Tuy nhiên, những hộ mới thoát nghèo; một số hộ gia đình người có công với cách mạng có mức sống trung bình đời sống kinh tế chưa thật sự bền vững, tỷ lệ hộ mới thoát nghèo, hộ gia đình người có công với cách mạng có mức sống trung bình tiếp tục tham gia bảo hiểm y tế đạt thấp, nếu bị ốm đau, bệnh tật rất dễ dẫn đến tái nghèo.Qua rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo vào cuối năm 2023, toàn tỉnh có 253 hộ nghèo, 198 hộ cận nghèo và 38 gia đình người có công với cách mạng có mức sống trung bình không tiếp cận được nguồn nước hợp vệ sinh trong sinh hoạt sẽ dẫn đến các nguy cơ dịch bệnh, ảnh hưởng đến sức khỏe, đời sống của thành viên trong các hộ gia đình này.
Từ tình hình thực tế nêu trên, ngày 10 tháng 12 năm 2024, tại Kỳ họp thứ Chín, Hội đồng nhân dân tỉnh Vĩnh Long khóa X đã thông qua Nghị quyết số 18/2024/NQ-HĐND quy định chính sách hỗ trợ bảo hiểm y tế đối với hộ mới thoát nghèo, hộ gia đình người có công với cách mạng có mức sống trung bình; hỗ trợ tiếp cận nguồn nước sinh hoạt đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ gia đình người có công với cách mạng có mức sống trung bình trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long giai đoạn 2024 - 2025. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng cho quá trình thực hiện công tác giảm nghèo và thực hiện công tác chăm lo đối với người có công với cách mạng trên địa bàn tỉnh.

Để làm rõ hơn những nội dung của Nghị quyết này, ngày 14 tháng 4 năm 2025, Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh Vĩnh Long phối hợp với Báo và Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh Vĩnh Long đã tổ chức chương trình Tọa đàm “Người đại biểu dân cử” để trao đổi giữa Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh - Lê Thị Thúy Kiều và Phó Giám đốc Sở Nội vụ - Võ Văn Tám với khán giả tại phim trường về nội dung chính của Nghị quyết, những quyết định quan trọng của Hội đồng nhân dân tỉnh đến đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, xây dựng chính quyền ở địa phương:
Về đối tượng, “Hộ mới thoát nghèo” là hộ nghèo mới thoát nghèo trong vòng 12 tháng kể từ thời điểm hộ được công nhận thoát nghèo và vượt chuẩn cận nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022 - 2025. “Hộ có mức sống trung bình” là hộ gia đình làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp có mức sống trung bình theo chuẩn hộ có mức sống trung bình (nông thôn là 1,5 triệu - 2,25 triệu đồng/người/tháng; thành thị là 02 triệu - 3 triệu đồng/người/tháng). “Hộ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản về bảo hiểm y tế” là hộ gia đình có ít nhất một người từ đủ 6 tuổi trở lên không có bảo hiểm y tế. “Hộ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản về nguồn nước sinh hoạt” là hộ gia đình không tiếp cận được nguồn nước sạch trong sinh hoạt, gồm: nước máy, giếng khoan, giếng đào được bảo vệ và nước mua, nước đóng chai, bình.
Về chính sách hỗ trợ: Đối với chính sách hỗ trợ bảo hiểm y tế, các đối tượng được hỗ trợ như sau:
Ngoài mức hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế từ ngân sách Trung ương theo quy định, địa phương hỗ trợ mức đóng bảo hiểm y tế như sau:
a) Hỗ trợ 100% mức đóng bảo hiểm y tế trong 01 (một) năm đối với hộ mới thoát nghèo thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản nhưng không thuộc hộ có mức sống trung bình.
b) Hỗ trợ 70% mức đóng bảo hiểm y tế trong 01 (một) năm đối với hộ mới thoát nghèo thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản nhưng thuộc hộ có mức sống trung bình.
c) Hỗ trợ 70% mức đóng bảo hiểm y tế đối với hộ người có công với cách mạng) và hộ có người thuộc các đối tượng có tham gia kháng chiến.
Đối với hỗ trợ tiếp cận nước sinh hoạt sẽ hỗ trợ 01 (một) lần kinh phí mua sắm thiết bị, dụng cụ tiếp cận nguồn nước sinh hoạt đối với đối tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ người có công có mức sống trung bình, mức hỗ trợ cụ thể:
a) Hỗ trợ tối đa 80% kinh phí mua sắm thiết bị, dụng cụ tiếp cận nguồn nước sinh hoạt nhưng không quá 1.500.000 đồng/hộ đối với hộ có tổng kinh phí thực hiện mua sắm thiết bị, dụng cụ tiếp cận nguồn nước sinh hoạt dưới 2.000.000 đồng.
b) Hỗ trợ tối đa 80% kinh phí mua sắm thiết bị, dụng cụ tiếp cận nguồn nước sinh hoạt nhưng không quá 2.000.000 đồng/hộ đối với hộ có tổng kinh phí thực hiện mua sắm thiết bị, dụng cụ tiếp cận nguồn nước sinh hoạt từ 2.000.000 đồng trở lên.
Có câu hỏi đặt ra là làm thế nào để việc thực hiện những chính sách trong Nghị quyết 18/2024/NQ-HDND của Hội đồng Nhân dân không chồng chéo với những chế độ chính sách ưu đãi khác đối với người có công với cách mạng? Về vấn đề này, đã được đại biểu HĐND tỉnh đặt ra trong phiên thảo luận tại kỳ họp thứ 9 HĐND tỉnh và được cơ quan chuyên môn khẳng định chính sách này không chồng chéo với các chính sách hiện có trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, trong quá trình xây dựng chính sách này Thường trực HĐND tỉnh rất quan tâm đến vấn đề chồng chéo chính sách, luôn trao đổi, thông tin với UBND tỉnh từ khâu cho chủ trương xây dựng nghị quyết đến quá trình soạn thảo, rồi thẩm tra của Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh đều đặt vấn đề nguồn lực thực hiện nghị quyết và sự trùng lắp chính sách, từ đó ngành chuyên môn luôn rà soát các chính sách hiện có và báo cáo với Thường trực HĐND kết quả rà soát các chính sách hiện có là không trùng chính sách, từ đó khi trình ra HĐND tỉnh vấn đề được giải trình một cách rõ ràng nên khi thông qua nghị quyết đạt tỷ lệ rất cao.
Ở đây, cần phát huy tốt vai trò của UBND cấp xã, ngành chuyên môn cấp tỉnh trong rà soát, quản lý đối tượng thụ hưởng chính sách, luôn cập nhật các chính sách mới, đối tượng mới để kịp thời hỗ trợ hoặc điều chỉnh đối tượng thụ hưởng kịp thời, có như vậy theo tôi sẽ không thể xảy ra chồng chéo hoặc trùng chính sách.
Cũng như các chính sách hiện nay của Đảng và Nhà nước ta thì phải đảm bảo một số nguyên tắc cơ bản như: đúng người, đúng đối tượng; tuân thủ nghiêm trình tự, thủ tục theo quy định. Riêng chính sách này, ngoài những nguyên tắc cơ bản thì cần đảm bảo 03 nguyên tắc sau:
1. Người thuộc nhiều đối tượng tham gia bảo hiểm y tế thì chỉ lập danh sách đối tượng hưởng mức bảo hiểm y tế cao nhất.
2. Việc lập danh sách đối tượng tham gia bảo hiểm y tế phải căn cứ vào giấy tờ, hồ sơ đã được cơ quan có thẩm quyền cấp.
3. Danh sách đối tượng tham gia bảo hiểm y tế phải tuân theo mẫu ban hành kèm theo Nghị định số 146/2018/NĐ-CP ngày 17 tháng 10 năm 2018 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm y tế.
Nghị quyết 18/2024/NQ-HDND được tiếp tục tổ chức triển khai thực hiện đến cuối năm 2025 là kết thúc, trong thời gian tới để bảo đảm thực hiện đầy đủ, đúng đối tượng, kịp thời, hiệu quả, thiết nghĩ các ngành, các cấp cần quan tâm sâu sát một số vấn đề sau:
Đầu tiên là phải phát huy tốt vai trò của UBND cấp xã trong việc rà soát đối tượng thật kỹ, không để sót đối tượng và chủ động thông tin đến đối tượng để họ nắm và thực hiện các quy trình theo quy định.
Thứ hai, là vai trò tuyên truyền của cơ quan chuyên môn, các đoàn thể trong việc thông tin đến người dân những chủ trương, chính sách để người dân nắm. Trong đó, tôi cũng đề nghị UBND các xã, phường, thị trấn tích cực tuyên truyền trên hệ thống loa không dây của địa phương về chính sách này để người dân nắm.
Thứ ba, là vai trò của cơ quan chuyên môn trong việc hướng dẫn, tập huấn về trình tự, thủ tục cũng rất quan trọng trong thực hiện chính sách, do đó đề nghị các cơ quan liên quan như Sở Nội vụ, Sở Nông nghiệp và Môi trường, Sở Tôn giáo và Dân tộc cần phối hợp mở các lớp tập huấn cho cán bộ cấp xã vì chính sách này có nhiều nội dung khác nhau, đối tượng rất rộng, nhất là đối tượng người có công.
Thứ tư là quan tâm nhiều đến công tác giám sát việc tổ chức thực hiện nghị quyết này thông qua việc theo dõi, xem xét báo cáo hàng năm của cơ quan chuyên môn và nhất là lắng nghe phản ánh của cử tri thông qua các đợt khảo sát, giám sát của Thường trực, các Ban và Tổ đại biểu HĐND tỉnh, các đợt tiếp xúc cử tri và nhất là qua sự phản ánh của cơ quan báo chí địa phương.
Để chính sách thật sự phát huy hiệu quả cao nhất, ngoài sự chủ động, linh hoạt, sáng tạo trong tổ chức thực hiện của cơ quan chuyên môn còn có sự chung tay của cử tri trong tỉnh, các cơ quan báo chí trong việc phản ánh những tồn tại, khó khăn, vướng mắc trong thực thi chính sách để chính quyền các cấp kịp thời điều chỉnh trong thẩm quyền của mình hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền giải quyết những khó khăn, vướng mắc để chính sách đến với người dân một cách nhanh chóng, hiệu quả, đúng pháp luật, không để ai phải bỏ lại phía sau./.
Thanh Tùng