Qua khảo sát, Tổ đại biểu HĐND tỉnh đơn vị huyện Vũng Liêm đã thống nhất báo cáo kết quả khảo sát gửi đến đại biểu HĐND tỉnh làm cơ sở xem xét, thảo luận cho ý kiến tại Kỳ họp thứ Chín, kỳ họp cuối năm 2024.

Theo đó, kết quả giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri cho thấy: (1) Công trình bờ kè chợ xã Quới An và đoạn đê bao sông Mang Thít, giai đoạn 2 và Tuyến đê bao ngăn mặn tiếp ngọt kênh Ruột Ngựa – Mướp Sát, xã Trung An: Đến nay 02 công trình đã hoàn thành. (2) Việc lắp đặt nắp cống ngăn mặn, cống hở Vàm Đường Trôm thuộc dự án đê bao sông Măng Thít (giai đoạn 2): Đến nay khối lượng thực hiện đạt 92% khối lượng, đã hoàn thành phần xây lắp và sản xuất cửa cống xong, còn lại xy lanh thủy lực kéo cửa hiện nay đơn vị thi công đang sản xuất. Dự kiến đến tháng 12/2024 sẽ hoàn thành công trình. (3) Việc thi công kéo tuyến đường ống nước máy cho Nhân dân 03 ấp: Hiệp Trường, Trường Định, Quang Minh trên địa bàn xã Quới An”: Đến tháng 9/2024, các hạng mục đầu tư đã hoàn thành, góp phần đưa đưa tỷ lệ toàn xã Quới An có trên 99% hộ dân sử dụng nước sạch qua trạm cấp nước tập trung nông thôn.
Về kết quả công tác chỉnh lý, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với các công trình do Nhà nước và Nhân dân cùng làm cho thấy: Từ năm 2011 đến tháng 9/2024, trên địa bàn huyện đã thực hiện 129 công trình, với hình thức Nhà nước và Nhân dân cùng làm (không đền bù đất đai). Các công trình này đã đo đạc phần thi công, chưa tổ chức đo đạc phần diện tích còn lại để cấp giấy chứng nhận cho người sử dụng đất, chỉ đo đạc riêng lẻ từng trường hợp khi có nhu cầu của người dân chuyển quyền hoặc đăng ký thể chấp.

Về kết quả công tác cấp, cấp đổi giấy CNQSDĐ theo chương trình VLAPcho thấy: Dự án VLAP được triển khai thực hiện năm 2011, UBND huyện Vũng Liêm luôn chỉ đạo quán triệt, triển khai thực hiện đúng quy định của Luật Đất đai, các Nghị định hướng dẫn của Chính phủ và các Thông tư hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường; nhằm giảm thấp nhất các trường hợp sai sót trong quá trình xét duyệt cấp giấy CNQSDĐ.Kết quả việc cấp giấy CNQSDĐ cho chủ sử dụng đất theo Dự án VLAP trên địa bàn huyện đã cấp tổng số là 86.936 hồ sơ (thửa): Đã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất 63.843/86.936 hồ sơ, đạt 73,44% so với hồ sơ cần cấp đổi của dự án Vlap, tăng so với năm 2023 là 1,39%. Còn tồn đọng 23.093 hồ sơ cần phải tiếp tục thực hiện. (Trong đó: Chi nhánh đang tiếp nhận 2.111 hồ sơ và các xã còn 20.982 hồ sơ).
Đoàn khảo sát cũng đã ghi nhận các hạn chế, khó khăn, vướng mắc và nguyên nhân cho công tác này đó là: (1) Công tác lãnh chỉ đạo, công tác phối hợp triển khai thực hiện chưa thường xuyên; tiến độ thực hiện triển khai đo đạc chỉnh lý, cấp giấy CNQSDĐ các công trình do Nhà nước và Nhân dân cùng làm trên địa bàn huyện chậm, chưa kịp thời. (2) Công tác cấp đổi giấy CNQSDĐ theo chương trình VLAP vẫn còn nhiều chủ sử dụng đất được UBND cấp xã mời nhưng không đến bổ sung thủ tục để được cấp giấy CNQSDĐ theo quy định. (3) Tỷ lệ giải ngân sử dụng 10% trích từ nguồn thu tiền sử dụng đất để chi đầu tư phát triển khác (Chi công tác đo đạc, đăng ký đất đai, lập cơ sở dữ liệu hồ sơ địa chính và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất) chưa thực hiện. Đến thời điểm khảo sát, kết quả giải ngân trên địa bàn huyện là 0/2,5 tỷ đồng). (4) Hầu hết những trường hợp chưa thực hiện cấp đổi giấy CNQSDĐ theo chương trình VLAP còn tồn đọng đến nay đều là những trường hợp phức tạp, do chuyển quyền sử dụng, chuyển mục đích sử dụng đất nhiều lần: Việc thẩm định, giải quyết một hồ sơ thuộc dạng này thường mất nhiều thời gian, trong khi nhân lực của ngành chuyên môn huyện, công chức Địa chính xã còn phải giải quyết một lượng lớn các hồ sơ thủ tục đất đai phát sinh hằng ngày, nên có ảnh hưởng đến tiến độ giải quyết hồ sơ. (5) Hiện nay, Luật Đất đai năm 2024 đã có hiệu lực thi hành. Theo đó các quy định về nghĩa vụ tài chính, về trình tự, thủ tục đăng ký đất đai, mẫu biểu hồ sơ đất đai, mẫu giấy CNQSDĐ có nhiều thay đổi (Quy định về mẫu đơn kê khai, mẫu trích lục, trích địa chính, thành phần hồ sơ…). Vì vậy, những hồ sơ đã kê khai đăng ký đồng loạt theo dự án VLAP trước đây và những hồ sơ chưa đăng ký để cấp đổi theo dự án VLAP không còn phù hợp với quy định pháp luật đất đai mới.

Thông qua hoạt động khảo sát, Tổ đại biểu tỉnh đơn vị huyện Vũng Liêm đã kiến nghị đến UBND huyện Vũng Liêm và Sở Tài nguyên - Môi trường với các nội dung cụ thể, như:
(1) Kiến nghị UBND huyện Vũng Liêm: (i) Tăng cường công tác phối hợp, thực hiện tốt công tác tuyên truyền cho người dân chấp hành tốt các quy định của pháp luật; chấn chỉnh thái độ phục vụ của công chức Địa chính trong việc hướng dẫn, giải quyết các hồ sơ có liên quan đến đất đai cho người dân.
(ii) Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, nêu cao vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, cơ quan chuyên môn, chính quyền địa phương trong triển khai cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho hộ gia đình, cá nhân, tổ chức.
(iii) Chỉ đạo rà soát lại danh mục các công trình, dự án Nhà nước và Nhân dân cùng làm trên địa bàn; rõ số liệu số hộ dân đã hiến đất cho từng công trình để có kế hoạch thực hiện việc chỉnh lý, cấp đổi trong thời gian tới. Lập kế hoạch hàng năm, với chương trình cụ thể: Thông tin, số liệu cho từng công trình, dự án; tổng số diện tích, số giấy CNQSDĐ của hộ dân phải chỉnh lý; việc sử dụng 10% kinh phí trích từ nguồn thu tiền sử dụng đảm bảo thực hiện theo thẩm quyền quản lý và nguồn kinh phí đề nghị cấp trên hỗ trợ;… để sớm giải quyết dứt điểm các hồ sơ còn tồn đọng tại địa phương. (iv) Chỉ đạo phân loại hồ sơ theo chương trình VLAP còn tồn đọng tại Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai, để có phương án xử lý, giải quyết kịp thời, phù hợp; tăng cường công tác kiểm tra và thẩm định hồ sơ để in giấy CNQSDĐ cho chủ sử dụng đúng quy định. (v)Bố trí kinh phí chỉnh lý biến động, cấp, cấp đổi giấy CNQSDĐ do Nhà nước và Nhân dân cùng làm và theo chương trình VLAP; triển khai thực hiện việc thanh, quyết toán và báo cáo đúng quy định. (vi)Phối hợp chặt chẽ cơ quan chuyên môn ngành tỉnh trong dự toán, bố trí kinh phí; tập huấn, hướng dẫn, hỗ trợ cấp xã đảm bảo nguồn lực, năng lực chuyên môn hoàn thành nhiệm vụ; kịp thời báo cáo, khó khăn vướng mắc, thống nhất phương án giải quyết các vấn đề tồn đọng trong năm 2025 và những năm tiếp theo.
(2) Kiến nghị đến Sở Tài nguyên và Môi trường: (i) Phối hợp với các Sở, ngành tỉnh có hướng dẫn UBND cấp huyện việc triển khai, sử dụng, giải ngân 10% trích từ nguồn thu tiền sử dụng đất để chi đầu tư phát triển khác (Chi công tác đo đạc, đăng ký đất đai, lập cơ sở dữ liệu hồ sơ địa chính và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất) thực hiện thống nhất trên địa bàn tỉnh (ii) Phối hợp với các Sở, ngành tỉnh và UBND huyện sớm thực hiện hoàn thành việc chỉnh lý cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân trên địa bàn các huyện - thị xã - thành phố. (iii) Kịp thời tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện chung việc chỉnh lý, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất các công trình do Nhà nước và Nhân dân cùng làm; việc cấp, cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo chương trình VLAP trên địa bàn tỉnh; đồng thời đề xuất các giải pháp tập trung sớm giải quyết các khó khăn vướng mắc theo thẩm quyền, chức năng quản lý nhà nước của đơn vị. (iv) Xem xét tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết đặc thù về một số chính sách hỗ trợ, kinh phí đảm bảo hoàn thành việc chỉnh lý, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất các công trình do Nhà nước và Nhân dân cùng làm; việc cấp, cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng theo chương trình VLAP trên địa bàn tỉnh./.
Hữu Tài