy định về thành lập, tổ chức lại, giải thể tổ chức hành chính trong đó quy định “UBND cấp huyện trình HĐND cùng cấp quyết định thành lập, tổ chức lại, giải thể tổ chức hành chính” khi không còn HĐND quận thì nhiệm vụ này phải chuyển giao cho cơ quan khác thực hiện. Trong quá trình xây dựng dự thảo Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại thành phố Hải Phòng đã nghiên cứu, tham khảo các địa phương đi trước, theo đó tại điểm c khoản 1 Điều 6 Nghị quyết số 136/2024/QH15 ngày 26/6/2024 của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng cũng quy định “Giao UBND Thành phố quyết định thành lập, tổ chức lại, giải thể, đổi tên, quy định chức năng, nhiệm vụ các cơ quan chuyên môn thuộc UBND quận bảo đảm không vượt quá số lượng tối đa cơ quan chuyên môn theo quy định của Chính phủ” tương tự dự thảo Nghị quyết của Quốc hội đã cho phép như đã thí điểm tại Đà Nẵng.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Quyên Thanh cũng thống nhất cao với quy định về số lượng Phó Chủ tịch UBND thành phố Thuỷ Nguyên (không quá 04 người), số lượng Phó Chủ tịch UBND quận (không quá 03 người) và số lượng Phó Chủ tịch UBND phường (không quá 02 người). Đại biểu cho biết, trong những năm tới, công nghiệp là ngành kinh tế chủ lực của Thủy Nguyên, dự kiến thu hút 250 nghìn lao động; Thương mại - dịch vụ phát triển dựa trên nền tảng phát triển ngành thương nghiệp với mạng lưới các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, dịch vụ logistics và trên địa bàn thành phố Thuỷ Nguyên đang xây dựng nhiều khu dân cư mới như Bắc Sông Cấm, đảo Vũ Yên, Vsip, Hoàng Huy...nên dân số của Thuỷ Nguyên sẽ tăng lên rất nhanh trong thời gian tới. Đồng thời, theo Quyết định số 408/QĐ-TTg ngày 13/5/2024 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch chung đô thị mới Thủy Nguyên, thành phố Hải Phòng đến năm 2045 thì quy mô dân số khoảng 725 nghìn người (bằng gần 1/3 dân số của thành phố Hải Phòng hiện nay), trong đó dân số đô thị chiếm 86%. Do đó, việc bổ sung 01 Phó Chủ tịch UBND thành phố để tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động của chính quyền trong lĩnh vực quản lý đô thị là phù hợp.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thanh Phong bày tỏ sự thống nhất cao với dự thảo nghị quyết về việc thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương. Tuy nhiên, đại biểu đề nghị Chính phủ, cấp ủy chính quyền địa phương cần tiếp tục quan tâm và có những định hướng, giải pháp cụ thể giải quyết các vấn đề phát sinh khi thành phố Huế trực thuộc Trung ương được thành lập. Việc xây dựng và phát triển thành phố Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương phải theo đúng các quan điểm, nguyên tắc đã đề ra trong các đề án kèm theo; đồng thời, cần có giải pháp để tháo gỡ khó khăn trong việc xác định duy trì hoạt động mô hình là chính quyền đô thị, đặc biệt các quận, huyện, thị xã được thành lập mới, cần có những chính sách đột phá về kinh tế xã hội. Những nội dung liên quan đến việc sắp xếp thành lập các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã sau khi thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương, đại biểu đề nghị xem xét việc sắp xếp các đơn vị hành chính cần đảm bảo tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, giải quyết được vấn cán bộ dôi dư. Thời gian tới, địa phương cần tiếp tục thực hiện hiệu quả công tác tuyên truyền để người dân hiểu ý nghĩa, tầm quan trọng của việc thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương, từ đó tạo sự đồng thuận, thống nhất giữa cấp ủy, chính quyền và nhân dân; cần phát động các phong trào thi đua đặc thù của địa phương và huy động hệ thống chính trị và người dân chung tay thực hiện tạo động lực và sức bật mới để thành phố Huế tiếp tục phát huy truyền thống lịch sử, giá trị văn hóa đặc sắc cố đô, từng bước phát triển mạnh, bền vững, góp phần quan trọng phát triển kinh tế xã hội của các khu vực miền Trung và cả nước./.
Quỳnh Như