Liên quan đến nội dung Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm về một số cơ chế đặc thù phát triển nhà ở xã hội, đại biểu Quốc hội chuyên trách Trịnh Minh Bình bày tỏ sự ủng hộ và thống nhất rất cao đối với dự thảo Nghị quyết, mục tiêu cốt lõi của chính sách nhà ở xã hội là nhằm hỗ trợ cho các đối tượng thực sự khó khăn về chỗ ở, đặc biệt là người có thu nhập thấp, cán bộ, công chức, viên chức chưa có nhà ở ổn định. Do đó, việc xác định đúng đối tượng thụ hưởng chính sách là vấn đề có ý nghĩa then chốt trong thiết kế thể chế.
Tuy nhiên, theo đại biểu việc quy định khoảng cách trên 30km mới được mua, thuê mua nhà ở xã hội còn bộc lộ một số hạn chế như sau: Thứ nhất, khoảng cách địa lý không phản ánh chính xác hoàn cảnh khó khăn về nhà ở. Nếu chỉ căn cứ vào khoảng cách như trên để loại họ khỏi diện được mua nhà ở xã hội thì sẽ dẫn đến thiếu công bằng, bỏ sót người thực sự cần hỗ trợ về nhà ở. Thứ hai, quy định này dễ tạo ra sự bất bình đẳng giữa người nghèo ở khu vực nội thành và người ở ngoại thành hoặc nông thôn. Thứ ba, quy định này cũng dễ bị lợi dụng, một số người có điều kiện có thể đăng ký tạm trú, khai báo địa chỉ cư trú ở xa không đúng thực tế để hợp thức hóa điều kiện, dẫn đến tình trạng trục lợi chính sách, gây khó khăn cho công tác kiểm tra, giám sát. Thứ tư, với tình trạng đô thị hóa nhanh, khoảng cách 30 km tại nhiều địa phương không còn là yếu tố thể hiện khó khăn di chuyển hay bất lợi về nhà ở. Điều quan trọng hơn cần đánh giá là mức thu nhập, tình trạng nhà ở hiện tại, quy mô hộ gia đình và mức độ ổn định nơi cư trú.
Từ những phân tích trên, đại biểu Quốc hội Trịnh Minh Bình đề nghị cơ quan soạn thảo cần rà soát, nghiên cứu lại một số nội dung: Thứ nhất, bỏ quy định cứng về khoảng cách trên 30 km mới được mua, thuê mua nhà ở xã hội, thay vào đó là thiết lập hệ thống tiêu chí đánh giá đa chiều, bảo đảm bao quát được hoàn cảnh thực tế của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động. Thứ hai, xây dựng cơ chế xác minh linh hoạt, gắn với dữ liệu cư trú, thu nhập và điều kiện sống nhằm đảm bảo chính sách đến đúng người, đúng mục tiêu. Thứ ba, giao quyền cho địa phương xem xét, đánh giá cụ thể từng trường hợp trên cơ sở điều kiện dân cư, giao thông và nhu cầu thực tế tại từng địa bàn. Thứ tư, việc hoàn thiện thể chế không chỉ là sửa đổi quy định mà là điều chỉnh tư duy chính sách để bảo đảm tính thực tiễn, hiệu quả và nhân văn.
Đối với Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về giảm thuế giá trị gia tăng (GTGT), đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Quyên Thanh cho rằng: Chính phủ đề xuất mở rộng đối tượng được áp dụng và kéo dài thời gian thực hiện chính sách giảm 2% thuế suất thuế GTGT nhằm thể chế hóa mục tiêu về phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 với mục tiêu tăng trưởng đạt 8% trở lên, góp phần tạo nền tảng vững chắc để đạt tốc độ tăng trưởng hai con số trong giai đoạn 2026-2030. Trong bối cảnh nền kinh tế trong nước đang phải đối diện với nhiều khó khăn, thách thức; kinh tế thế giới có nhiều biến động bất ổn không thể lường trước, việc tiếp tục ban hành chính sách này có thể xem là một biện pháp hướng vào tiêu dùng nội địa nhằm thúc đẩy tăng trưởng, góp phần đạt được mục tiêu tăng trưởng 8% đã đề ra. Song việc giảm thuế GTGT sẽ góp phần giảm giá thành hàng hóa, dịch vụ, từ đó thúc đẩy sản xuất kinh doanh và tạo thêm công ăn việc làm cho người lao động, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô và tăng trưởng kinh tế trong 6 tháng cuối năm 2025 và cả năm 2026.
Giải pháp giảm thuế GTGT cùng với các giải pháp hỗ trợ về thuế, phí, lệ phí khác đang tạo điều kiện rất lớn giúp doanh nghiệp giảm được chi phí sản xuất, tăng lợi nhuận, tăng khả năng kích cầu. Trong hai tháng đầu năm 2025, số thuế GTGT được giảm theo chính sách ước tính khoảng 8,3 nghìn tỷ đồng. Nhờ đó, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 1.137,5 nghìn tỷ đồng, tăng 9,4% so với cùng kỳ năm trước. Bên cạnh đó, cán cân thương mại hàng hóa tiếp tục duy trì trạng thái xuất siêu với giá trị ước đạt 1,47 tỷ USD, về tác động đến thu ngân sách nhà nước, báo cáo của Chính phủ cho biết, dự kiến số giảm thu ngân sách Nhà nước trong 6 tháng cuối năm 2025 và cả năm 2026 khoảng 121,74 nghìn tỷ đồng (trong đó: 6 tháng cuối năm 2025 giảm khoảng 39,54 nghìn tỷ đồng, năm 2026 giảm khoảng 82,2 nghìn tỷ đồng). Đồng thời, cần đánh giá kỹ hơn về tác động đối với nguồn thu ngân sách nhà nước, bảo đảm việc thực hiện chính sách giảm thuế gắn với mục tiêu ổn định tài khóa trung hạn và an toàn nợ công, bảo đảm nhất quán với các chính sách thuế khác như thuế bảo vệ môi trường, thuế tiêu thụ đặc biệt.
Từ những kết quả đó, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Quyên Thanh đề xuất một số nội dung như sau: Thứ nhất, công tác thu ngân sách nhà nước được thực hiện quyết liệt với việc tăng cường quản lý, thanh tra, kiểm tra và cải cách thủ tục hành chính. Chính phủ cũng đẩy mạnh chuyển đổi số trong quản lý thuế, đặc biệt trong các lĩnh vực trọng điểm như thu từ đất đai, chuyển nhượng bất động sản, thương mại điện tử và kinh doanh trên nền tảng số. Thứ hai, ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) và cơ sở dữ liệu lớn (Big Data) để hỗ trợ người nộp thuế, quản lý nợ thuế và phân loại hồ sơ hoàn thuế; tăng cường việc mở rộng triển khai hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền trong các ngành dịch vụ như ăn uống, nhà hàng, khách sạn theo chuỗi, kinh doanh xăng dầu, kinh doanh vàng cũng được chú trọng nhằm tăng cường thu nộp ngân sách.
Song song đó, Chính phủ tiếp tục thực hiện điều hành chi ngân sách một cách chặt chẽ, tăng cường tiết kiệm và sử dụng hiệu quả các nguồn lực. Các khoản dự phòng, dự trữ và nguồn lực hợp pháp khác được huy động để chi cho công tác phòng, chống thiên tai, dịch bệnh cũng như các nhiệm vụ cấp bách phát sinh, đảm bảo cân đối ngân sách ở tất cả các cấp; kinh phí thực hiện Nghị quyết 196/QH vừa được thông qua; kinh phí thực hiện di dời trụ sở mới, sửa chữa trụ sở, hệ thống hạ tầng thông tin cho các Bộ, cơ quan trung ương, địa phương sau sáp nhập… (đang rà soát, tổng hợp nhu cầu của các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương)./.
Quỳnh Như