Thực tế nhiều năm qua, Luật Việc làm hiện hành đã bộc lộ những hạn chế, bất cập nhất định, nhất là một số điều khoản hiện hành chưa theo kịp với sự phát triển nhanh chóng của nền kinh tế - xã hội, đặc biệt là nền kinh tế số, kinh tế xanh, việc làm xuyên biên giới, vì vậy, đa số đại biểu đều thống nhất việc sửa đổi Luật Việc làm rất cần thiết trong bối cảnh hiện nay, nhằm đáp ứng kịp thời nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, phù hợp với các cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia, góp phần thúc đẩy phát triển thị trường lao động, hướng tới bảo đảm việc làm bền vững cho tất cả người lao động. Theo Tờ tình của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban xã hội, dự thảo Luật Việc làm về cơ bản bám sát 04 chính sách đã được Quốc hội thông qua; phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, phù hợp với quy định và tinh thần của Hiến pháp, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật, tính tương thích với các điều ước quốc tế có liên quan; thành phần Hồ sơ dự án Luật đủ thành phần theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Để góp phần hoàn thiện dự án Luật Việc làm, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Minh Trang có một số góp ý như sau: Thứ nhất, Về chính sách hỗ trợ tạo việc làm (Chương II)đây được xem là nội dung cốt lõi quan trọng, dự thảo luật đang quy định theo các nhóm chính sách cho vay giải quyết việc làm; hỗ trợ chuyển dịch việc làm đối với người lao động ở khu vực nông thôn; chính sách việc làm công và các chính sách hỗ trợ khác, có thể thấy có rất nhiều chính sách mới, nhân văn trong chính sách hỗ trợ tạo việc làm, thể thế hóa nhiều chủ trương của Đảng trên lĩnh vực này. Tuy nhiên, qua nghiêu cứu các điều khoản thể hiện ở chương II nhận thấy nhiều nội dung còn rất chung chung, nhiều điều khoản có lượng ước được mà căn cứ vào điều kiện kinh tế - xã hội trong từng thời kỳ và khả năng cân đối ngân sách, chưa có cơ sở pháp lý về nguồn vốn thực hiện các chính sách, thiếu tính khả thi, chưa đánh giá tác động của chính sách và biện pháp thực thi quy định. Vì vậy, đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục nghiên cứu quy định, đầy đủ, phù hợp, đảm bảo tính khả thi về chính sách hỗ trợ tạo việc làm, tạo hành lang pháp lý rõ nét hơn trong điều chỉnh các vấn đề về lao động, việc làm để chính sách thực sự có tác dụng phát triển thị trường việc làm hướng tới giải quyết việc làm theo hướng bền vững cho người lao động nói chung. Thứ hai, Về thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp (Điều 65), có thể nóitrợ cấp thất nghiệp là một trong các chế độ bảo hiểm thất nghiệp có ý nghĩa nhân văn sâu sắc được đông đảo người lao động trân quý, thời gian qua bảo hiểm thất nghiệp đã góp phần bù đắp một phần thu nhập của người lao động khi bị mất việc làm, hỗ trợ người lao động học nghề, duy trì việc làm, tìm việc làm, được đánh giá là “phao cứu sinh” cho người lao động, nhất là trong thời gian khi đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Đại biểu tán thành với hầu hết các nội dung quy định tại điều 65, nhất là việc rút ngắn thời điểm hưởng trợ cấp thất nghiệp từ ngày thứ 16 (theo luật hiện hành) xuống còn từ ngày thứ 11 tính theo ngày làm việc kể từ ngày nộp đủ hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp, đáp ứng được quyền lợi chính đáng và mong muốn của người lao động. Tuy nhiên, tại khoản 2 Điều 65 dự thảo Luật vẫn đang quy định theo hướng: “… cứ đóng đủ 12 tháng đến đủ 36 tháng thì được hưởng 3 tháng trợ cấp thất nghiệp, sau đó, cứ đóng đủ thêm 12 tháng thì được hưởng thêm 01 tháng trợ cấp thất nghiệp nhưng tối đa không quá 12 tháng”. Vì vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo xem xét có thể điều chỉnh, bổ sung “cứ đóng đủ 12 tháng bảo hiểm thất nghiệp thì được hưởng một tháng trợ cấp thất nghiệp, để đảm bảo chính sách an sinh tối ưu nhất cho người lao động..”; đồng thời đề xuất cơ quan soạn thảo nghiên cứu có những quy định dưới luật về cải cách thủ tục hành chính đối với hồ sơ xin hưởng trợ cấp nghiệp của người lao động, vì thực tế đã nảy sinh những bất cấp trên lĩnh vực này làm nhiều người lao động chưa tiếp cận đầy đủ, toàn diện chính sách này trong thời gian qua. Song song đó, đại biểu cũng đề nghị cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, bổ sung hoàn thiện công cụ quản lý, kiểm soát tình trạng việc làm của người lao động; bổ sung, điều chỉnh các quy định, quy trình về thu hồi tiền trợ cấp thất nghiệp hưởng sai quy định và có chế tài đủ mạnh, đủ răn đe đối với các hành vi lạm dụng, trục lợi bảo hiểm thất nghiệp, các hành vi vi phạm ngày càng tinh vi, làm ảnh hưởng trực tiếp đến việc cân đối thu - chi quỹ BHXH, BHTN, tính tuân thủ pháp luật bị ảnh hưởng.
Đại biểu Quốc hội Trịnh Minh Bình cũng tham gia đóng góp một số ý kiến đối với dự án Luật Việc làm (sửa đổi), tại Điều 7, Điều 8 trong dự thảo Luật, đại biểu đề nghị bổ sung nội dung “Căn cứ điều kiện kinh tế - xã hội trong từng thời kỳ, Nhà nước sử dụng các nguồn tín dụng khác để cho vay ưu đãi nhằm thực hiện chính sách gián tiếp hỗ trợ tạo việc làm”nhằmhướng tới giải phóng triệt để sức lao động phục vụ cho quá trình công nghiệp hóa hiện đại hóa nền kinh tế, đề nghị cần có cách tiếp cận mạnh mẽ hơn về quy mô nguồn vốn tín dụng ưu đãi, đối tượng, điều kiện, mức, thời gian cho vay. Đối với nội dung Chương II “Về đăng ký và quản lý lao động” đây là nội dung mới được đưa vào dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) so với Luật Việc làm năm 2013. Việc quy định đăng ký lao động nhằm hình thành cơ sở dữ liệu quốc gia về lao động việc làm là rất cần thiết. Tuy nhiên, để việc thu thập thông tin được dễ dàng, đại biểu Quốc hội Trịnh Minh Bình đề nghị trong dự thảo Luật cần quy định theo hướng đảm bảo thuận lợi nhất cho người lao động trong việc nộp hồ sơ thông tin (thông tin thu thập phải sát, đơn giản, nơi nộp và hình thức nộp tiện lợi cho người lao động).

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thanh Phong cũng tham gia đóng góp ý kiến đối với Luật Việc làm (sửa đổi), tại khoản 2 Điều 9 đại biểu đề nghị bổ sungcác trường hợp được vay vốn hỗ trợ tạo việc làm, duy trì, mở rộng việc làm với mức lãi suất thấp hơn đối với đối tượng là các doanh nghiệp, hợp tác xã… có phụ nữ hoặc người cao tuổi làm quản lý, có nhiều thành viên là nữ, người cao tuổi hoặc sử dụng nhiều lao động nữ, người cao tuổi,vìđây là những đối tượng thường gặp khó khăn nhiều hơn đối với các doanh nghiệp, hợp tác xã do nam giới, thanh niên làm chủ, điều kiện tiếp cận vốn vay và công nghệ còn hạn chế. Đối với quy định tại điểm đ khoản 3 Điều 87 quy định “Thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp không được bảo lưu để tính hưởng trợ cấp thất nghiệp cho lần tiếp theo đối với trường hợp thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp trên 144 tháng” đại biểu đề nghị xem xét lại quy định này cho phù hợp, nếu nhận trợ cấp thất nghiệp thì người lao động chỉ được hưởng tương ứng 144 tháng đóng, thời gian còn lại không được bảo lưu, điều này ảnh hưởng đến quyền lợi người lao động, dẫn đến người lao động không gắn bó lâu dài với công việc. Ngoài ra, cần xem xét bổ sung quy định người lao động đến tuổi nghỉ hưu mà chưa lãnh trợ cấp thất nghiệp lần nào được nhận trợ cấp thất nghiệp. Quy định này để hạn chế tình trạng người lao động cố tình nghỉ việc sớm trước 1 năm khi đến tuổi nghỉ hưu để được nhận trợ cấp thất nghiệp, sau đó mới lãnh lương hưu. Song song đó, quy định này cũng nhằm đảm bảo tính công bằng trong việc đóng bảo hiểm thất nghiệp, “có đóng, có hưởng”, khuyến khích người lao động chủ động đóng bảo hiểm thất nghiệp. Bên cạnh đó, đại biểu cũng đề nghị bổ sung nội dung liên quan đến chính sách hỗ trợ việc làm và khởi nghiệp đối với người lao động đi làm việc ở nước ngoài trở về nước để tạo động lực thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao về tham gia thị trường lao động hoặc khởi nghiệp tại các địa phương vào trong dự thảo Luật này.
Đối với dự thảo Luật Nhà giáo, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thanh Phong tham gia đóng góp một số ý kiến như sau: Thứ nhất, đề nghị bồ sung định nghĩa“nhà giáo trẻ”là như thế nàođể tạo sự thuận lợi trong quá trình triển khai thực hiện. Thứ hai, Luật Nhà giáo đã quy định rõ quyền và nghĩa vụ của giáo viên, đạo đức nghề nghiệp của nhà giáo, tuy nhiên, đề nghị bổ sung nhà giáo được quyền từ chối công việc không đúng với vị trí việc làm mà sức khỏe không thể đáp ứng hoặc khi thực hiện công việc đó thì ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe. Đồng thời xem xét bổ sung các quy định bảo vệ nhà giáo trước những hành vi bạo lực, xúc phạm danh dự từ phía phụ huynh, học sinh…Thứ ba, đối với Điều 44 trong dự thảo Luật quy định “Nhà giáo cấp học mầm non; nhà giáo trẻ; nhà giáo công tác ở nơi đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo; nhà giáo trường chuyên biệt, trường chuyên biệt khác; nhà giáo thực hiện giáo dục hòa nhập; nhà giáo là người dân tộc thiểu số và nhà giáo ở một số ngành nghề đặc thù được ưu tiên trong chế độ tiền lương và phụ cấp cao hơn so với các nhà giáo khác”. Đại biểu đề xuất cần xem xét bổ sung đối tượng “giáo viên chủ nhiệm lớp 1”, vì thực tế cho thấy vai trò của đội ngũ này rất quan trọng và khối lượng công việc cũng nhiều, đây là lớp đầu tiên ở cấp học, các em học sinh lớp 1 như “tờ giấy trắng”, giáo viên là người đặt viên gạch đầu tiên tạo nền tảng vững chắc cho những lớp sau ngoài việc rèn chữ, giáo viên phải rèn tác phong, nề nếp cho các em. Do đó, đề nghị giáo viên chủ nhiệm lớp 1 cần phải có phụ cấp ưu đãi nghề và các phụ cấp khác cao hơn so với các giáo viên các cấp học để tạo thêm động lực cho các giáo viên gắn bó lâu dài với ngành Giáo dục./.
Quỳnh Như