
Tại buổi thảo luận, đại biểu Quốc hội chuyên trách Trịnh Minh Bình cho biếtqua nghe tờ trình của Chính phủ, báo cáo thẩm tra Ủy ban Tài chính Ngân sách và xem video clip, đại biểu bày tỏ sự thống nhất về việc cần thiết đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam. Dự án có vai trò quan trọng, mang tính chiến lược dài hạn, tác động sâu, rộng tới mọi mặt của nền kinh tế - xã hội nước ta và quy mô rất lớn, yêu cầu về công nghệ kỹ thuật phức tạp, lần đầu tiên được triển khai thực hiện ở Việt Nam với tổng mức đầu tư Dự án khoảng 1.713.548 tỷ đồng cho 1541 km đi qua 20 tỉnh thành, về quy mô đầu tư xây dựng mới tuyến đường sắt đôi, tốc độ thiết kế 350 km/h, tải trọng 22,5 tấn/trục với 23 ga khách, 05 ga hàng và thời gian dự kiến thực hiện dự án năm 2025 và dự kiến hoàn thành đến năm 2035. Từ các số liệu trên cho thấy tổng mức đầu tư, sử dụng đất, tái định cư, giải phóng mặt bằng… có quy mô là rất lớn, có ảnh hưởng đến ngân sách nhà nước và sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước hàng năm. Vì vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo cần rà soát kỹ lưỡng để đánh giá đúng thực tế hiệu quả của Dự án và khả năng ngân sách nhà nước cũng như việc bù lỗ trong tương lai cho hoạt động kinh doanh vận tải nếu hoạt động không hiệu quả, có thể gây bội chi ngân sách nhà nước tăng lên hàng năm.

Cùng với đó, đại biểu cũng đề nghị cần rà soát số vốn cho các dự án ưu tiên đầu tư trong các giai đoạn tới và phương án ưu tiên bố trí vốn đối với các dự án, cân đối tổng thể ngân sách cần được tính toán kỹ lưỡng để bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô trong bối cảnh những năm gần đây, chi trả nợ và dư nợ công có xu hướng tăng cao, đòi hỏi công tác quản lý nợ công và sử dụng vốn vay phải thận trọng, chặt chẽ và tuân thủ các quy định về hạn mức, việc bảo đảm nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững, phải được đặt lên hàng đầu; về lâu dài cơ quan soạn thảo cũng cần tính toán đến phương án kết nối đường sắt từ TPHCM đến Cần Thơ, Cà Mau để phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội chung của đất nước. Ngoài ra, tuyến đường sắt hiện nay cũng sẽ được tiếp tục cải tạo, nâng cấp và được triển khai theo dự án riêng, tuy nhiên cũng chưa nói rõ thời điểm, thời gian nào nâng cấp sửa chữa. Do đó, đề nghị đánh giá tổng thể chung việc đầu tư hoàn thiện cả hai hệ thống đường sắt để có cơ sở quyết định đầu tư phù hợp; cần thể hiện rõ dự kiến số vốn cụ thể trong các giai đoạn đầu tư cũng như có sự phối hợp giữa các cơ quan liên quan để xây dựng phương án bố trí vốn bảo đảm tính khả thi, tránh lãng phí nguồn lực của đất nước ./.
Quỳnh Như