
Một số điểm mới đáng chú ý của Luật Đầu tư công 2024
Một trong những điểm mới đáng chú ý của Luật Đầu tư công 2024 là thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư dự án nhóm B, nhóm C. Việc phân cấp cho Ủy ban nhân dân các cấp quyết định chủ trương đầu tư nhóm B, nhóm C do địa phương quản lý là thay đổi lớn từ thẩm quyền của HĐND các cấp sang UBND các cấp. Để bảo đảm tính chặt chẽ, Luật đã bổ sung thẩm quyền “quyết định chủ trương đầu tư dự án” đi đôi với trách nhiệm “báo cáo HĐND cùng cấp tại kỳ họp gần nhất”. Với tinh thần đổi mới, nhằm tăng cường tính linh hoạt trong công tác điều hành, tổ chức thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn, Luật Đầu tư công 2024 đã giao Thủ tướng Chính phủ quyết định điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương trong các trường hợp:
- Điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giữa các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương trong trường hợp không vượt tổng mức vốn trung hạn đã được Quốc hội quyết định, bảo đảm hiệu quả sử dụng vốn và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất;
- Điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương trong nội bộ và giữa các ngành, lĩnh vực, chương trình của các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương trong tổng mức vốn trung hạn của từng Bộ, cơ quan trung ương và địa phương đã được Quốc hội quyết định.
Về quy định hạn mức 20% đối với các dự án qua hai kỳ trung hạn tại Điều 93, Luật Đầu tư công sửa đổi theo hướng:
- Quy định tiếp tục giữ quy định về hạn mức 20%;
- Bổ sung quy định đối với chương trình mục tiêu quốc gia, dự án quan trọng quốc gia thực hiện theo Nghị quyết của Quốc hội;
- Bổ sung quy định đối với dự án sử dụng vốn từ nguồn thu hợp pháp của cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập; đối với chương trình, dự án sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi nước ngoài;
- Bổ sung quy định cho phép vượt mức 20%: “cấp có thẩm quyền báo cáo để được phép quyết định vượt mức, nhưng không được vượt quá 50% số vốn kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn trước”.
Về các cơ chế, chính sách thí điểm, đặc thù đã được Quốc hội cho phép áp dụng cũng được quy định trong luật như:
- Tách công tác đền bù, tái định cư thành dự án độc lập;
- Giao 01 UBND cấp tỉnh là cơ quan chủ quản thực hiện dự án đi qua địa bàn từ 02 đơn vị hành chính cấp tỉnh trở lên;
- Cho phép HĐND cấp tỉnh bố trí vốn ngân sách địa phương để uỷ thác thực hiện các chính sách tín dụng thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội…

Nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng nhân dân các cấp
Thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư chương trình dự án: Khoản 5, Điều 18 quy định, HĐND cấp tỉnh quyết định chủ trương đầu tư chương trình đầu tư công sử dụng vốn ngân sách địa phương, bao gồm cả vốn bổ sung có mục tiêu từ ngân sách Trung ương, nguồn vốn hợp pháp của địa phương thuộc cấp mình quản lý; Dự án nhóm A sử dụng vốn ngân sách địa phương các cấp, bao gồm cả vốn bổ sung có mục tiêu từ ngân sách trung ương, nguồn vốn hợp pháp của địa phương trên địa bàn tỉnh, dự án nhóm A thực hiện trên địa bàn từ 02 đơn vị hành chính cấp tỉnh trở lên do UBND cấp tỉnh là cơ quan chủ quản theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, trừ dự án thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời Luật cũng sửa đổi tiêu chí phân loại dự án, dự án nhóm A có tổng mức đầu tư từ 1.600 tỷ đồng trở lên thuộc lĩnh vực: Y tế, văn hóa, xã hội, thông tin, giáo dục; Nghiên cứu khoa học, môi trường, công nghệ thông tin, phát thanh, truyền hình, tài chính, ngân hàng,…
Trước đây theo quy định của Luật Đầu tư công năm 2019, thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư dự án nhóm A do địa phương quản lý thuộc thẩm quyền của HĐND tỉnh; HĐND các cấp quyết định chủ trương đầu tư chương trình, dự án nhóm B, nhóm C sử dụng vốn ngân sách địa phương, bao gồm cả vốn bổ sung có mục tiêu từ ngân sách cấp trên, các nguồn vốn hợp pháp của địa phương thuộc cấp mình quản lý. Tuy nhiên theo quy định của Luật đầu tư công năm 2024, HĐND tỉnh chỉ quyết định chủ trương đầu tư đối với chương trình đầu tư công và dự án nhóm A; phân cấp thẩm quyền cho UBND các cấp quyết định chủ trương đầu tư dự án nhóm B, nhóm C do cấp mình quản lý (tại khoản 7, 8, 9 Điều 18).
Đối với HĐND cấp huyện quyết định chủ trương đầu tư chương trình đầu tư công sử dụng vốn ngân sách địa phương, bao gồm cả vốn bổ sung có mục tiêu từ ngân sách cấp trên, nguồn vốn hợp pháp của địa phương thuộc cấp mình quản lý (tại khoản 6, Điều 8).
Thẩm quyền giao kế hoạch đầu tư công trung hạn, kế hoạch đầu tư công hằng năm của địa phương: HĐND các cấp xem xét, cho ý kiến về dự kiến kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm của địa phương, bao gồm danh mục và mức vốn bố trí cho từng dự án sử dụng vốn ngân sách trung ương bổ sung có mục tiêu. Quyết định kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm của địa phương, bao gồm danh mục và mức vốn bố trí cho từng dự án sử dụng vốn ngân sách địa phương (tại khoản 2, 3 Điều 88). HĐND các cấp quyết định phân bổ dự phòng chung kế hoạch đầu tư công trung hạn nguồn ngân sách cấp mình quản lý khi bảo đảm nguồn vốn (khoản 7, Điều 54).

Về điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm: HĐND các cấp điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm vốn ngân sách địa phương trong các trường hợp: (1) Do điều chỉnh mục tiêu của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; (2) Do thay đổi đột biến về cân đối thu ngân sách địa phương hoặc khả năng huy động các nguồn vốn của địa phương; (3) Do thay đổi nhu cầu sử dụng hoặc khả năng triển khai thực hiện vốn kế hoạch hằng năm giữa các cơ quan, đơn vị của địa phương (tại khoản 7, Điều 71).
Luật quy định UBND cấp tỉnh có thẩm quyền và trách nhiệm điều chỉnh kế hoạch đầu tư công hằng năm đối với vốn ngân sách trung ương bổ sung có mục tiêu thuộc quản lý của cấp mình nhưng không vượt quá tổng mức vốn đã được cấp có thẩm quyền giao kế hoạch đầu tư công trung hạn, báo cáo HĐND cấp tỉnh tại kỳ họp gần nhất (tại khoản 6, Điều 71). UBND các cấp có thẩm quyền và trách nhiệm: (1) Điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn đối với vốn ngân sách địa phương giữa các cơ quan, đơn vị được giao kế hoạch vốn do cấp mình quản lý trong trường hợp không vượt tổng mức vốn trung hạn đã được Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định, báo cáo HĐND cùng cấp tại kỳ họp gần nhất; (2) Điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm đối với vốn ngân sách địa phương giữa các nhiệm vụ, dự án trong nội bộ cơ quan, đơn vị được giao kế hoạch vốn do cấp mình quản lý trong tổng mức vốn đã được HĐND cùng cấp quyết định (tại khoản 8, Điều 71).
Thẩm quyền về giám sát: Giám sát các dự án sử dụng vốn đầu tư công được giao cho địa phương quản lý, bao gồm vốn ngân sách trung ương, vốn ngân sách địa phương, vốn từ nguồn thu hợp pháp của các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập dành để đầu tư do địa phương quản lý (tại khoản 4, Điều 88). Để khẳng định vai trò, trách nhiệm của cơ quan dân cử tại địa phương, HĐND các cấp nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác giám sát lĩnh vực đầu tư công, trong đó cần giám sát việc chấp hành quy định của pháp luật trong đầu tư công, việc thực hiện nghị quyết của HĐND về đầu tư công; tiến độ giải ngân các dự án đầu tư công đối với các nguồn vốn được phân bổ trong năm và kéo dài từ năm trước sang; việc thanh toán, quyết toán các dự án hoàn thành; chất lượng và hiệu quả công trình,… Việc tăng cường trách nhiệm giám sát của HĐND các cấp sẽ đánh giá được những bất cập, hạn chế khó khăn trong quá trình thực hiện, kịp thời có những kiến nghị với UBND, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương./.
Kim Quyên – Phó trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh