
Theo đại biểu Nguyễn Thị Minh Trang, thời gian qua dù kinh tế thế giới còn nhiều biến động nhưng Việt Nam vẫn đạt được nhiều kết quả tích cực: Tăng trưởng GDP năm 2024 đạt 7,09% và quý I/2025 đạt 6,93% là tín hiệu rất tích cực trong bối cảnh kinh tế toàn cầu còn nhiều biến động, nhu cầu thị trường quốc tế chưa phục hồi hoàn toàn, chi phí đầu vào vẫn cao và cạnh tranh khu vực ngày càng gay gắt. Điều này cho thấy kinh tế Việt Nam đã và đang thích ứng tốt hơn, dần lấy lại nhịp độ tăng trưởng. Việc kiểm soát lạm phát ở mức 3,63%, giữ ổn định tỷ giá và lãi suất là một thành tựu đáng ghi nhận trong điều hành chính sách tài khóa và tiền tệ. Đây là tiền đề rất quan trọng để tạo niềm tin cho doanh nghiệp đầu tư, sản xuất kinh doanh, đồng thời đảm bảo ổn định vĩ mô một nền tảng không thể thiếu cho tăng trưởng bền vững. Đặc biệt, tổng kim ngạch xuất khẩu tăng 15% trong quý I/2025, cùng với thặng dư thương mại duy trì vững chắc, cho thấy năng lực cạnh tranh hàng hóa Việt Nam đang cải thiện. Điều này cũng phản ánh hiệu quả bước đầu của các chính sách xúc tiến thương mại, khai thác thị trường mới, đồng thời chứng minh năng lực thích ứng nhanh của doanh nghiệp Việt với các tiêu chuẩn quốc tế ngày càng cao.
Về đầu tư công, tỷ lệ giải ngân năm 2024 cũng đạt con số ấn tượng so với các năm gần đây là 91,4% kế hoạch cho thấy những chuyển động tích cực trong khâu tổ chức thực hiện, tháo gỡ vướng mắc thể chế và tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong điều hành. Các công trình hạ tầng giao thông, đặc biệt là các tuyến cao tốc liên vùng, sân bay, vành đai đô thị… chính là động lực lan tỏa tăng trưởng, thúc đẩy liên kết vùng, giải phóng tiềm năng phát triển. Lĩnh vực xã hội, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn khoảng 1,93% và tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đạt 94,2% cho thấy an sinh xã hội được đảm bảo, chính sách hỗ trợ người yếu thế tiếp tục phát huy hiệu quả. Giáo dục phổ thông giữ vững thành tích quốc tế là minh chứng cho đầu tư đúng hướng, hiệu quả, đồng thời là nền tảng quan trọng để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tăng năng suất lao động trong trung và dài hạn. Tất cả những thành tựu trên là kết quả của sự lãnh đạo quyết liệt của Đảng, sự chỉ đạo điều hành linh hoạt của Chính phủ, nỗ lực của các cấp, các ngành, cùng với tinh thần vượt khó, sáng tạo của cộng đồng doanh nghiệp và toàn thể nhân dân. Đây chính là niềm tin, là nền tảng để chúng ta bước tiếp với khát vọng phát triển mạnh mẽ hơn trong thời gian tới.
Bên cạnh những kết quả tích cực, nền kinh tế - xã hội vẫn đối mặt với nhiều thách thức lớn, đó là: (1) Tăng trưởng kinh tế vẫn chưa đạt kỳ vọng. Hiện tăng trưởng vẫn chủ yếu dựa vào khu vực FDI và đầu tư công, trong khi khu vực tư nhân trong nước động lực then chốt của phát triển dài hạn chưa phục hồi rõ nét. Sức cầu nội địa vẫn chưa đủ mạnh, tiếp cận tín dụng vẫn còn khó khăn. Dư địa chính sách tài khóa và tiền tệ đã thu hẹp, bối cảnh quốc tế bất định, áp lực từ xung đột địa chính trị, lãi suất toàn cầu cao và nhu cầu tiêu dùng giảm, điều đó cho thấy không thể dựa vào các biện pháp mở rộng như trước mà phải tái cơ cấu chi tiêu, tập trung đúng trọng tâm, trọng điểm. (2) Khu vực doanh nghiệp đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa phục hồi chậm và thiếu sức bật. Số lượng doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường năm 2024 vẫn ở mức cao, 198.000 doanh nghiệp, phản ánh rõ khó khăn về vốn, mặt bằng sản xuất và năng lực cạnh tranh. Nếu không có giải pháp mạnh mẽ về tín dụng, cải cách thủ tục và hỗ trợ thị trường, lực lượng doanh nghiệp sẽ khó đóng vai trò là động lực trung tâm của tăng trưởng. (3) Giải ngân đầu tư công tuy cải thiện về tổng thể nhưng vẫn thiếu đồng bộ. Một số bộ, ngành và địa phương vẫn chậm trong triển khai, do vướng mắc về thủ tục hành chính, giải phóng mặt bằng và phân bổ vốn. Sự thiếu nhịp nhàng này làm giảm hiệu lực lan tỏa của đầu tư công, ảnh hưởng trực tiếp đến tốc độ phục hồi và nâng cấp hạ tầng chiến lược. (4) Lĩnh vực xã hội tiếp tục bộc lộ nhiều vấn đề cần đặc biệt quan tâm. Ở khu công nghiệp, tình trạng mất cân đối cung cầu trường mầm non công lập đang ảnh hưởng lớn đến phúc lợi người lao động. Ở y tế, thiếu bác sĩ chuyên khoa, thiết bị tại cơ sở, trong khi tuyến cuối vẫn quá tải. Ở giáo dục và phúc lợi, khoảng cách về thu nhập, trình độ học vấn và tiếp cận dịch vụ công giữa các vùng miền còn lớn, tạo ra sự bất bình đẳng trong cơ hội phát triển.

Từ những hạn chế và thách thức nêu trên, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Minh Trang đề xuất một số nhóm giải pháp trọng tâm như sau:
Thứ nhất, Đột phá thể chế, gỡ bỏ rào cản đầu tư và sản xuất: Ưu tiên cải cách thủ tục hành chính liên quan đến đầu tư công, tư nhân - đặc biệt là thủ tục về đất đai, môi trường, đấu thầu. Sớm ban hành cơ chế đặc thù, vượt trội cho các vùng kinh tế động lực như Đông Nam Bộ, Đồng bằng sông Cửu Long, Trung du và miền núi phía Bắc nơi có tiềm năng lớn nhưng còn nhiều vướng mắc thể chế.
Thứ hai, Kích cầu tiêu dùng, mở rộng thị trường trong và ngoài nước: Tiếp tục áp dụng thuế VAT 8% cho toàn bộ hàng hóa, dịch vụ đến hết năm 2025. Đẩy mạnh xúc tiến thương mại, xuất khẩu chính ngạch nông sản sang Trung Quốc, EU. Đồng thời, thúc đẩy phát triển mạnh mẽ kinh tế biển, đầu tư mạnh vào hạ tầng logistics, cảng biển, cửa khẩu để giảm chi phí và nâng cao năng lực cạnh tranh hàng hóa Việt Nam.
Thứ ba, Phát triển doanh nghiệp nội địa, khai thông nguồn lực xã hội: Có chính sách tín dụng ưu đãi riêng cho doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ và hộ kinh doanh chuyển đổi. Triển khai gói bảo lãnh tín dụng, ưu đãi thuế cho doanh nghiệp đổi mới công nghệ, chuyển đổi số. Khuyến khích mô hình kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế ban đêm, tạo thêm động lực tăng trưởng mới cho nền kinh tế.
Thứ tư, Đẩy nhanh giải ngân đầu tư công, tập trung đúng trọng điểm: Tập trung vốn cho các dự án hạ tầng chiến lược mang tính liên vùng, liên tỉnh, nhất là hạ tầng giao thông các vùng miền còn yếu như khu vực ĐBSCL. Phân cấp mạnh hơn cho địa phương trong thực hiện và giám sát dự án, gắn trách nhiệm người đứng đầu với kết quả giải ngân. Ứng dụng công nghệ số để quản lý tiến độ theo thời gian thực, nâng cao tính minh bạch và hiệu quả đầu tư.
Thứ năm, Nâng cao chất lượng đảm bảo an sinh xã hội, phát triển toàn diện nguồn nhân lực: Mở rộng chính sách miễn học phí cho học sinh phổ thông, đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa; tăng đầu tư cho mầm non tại khu công nghiệp. Nâng chất lượng y tế cơ sở, có cơ chế ưu đãi để thu hút bác sĩ về tuyến huyện. Đồng thời, chú trọng đào tạo kỹ năng số, ngoại ngữ và tay nghề cho thanh niên, gắn đào tạo nghề với nhu cầu thực tế của doanh nghiệp.
Kết thúc bài phát biểu, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Minh Trang khẳng định: “Tăng trưởng hai con số là mục tiêu chiến lược đầy thách thức nhưng hoàn toàn khả thi nếu chúng ta có quyết tâm chính trị cao, đổi mới tư duy quản trị và hành động quyết liệt, linh hoạt, hiệu quả vì một Việt Nam phát triển nhanh, bền vững và hùng cường”./.
Quỳnh Như