Qua thẩm tra Ban Pháp chế cơ bản thống nhất với nội dung các dự thảo Nghị quyết ban hành đúng thẩm quyền quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 02 năm 2025; Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 19 tháng 2 năm năm 2055; bố cục dự thảo Nghị quyết phù hợp với quy định của Nghị định số 30/2020/NĐ-CP của Chính phủ về công tác Văn thư.

Về Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh Vĩnh Long năm 2025 do UBND tỉnh Vĩnh Long trình đã căn cứ Nghị quyết 76/2025/UBTVQH15 về sắp xếp đơn vị hành chính năm 2025, Nghị quyết 1211/2016/UBTVQH13 ngày 15/5/2016 của UBTVQHQ về tiêu chuẩn đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính; Nghị quyết số 27/2022/UBTVQH15 ngày 21/9/2022 của Ủy Ban Thường vụ Quốc hội Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13 ngày 25 tháng 5 năm 2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính; Qua rà soát, đối chiếu, đánh giá toàn bộ bộ tiêu chí về quy mô dân số, diện tích tự nhiên, các yếu tố đặc thù về truyền thống lịch sử, văn hóa, dân tộc, tôn giáo, tín ngưỡng, phong tục, tập quán, vị trí địa lý, yêu cầu bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, phát triển kinh tế - xã hội. Kết quả 102/102 đơn vị hành chính cấp xã thuộc diện phải sắp xếp. Trước khi sắp xếp, tỉnh Vĩnh Long có 102 ĐVHC cấp xã (gồm: 13 phường, 06 thị trấn, 83 xã). Sau khi sắp xếp, tỉnh Vĩnh Long còn 35 ĐVHC cấp xã (gồm: 08 phường, 27 xã); giảm 67 ĐVHC cấp xã, đạt tỷ lệ 65,69% so với số ĐVHC cấp xã trước sắp xếp. Tất cả các ĐVHC cấp xã tỉnh Vĩnh Long sau sắp xếp đều đáp ứng các điều kiện, tiêu chuẩn của ĐVHC hình thành sau sắp xếp theo quy định và phù hợp với các kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chấp hành Trung ương Đảng và Nghị quyết số 76/2025/UBTVQH15 của UBTVQH Khóa 15. Việc sắp xếp ĐVHC cấp xã được thực hiện đảm bảo khách quan, dân chủ, công khai, minh bạch; trình tự, thủ tục đúng quy định của pháp luật; việc xác định tên gọi của ĐVHC hình thành sau sắp xếp, lựa chọn vị trí đặt trụ sở phù hợp với điều kiện lịch sử, văn hóa, gắn gọn, dễ nhớ được sự đồng thuận của các cấp chính quyền và Nhân dân. Trong quá trình xây dựng Đề án đã được các địa phương, đơn vị tập trung tuyên truyền, triển khai sâu rộng, tạo sự đồng thuận trong cán bộ, đảng viên và Nhân dân trên địa bàn tỉnh. Về cơ bản việc sắp xếp ĐVHC cấp xã của tỉnh Vĩnh Long năm 2025 đạt yêu cầu sắp xếp, tổ chức, tăng quy mô đơn vị hành chính; góp phần tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế, nâng cao hiệu quả, hiệu lực hoạt động của tổ chức chính trị, quản lý chính quyền ở địa phương; cơ cấu và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; phát huy tiềm năng, nội lực, hiệu quả đầu tư kinh tế - xã hội; phù hợp với các chủ trương và định hướng quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Về Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh do UBND tỉnh Vĩnh Long trình thực hiện theo Nghị quyết 60-NQ/TW ngày 12/4/2025 của Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII; Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; Kết luận số 127-KL/TW ngày 28/02/2025 của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về triển khai nghiên cứu, đề xuất tiếp tục sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị; Kết luận số 130-KL/TW ngày 14/3/2025 của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về chủ trương sắp xếp, tổ chức lại ĐVHC các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 02 cấp; Kết luận số 137-KL/TW ngày 28/3/2025 của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về Đề án sắp xếp, tổ chức lại ĐVHC các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 02 cấp; Nghị quyết số 76/2025/UBTVQH15 ngày 14/4/2025 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp ĐVHC năm 2025; Nghị quyết số 74/NQ-CP ngày 07/4/2025 của Chính phủ ban hành Kế hoạch thực hiện sắp xếp ĐVHC cấp xã và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền 02 cấp; Kế hoạch số 43/KH-UBND ngày 15/4/2025 của Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Long về thực hiện rà soát, sắp xếp ĐVHC cấp tỉnh, cấp xã trên điạ bàn tỉnh Vĩnh Long.
Về hiện trạng ĐVHC cấp tỉnh thực hiện sắp xếp cụ thể như sau: Tỉnh Bến Tre (có diện tích tự nhiên là 2.379,70 km2; Quy mô dân số là 1.653.493 người. Tỉnh có 09 ĐVHC cấp huyện; 148 ĐVHC cấp xã. Sau sắp xếp ĐVHC cấp xã, tỉnh Bến Tre có 48 ĐVHC cấp xã); Tỉnh Trà Vinh (có diện tích tự nhiên là 2.390,77 km2; Quy mô dân số là 1.267.274 người. Tỉnh có 09 ĐVHC cấp huyện; 104 ĐVHC cấp xã. Sau sắp xếp ĐVHC cấp xã, tỉnh Trà Vinh có 41 ĐVHC cấp xã); Tỉnh Vĩnh Long (có diện tích tự nhiên là 1.525,73 km2; quy mô dân số là 1.318.980 người. Tỉnh có 08 ĐVHC cấp huyện; 102 ĐVHC cấp xã. Sau sắp xếp, ĐVHC cấp xã tỉnh Vĩnh Long có 35 ĐVHC cấp xã). Theo tiêu chuẩn quy định của ĐVHC cấp tỉnh (diện tích tự nhiên là 5000 km2; quy mô dân số là 1.400.000 người), cả 03 tỉnh chưa đáp ứng tiêu chuẩn của ĐVHC cấp tỉnh tương ứng với quy định tại Nghị quyết số 76/2025/UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Sắp xếp ĐVHC cấp tỉnh năm 2025 nhằm thực hiện các chủ trương của Trung ương; đảm bảo quy mô dân số, diện tích tự nhiên phù hợp với năng lực quản lý của chính quyền địa phương; tập trung khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế sẵn có, các thế mạnh kinh tế, đảm bảo phát triển hài hòa và bền vững; góp phần tinh gọn bộ máy, tinh giảm biên chế, nâng cao hiệu quả đầu tư kinh tế - xã hội, hiệu quả, hiệu lực hoạt động của hệ thống chính trị; tạo lập cơ sở pháp lý cho các công tác quy hoạch xây dựng, phát triển đô thị và nông thôn, gắn kết chặt chẽ với đảm bảo quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội vùng Đồng bằng sông Cửu Long nói chung và tỉnh Vĩnh Long (sau sắp xếp) nói riêng.

Sau khi sắp xếp, Tỉnh Vĩnh Long có diện tích tự nhiên là 6.296.2 km2 (đạt 125,92% so với tiêu chuẩn), quy mô dân số là 4.194.633 người (đạt 299,62% so với tiêu chuẩn) và 124 ĐVHC cấp xã trực thuộc (đáp ứng cả 2 tiêu chí về diện tích tự nhiên và quy mô dân số theo quy định). Việc xây dựng Đề án, phương án sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị có sự lãnh đạo, phối hợp chặc chẽ của các cơ quan chuyên môn, các đơn vị có liên quan của tỉnh Bến Tre, Trà Vinh, Vĩnh Long và thông qua Ban chấp hành Đảng bộ của 03 tỉnh cho ý kiến góp ý. Trình tự thủ tục xây dựng và thông qua Đề án đúng theo quy định tại Điều 8 của Nghị quyết số 76/2025/UBTVQH15 ngày 14/4/2025. Đề án sắp xếp các tỉnh Bến Tre, Trà Vinh, Vĩnh Long phù hợp với nguyên tắc, yêu cầu theo chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Nghị quyết số 76/2025/UBTVQH15 ngày 14/4/2025 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp ĐVHC năm 2025; góp phần tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế, nâng cao hiệu quả, hiệu lực hoạt động của hệ thống chính trị, nâng cao năng lực quản lý của chính quyền địa phương; cơ cấu và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; phát huy tiềm năng, nội lực, hiệu quả đầu tư kinh tế - xã hội; phù hợp với các chủ trương và định hướng quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Quá trình tổ chức lập hồ sơ Đề án sắp xếp, nhập các tỉnh Bến Tre, Trà Vinh, Vĩnh Long đảm bảo khách quan, dân chủ, công khai, minh bạch; trình tự, thủ tục đúng quy định của pháp luật; việc xác định tên gọi của đơn vị hành chính hình thành sau sắp xếp, lựa chọn vị trí đặt trung tâm hành chính - chính trị, các chế độ, chính sách đặc thù,... khi thực hiện sắp xếp ĐVHC đã được các địa phương, đơn vị tập trung tuyên truyền, triển khai sâu rộng, tạo sự đồng thuận, thống nhất cao trong cán bộ, đảng viên và Nhân dân trên địa bàn.
Ban Pháp chế kiến nghị UBND tỉnh:
Đối với Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh Vĩnh Long năm 2025, đề nghị chính quyền các cấp và các cơ quan có liên quan cần làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, giải thích và thực hiện đồng bộ các chính sách để cán bộ, công chức, viên chức và Nhân dân hiểu được chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước nhằm nâng cao nhận thức của người dân trong công tác sắp xếp, sáp nhập các ĐVHC cấp xã được thuận lợi, hiệu quả; tiếp tục làm tốt công tác tư tưởng đối với cán bộ, công chức nhất là người hoạt động không chuyên trách cấp xã nhận thức đúng chủ trương của Đảng, các quy định về chế độ chính sách Nhà nước để an tâm trong công tác và cuộc sống; Quan tâm chỉ đạo công tác giải quyết các thủ tục hành chính có liên quan đến người dân khi thực hiện điều chỉnh các giấy tờ, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân; bảo đảm các cơ quan, đơn vị, tổ chức trước, trong và sau sắp xếp hoạt động liên tục, thông suốt, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả, không để gián đoạn công việc, bỏ trống nhiệm vụ, địa bàn, lĩnh vực và ảnh hưởng đến các hoạt động bình thường của cơ quan, đơn vị, tổ chức và xã hội; Rà soát, bổ sung và điều chỉnh, xây dựng quy hoạch kinh tế - xã hội phù hợp với quy mô, tính chất của đơn vị hành chính mới để ổn định và phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng; có kế hoạch cụ thể để sắp xếp, khai thác, sử dụng có hiệu quả cơ sở vật chất; khẩn trương số hóa tài liệu, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin, chuyển đổi số để cải cách tổ chức hoạt động của cơ quan, đơn vị, làm tốt công tác quản lý, tổ chức các hoạt động, phục vụ tốt người dân trên địa bàn; chỉ đạo, hướng dẫn việc kiện toàn tổ chức bộ máy, bố trí, sắp xếp, điều động, luân chuyển, bố trí nơi lưu trú cho cán bộ, công chức cấp xã có nơi ở xa cơ quan đơn vị công tác sau sắp xếp, giải quyết chế độ, chính sách dôi dư đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, người hoạt động không chuyên trách trong các cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập tại các ĐVHC cấp xã hình thành sau sắp xếp; chỉ đạo cơ quan chuyên môn, khẩn trương xây dựng trình HĐND tỉnh ban hành chính sách hỗ trợ thêm của cán bộ, công chức, viên chức, người hoạt động không chuyên trách dôi dư, nghỉ việc theo hướng dẫn của Trung ương.
Đối với Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh chỉ đạo tiếp tục duy trì, củng cố các lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở nhằm đảm bảo ANCT, trật tự tại địa phương; tiến hành sắp xếp tổ chức bộ máy, đánh giá, phân loại, bố trí đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị, bảo đảm lựa chọn được nhưng người có phẩm chất, năng lực để đảm nhận những vị trí công việc tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị mới; tổ chức thực hiện việc chuyển đổi các loại giấy tờ của cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp do thay đổi địa giới và tên gọi của ĐVHC thực hiện sắp xếp; chỉ đạo cơ quan, tổ chức, đơn vị liên quan rà soát, lập hồ sơ trình cấp có thẩm quyền quyết định phân loại ĐVHC; tổ chức thực hiện việc lập mới, chỉnh lý, bổ sung hồ sơ, bản đồ địa giới ĐVHC các cấp sau sắp xếp; chỉ đạo cơ quan chuyên môn chuẩn bị tốt các điều kiện về trụ sở làm việc, phương tiện phục vụ công tác, nhà công vụ, cơ sở lưu trú cho cán bộ, công chức, viên chức người lao động ở xa về Trung tâm hành chính làm việc; nghiên cứu đề xuất ban hành chính sách hỗ trợ phương tiện di chuyển, điều kiện lưu trú khác cho cán bộ công chức, viên chức ở tại tỉnh Bến Tre, Trà Vinh hiện nay về công tác tại Trung tâm hành chính – chính trị của tỉnh Vĩnh Long sau khi sáp nhập; tăng cường kiểm tra việc phân công các ngành, các cấp thực hiện các nhiệm vụ về sắp xếp ĐVHC cấp tỉnh, cấp xã; thực hiện phương án sắp xếp, tổ chức bộ máy, bố trí đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và giải quyết chế độ chính sách đảm bảo đúng, đạt mục tiêu sắp xếp, sáp nhập ĐVHC./.
Thanh Sang