
Tại kỳ họp, các vị đại biểu Hội đồng nhân dân huyện xem xét, cho ý kiến đối với Tờ trình và dự thảo dự Nghị quyết Sửa đổi, bổ sung một số chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp tại Điều 2 Nghị quyết số 11/NQ-HĐND, ngày 18/12/2024 của HĐND huyện về Kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội năm 2025. Qua thảo luận, đại biểu Hội đồng nhân dân huyện đã thảo luận và biểu quyết thống nhất thông qua Nghị quyết với nội dung sửa đổi, cụ thể sau:
Sửa đổi các chỉ tiêu kinh tế tại khoản 2 Điều 2, gồm: Tổng giá trị sản xuất ngành CN - TTCN tăng 4,5%; Tổng giá trị sản xuất ngành Nông nghiệp thủy sản tăng 3,1%; Tổng mức bán lẻ hàng hóa tăng 12,5%; Doanh thu dịch vụ và lưu trú và ăn uống tăng 14,5%; Xây dựng nông thôn mới: 02 xã đạt nông thôn mới, 04 xã đạt nông thôn mới nâng cao.

Sửa đổi bổ sung nhiệm vụ, giải pháp tại điểm a khoản 3 Điều 2: (1) Đẩy mạnh chuyển đổi sản xuất nông nghiệp sang phát triển kinh tế nông nghiệp, tập trung thực hiện mục tiêu cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng hiệu quả, bền vững theo chủ trương của tỉnh. Trong đó duy trì diện tích sản xuất lúa tương đương năm 2024 là 16.155,9 ha, sản lượng thu hoạch ước đạt 93.270 tấn. Diện tích và sản lượng gieo trồng rau màu tăng 2,5% (diện tích trồng màu xen vườn tăng 7%). Diện tích cây lâu năm cho sản phẩm tăng 1,7%, sản lượng tăng 2% (sản lượng dừa tăng 3%; sản lượng sầu riêng tăng 4%; sản lượng bưởi da xanh tăng 3,5%...). Tổng đàn heo tăng 4%, gia cầm tăng 1,5%. Tổng sản lượng thủy sản tăng 1,5%. (2) Theo dõi chặt chẽ tình hình sản xuất và chủ động xây dựng kịch bản, bố trí lịch thời vụ sản xuất; linh hoạt chuyển đổi cây trồng, vật nuôi và phương thức sản xuất thích ứng với biến đổi khí hậu, nhu cầu thị trường. Khuyến khích phát triển nông nghiệp xanh, hữu cơ, sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Tiếp tục khuyến khích hợp tác xã liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; xây dựng, phát triển các vùng nguyên liệu, sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn, đảm bảo truy xuất nguồn gốc, xây dựng mã số vùng trồng, mã số vùng nuôi …..đáp ứng theo các tiêu chuẩn và yêu cầu của thị trường nhằm nâng cao giá trị gia tăng các sản phẩm nông nghiệp của huyện. Tăng cường hỗ trợ tổ chức, cá nhân thiết lập mã số vùng trồng, truy xuất ngồn gốc trên các loại cây trồng chủ lực. Tiếp tục triển khai thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP).Phối hợp theo dõi tình hình thị trường cũng như những quy định, chính sách mới để thông tin, hướng dẫn doanh nghiệp, người dân chủ động các điều kiện đáp ứng yêu cầu thị trường trong sản xuất, kinh doanh nhằm mở rộng xuất khẩu hàng hóa nông sản. Khuyến khích người dân tiếp tục cải tạo vườn kém hiệu quả, trồng mới các loại cây ăn trái có giá trị kinh tế cao. Thực hiện chuyển từ đất trồng lúa sang trồng cây lâu năm, tập trung chủ yếu trên cây sầu riêng, dừa, mít, bưởi. ..Phát triển mạnh diện tích ao nuôi thủy sản thâm canh, các mô hình nuôi cá trên ruộng lúa, nuôi cá trong mương vườn.Tăng cường kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn công tác phòng, chống dịch bệnh cây trồng, vật nuôi, nhất là bệnh Dịch tả heo Châu Phi. Quản lý kiểm soát tốt chất lượng vật tư nông nghiệp, thức ăn chăn nuôi, giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản. Phấn đấu giá trị sản xuất nông nghiệp – thủy sản tăng trưởng 3,1%, tương đương khoảng 2.880,82 tỷ đồng so năm 2024. (3) Triển khai hiệu quả Kế hoạch cơ cấu lại ngành công thương để đẩy mạnh phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp. Theo dõi sát tình hình thị trường, các hoạt động sản xuất kinh doanh; phối hợp triển khai kịp thời, có hiệu quả các chính sách của Chính phủ, Ủy ban nhân dân tỉnh về hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, phát triển sản xuất kinh doanh trên địa bàn huyện. Tạo mọi điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp, cơ sở mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh các ngành hàng có lợi thế, đóng góp lớn cho giá trị tăng trưởng của ngành. Cụ thể như: giá trị ngành sản xuất, chế biến thực phẩm đạt 1.842,4 tỷ đồng; giá trị ngành sản xuất gạch gốm đạt 131,4 tỷ đồng; giá trị sản xuất ngành may mặc, da giày gia công đạt 63,8 tỷ đồng; giá trị ngành sản xuất phân bón, hóa chất đạt 107,4 tỷ đồng; các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp nông thôn đạt khoảng 143,4 tỷ đồng. (4) Phối hợp sở, ngành tỉnh thực hiện tốt các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và nâng cao Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), chỉ số xanh cấp tỉnh (PGI); đảm bảo bình đẳng, thuận lợi cho các thành phần kinh tế. Hỗ trợ phát triển mạnh mẽ doanh nghiệp tư nhân, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tư nhân thật sự là động lực của nền kinh tế. Thực hiện hiệu quả công tác đối thoại, tiếp xúc doanh nghiệp, tháo gỡ khó khăn cho hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh. Kịp thời cụ thể hóa các cơ chế, chính sách về cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh nhất là các chính sách hỗ trợ về thuế, tín dụng,... nhằm hỗ trợ người dân, doanh nghiệp phục hồi, mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh. Thực hiện tốt chính sách hỗ trợ, phát triển doanh nghiệp, khởi nghiệp, ưu đãi đầu tư của Chính phủ, UBND tỉnh nhằm thúc đẩy các thành phần kinh tế phát triển tạo nguồn thu ngân sách ổn định và bền vững. Phấn đấu trong năm 2025 thành lập mới 25 doanh nghiệp và thành lập mới từ 01 – 02 Hợp tác xã hoạt động trên các lĩnh vực. (5) Tiếp tục khuyến khích các thành phần kinh tếđầu tư phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp phục vụ sản xuất nông nghiệp, nông thôn, nhằm tăng năng lực sản xuất mới cho ngành công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp của huyện. Kịp thời phối hợp với các sở, ngành tỉnh tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ nhà đầu tư thực hiện các dự án đầu tư trên địa bàn. Phấn đấu giá trị sản xuất ngành công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp tăng 4,5% so năm 2024, tương đương khoảng 2.288,4 tỷ đồng so năm 2024. (6) Tiếp tục phối hợp triển khai thực hiện Chiến lược tổng thể phát triển khu vực dịch vụ trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long; khuyến khích phát triển các ngành, sản phẩm dịch vụ chất lượng cao. Phối hợp thực hiện hiệu quả các chính sách đẩy mạnh kích cầu tiêu dùng, các chương trình, hoạt động xúc tiến thương mại bình ổn thị trường; đưa hàng Việt về nông thôn, khu công nghiệp… Thực hiện tốt các hoạt động hưởng ứng Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Tăng cường kiểm tra, giám sát việc kê khai, niêm yết, công khai thông tin về giá; xử lý nghiêm các hành vi đầu cơ, găm hàng tăng giá, thao túng giá, buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả trên địa bàn huyện. Chú trọng nâng cao hiệu quả hoạt động của các chợ hiện có, đảm bảo từng bước đạt các tiêu chí về chợ vệ sinh an toàn thực phẩm. (7) Đẩy mạnh các hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch, chủ động phối hợp với sở, ngành tỉnh tổ chức các sự kiện du lịch trên địa bàn tỉnh. Phát triển các sản phẩm du lịch mang tính đặc thù trên cơ sở tiềm năng, thế mạnh sẵn có của huyện để thu hút du khách. Khuyến khích các loại hình du lịch trên địa bàn huyện tiếp tục đầu tư phát triển, mở rộng và thu hút khách. Phấn đấu trong năm thu hút trên 16.000 ngàn lượt khách nội địa và quốc tế, tổng doanh thu từ các hoạt độngdu lịch ước đạt 3,8 tỷ đồng. Quản lý chặt chẽ, bảo tồn các lò gạch, gốm trên địa bàn các xã Mỹ An, Mỹ Phước, Nhơn Phú, Hòa Tịnh để thực hiện Đồ án quy hoạch xây dựng Khu lò, gạch gốm Mang Thít. Phối hợp với các sở, ngành tỉnh xây dựng và tổ chức “Ngày hội Du lịch làng nghề Gạch, Gốm Đỏ Mang Thít” huyện Mang Thít năm 2025. Phấn đấu tổng mức bán lẽ hàng hóa tăng 12,5%, tương đương khoảng 2.545,9 tỷ đồng và doanh thu dịch vụ, lưu trú ăn uống tăng 14,5%, tương đương khoảng 923,6 tỷ đồng so năm 2024. (8) Tổ chức điều hành chặt chẽ, có hiệu quả dự toán ngân sách nhà nước năm 2025 đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp quản lý thu; khẩn trương tổ chức triển khai công tác thu NSNN ngay từ ngày đầu, tháng đầu của năm; Thực hiện hiệu quả tăng thu, nuôi dưỡng nguồn thu, bảo đảm thu đúng, thu đủ, thu kịp thời, mở rộng cơ sở thu,... và chống thất thu thuế. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính về thuế; triển khai thực hiện kịp thời, hiệu quả các gói chính sách miễn, giảm thuế, phí, lệ phí, để hỗ trợ doanh nghiệp, người nộp thuế phục hồi, phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh, tạo tiền đề tăng thu NSNN phấn đấu hoàn thành đạt và vượt dự toán thu NSNN được tỉnh giao. (9) Triệt để tiết kiệm chi, nhất là chi thường xuyên, kiên quyết cắt giảm các khoản chi không cần thiết để dành cho chi đầu tư phát triển và an sinh xã hội, bảo đảm hiệu quả, có trọng tậm, trọng điểm. Nâng cao vai trò, trách nhiệm của các tổ chức tín dụng trên địa bàn huyện, nhất là tín dụng của Chi nhánh Ngân hàng nông nghiệp & phát triển nông thôn, Phòng giao dịch Ngân hàng chính sách xã hội huyện trong sự nghiệp phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội của huyện. Phấn đấu thu ngân sách đạt chỉ tiêu tỉnh giao năm 2025.
Bổ sung nhiệm vụ, giải pháp tại điểm b khoản 3 Điều 2: Chú trọng đến chất lượng, hiệu quả sau đầu tư của từng dự án/công trình trong kế hoạch và giải ngân vốn kịp thời đúng theo quy định của pháp luật, nhất là vốn Chương trình MTQG. Thẩm định chặt chẽ các dự án nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư và đảm bảo đúng theo quy định của Luật đầu tư công. Gắn trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong đảm bảo tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch đầu tư công năm 2025.
Kỳ họp Hội đồng nhân dân huyện Mang Thít diễn ra trong 23/4/2025./.
Hữu Tài