
Tại phiên thảo luận, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thanh Phong tham gia đóng góp một số ý kiến đối với Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân, cụ thể như sau:
Thứ nhất, tại khoản 1 Điều 62 Luật hiện hành cần bổ sung quy định cụ thể hơn về cơ cấu, thành phần đoàn giám sát chuyên đề của hội đồng nhân dân, cần bổ sung quy định thành phần đoàn giám sát trong trường hợp phải vắng mặt cần thông báo trước và phải có giới hạn số lần vắng mặt khi được mời tham gia thành phần đoàn, bởi quy định này nhằm nâng cao tính tích cực và trách nhiệm của đại biểu Hội đồng nhân dân khi được mời tham gia đoàn giám sát, nhằm hạn chế tình trạng ít tham gia hoặc tham gia nhưng gián đoạn dẫn đến không phát huy hết vai trò của đại biểu đối với chuyên đề tham gia giám sát.
Thứ hai, đề xuất sửa đổi, bổ sung điểm a khoản 2 Điều 62 Luật hiện hành ‘‘Xây dựng đề cương báo cáo để làm căn cứ cho cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát thực hiện báo cáo, ban hành kế hoạch giám sát;”. Quy định này nhằm khẳng định tầm quan trọng của đề cương báo cáo và yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát phải báo cáo theo đúng đề cương, mục đích mà cuộc giám sát hướng đến, tránh báo cáo lan man không đúng trọng tâm làm ảnh hưởng đến nội dung và chất lượng cuộc giám sát.

Thứ ba, đối với khoản 39 và 40, Điều 1 Dự thảo Luật quy định sửa đổi, bổ sung Điều 63 và Điều 64 về việc Hội đồng nhân dân lấy phiếu tín nhiệm và bỏ phiếu tín nhiệm chỉ quy định thực hiện theo nghị quyết của Quốc hội. Đại biểu đề nghị cần phải tích hợp và sửa đổi một số nội dung lớn trong Nghị quyết vào dự thảo Luật như sau:(1)Đề xuất sửa đổi thời hạn tổ chức lấy phiếu tín nhiệm. Việc lấy phiếu tín một lần trong nhiệm kỳ vào kỳ họp cuối năm của nhiệm kỳ chưa đảm bảo tính hiệu lực, hiệu quả của hoạt động này. Vì thực chất ý nghĩa của hoạt động lấy phiếu tín nhiệm là để đánh giá, xem xét về hiệu quả hoạt động của đại biểu, từ đó đại biểu soi rọi có sự nỗ lực khắc phục. Do đó, nếu quy định lấy phiếu 2 lần/nhiệm kỳ thì đại biểu sẽ có động lực nỗ lực khắc phục khuyết điểm của lần đánh giá đầu tiên để đạt được sự tín nhiệm trong lần đánh giá tiếu theo. (2)Việc lấy phiếu tín nhiệm đã quy định các căn cứ đánh giá mức độ tín nhiệm đối với người được lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm và thể hiện ba mức độ tín nhiệm cao, tín nhiệm, tín nhiệm thấp. Tuy nhiên, theo đại biểu cần có khung tiêu chí để đánh giá thế nào là tín nhiệm cao, tín nhiệm, tín nhiệm thấp. Điều này hạn chế tình trạng đánh giá theo cảm tính, chủ quan của đại biểu tham gia lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm.
Thứ tư, tại khoản 1 Điều 89 cần quy định rõ đăng tải công khai toàn văn các nghị quyết, kết luận, việc thực hiện nghị quyết, kết luận giám sát trên cổng thông tin điện tử của của cơ quan tiến hành giám sát để bảo đảm hơn nữa việc thực hiện kết luận, kiến nghị giám sát. Đồng thời, đề xuất bổ sung công khai toàn văn chương trình, kế hoạch giám sát, báo cáo kết quả giám sát trên cổng thông tin điện tử của của cơ quan tiến hành giám sát để tạo sự minh bạch, rõ ràng, tạo điều kiện để người dân giám sát các hoạt động của Quốc hội, Hội đồng nhân dân.
Ngoài ra, đối với khoản 3 Điều 89 của Luật hiện hành, đại biểu đề nghị cần bổ sung theo hướng quy định cụ thể hơn hình thức xử lý đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát nhưng không thực hiện hoặc thực hiện không đúng yêu cầu trong nghị quyết, kết luận, kiến nghị giám sát, đảm bảo chế tài chặt chẽ, tăng hiệu quả giám sát cho Hội đồng nhân dân./.
Quỳnh Như