Liên quan đến nội dung Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm về một số cơ chế đặc thù phát triển nhà ở xã hội, đại biểu Quốc hội chuyên trách Trịnh Minh Bình bày tỏ sự ủng hộ và thống nhất rất cao đối với dự thảo Nghị quyết, mục tiêu cốt lõi của chính sách nhà ở xã hội là nhằm hỗ trợ cho các đối tượng thực sự khó khăn về chỗ ở, đặc biệt là người có thu nhập thấp, cán bộ, công chức, viên chức chưa có nhà ở ổn định. Do đó, việc xác định đúng đối tượng thụ hưởng chính sách là vấn đề có ý nghĩa then chốt trong thiết kế thể chế. Tuy nhiên, theo đại biểu việc quy định khoảng cách trên 30 km mới được mua, thuê mua nhà ở xã hội còn bộc lộ một số hạn chế như sau:
Thứ nhất, khoảng cách địa lý không phản ánh chính xác hoàn cảnh khó khăn về nhà ở. Nếu chỉ căn cứ vào khoảng cách như trên để loại họ khỏi diện được mua nhà ở xã hội thì sẽ dẫn đến thiếu công bằng, bỏ sót người thực sự cần hỗ trợ về nhà ở.
Thứ hai, quy định này dễ tạo ra sự bất bình đẳng giữa người nghèo ở khu vực nội thành và người ở ngoại thành hoặc nông thôn.
Thứ ba, quy định này cũng dễ bị lợi dụng, một số người có điều kiện có thể đăng ký tạm trú, khai báo địa chỉ cư trú ở xa không đúng thực tế để hợp thức hóa điều kiện, dẫn đến tình trạng trục lợi chính sách, gây khó khăn cho công tác kiểm tra, giám sát.
Thứ tư, với tình trạng đô thị hóa nhanh, khoảng cách 30 km tại nhiều địa phương không còn là yếu tố thể hiện khó khăn di chuyển hay bất lợi về nhà ở. Điều quan trọng hơn cần đánh giá là mức thu nhập, tình trạng nhà ở hiện tại, quy mô hộ gia đình và mức độ ổn định nơi cư trú. Từ những phân tích trên, đại biểu Quốc hội Trịnh Minh Bình đề nghị cơ quan soạn thảo cần rà soát, nghiên cứu lại một số nội dung: (1) Bỏ quy định cứng về khoảng cách trên 30 km mới được mua, thuê mua nhà ở xã hội, thay vào đó là thiết lập hệ thống tiêu chí đánh giá đa chiều, bảo đảm bao quát được hoàn cảnh thực tế của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động. (2) Xây dựng cơ chế xác minh linh hoạt, gắn với dữ liệu cư trú, thu nhập và điều kiện sống nhằm đảm bảo chính sách đến đúng người, đúng mục tiêu. (3) Giao quyền cho địa phương xem xét, đánh giá cụ thể từng trường hợp trên cơ sở điều kiện dân cư, giao thông và nhu cầu thực tế tại từng địa bàn. (4) Việc hoàn thiện thể chế không chỉ là sửa đổi quy định mà là điều chỉnh tư duy chính sách để bảo đảm tính thực tiễn, hiệu quả và nhân văn./.
Quỳnh Như