Tại hội nghị, các đại biểu thống nhất về sự cần thiết sửa đổi Luật Việc làm để đảm bảo phù hợp với bối cảnh tình hình hiện nay. Theo đó, Luật Việc làm (Sửa đổi) gồm 8 chương với 61 điều quy định chính sách hỗ trợ tạo việc làm; đăng ký lao động; hệ thống thông tin thị trường lao động; phát triển kỹ năng nghề; dịch vụ việc làm; bảo hiểm thất nghiệp và quản lý nhà nước về việc làm.

Tham gia đóng góp ý kiến tại hội nghị, đại biểu đề nghị tại điều 44 quy định mức hưởng, thời gian hưởng, thời điểm hưởng thất nghiệp cần có những quy định cụ thể, rõ ràng hơn nhằm đảm bảo cho người lao động được hưởng đầy đủ quyền lợi khi tham gia bảo hiểm thất nghiệp; Điều 13 quy định chính sách hỗ trợ việc làm cho thanh niên cần bổ sung thêm đối tượng thanh niên sau cải tạo, thanh niên sau khi thực hiện nghĩa vụ quân sự; tại Điều 20 quy định thực hiện đăng ký lao động nên nêu thời gian cụ thể hoặc đảm bảo theo quy định của các luật liên quan. Bên cạnh đó, đại biểu đề nghị bổ sung đối tượng cán bộ, công chức, viên chức vì giai đoạn hiện nay cả nước đang sắp xếp tinh gọn bộ máy cần quy định thêm đối tượng này được tham gia bảo hiểm thất nghiệp. Đại biểu cũng có ý kiến đề xuất bỏ quy định hình thức “trực tiếp kê khai” tại khoản 1 của điều 45 vì hiện nay thông qua cổng dịch vụ công người lao động có thể kê khai đăng ký tại nhà không cần trực tiếp đến tổ chức dịch vụ việc làm để tìm kiếm việc làm; đại biểu cũng đề xuất giao Chính phủ quy định chế tài xử phạt đối với các trường hợp kê khai gian lận để hưởng chế độ,…

Thay mặt Đoàn đại biểu Quốc hội, bà Nguyễn Thị Minh Trang, Ủy viên ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Trưởng Ban Tuyên giáo - Dân vận Tỉnh uỷ, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tiếp thu các ý kiến đóng góp của đại biểu. Các ý kiến này sẽ được Đoàn đại biểu Quốc hội tổng hợp báo cáo gửi về Thường trực Ủy ban Văn hoá và Xã hội./.
Quỳnh Như