Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thanh Phong cho biết năm 2024 công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí tiếp tục ghi nhận nhiều chuyển biến tích cực, góp phần quan trọng vào việc ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát và bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Theo đánh giá, hoạt động này đã hỗ trợ tích cực cho việc đảm bảo an sinh xã hội, tạo niềm tin cho người dân vào hoạt động quản lý nhà nước, đồng thời góp phần xây dựng bộ máy hành chính hiệu quả, tiết kiệm. Đặc biệt, việc thu hồi tài sản, đất đai sử dụng sai mục đích cũng được đẩy mạnh, tránh thất thoát nguồn lực quốc gia. Đáng chú ý, việc áp dụng đấu thầu qua mạng đã giúp tiết kiệm chi phí từ 10–15% so với trước đây. Công tác giáo dục, truyền thông cũng được chú trọng đã góp phần nâng cao nhận thức của toàn xã hội về thực hành tiết kiệm.

Bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn tồn tại một số hạn chế: (1) Công tác dự báo thu ngân sách chưa sát thực tế, nhiều dự án chậm triển khai, đặc biệt là các dự án giao thông trọng điểm tại một số địa phương có tỷ lệ giải ngân dưới 50%. (2) Một số nơi vẫn để xảy ra tình trạng mua sắm công vượt định mức, sử dụng ngân sách sai mục đích, đầu tư hạ tầng thiếu đồng bộ, lặp lại hoặc không phù hợp quy hoạch. Để khắc phục những hạn chế đó, Chính phủ đã đưa ra nhiều giải pháp quyết liệt như siết chặt kỷ luật tài chính ngân sách, rà soát và loại bỏ các dự án kém hiệu quả, tái sử dụng hoặc chuyển nhượng tài sản công chưa khai thác hiệu quả, đồng thời tăng thu hồi sau thanh tra, kiểm toán.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thanh Phong đã đề xuất một kiến nghị nhằm hoàn thiện công tác này trong thời gian tới: Thứ nhất, sửa đổi Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí để nâng cao hiệu lực xử lý vi phạm; Thứ hai, gắn trách nhiệm người đứng đầu với hiệu quả tiết kiệm, chống lãng phí; Thứ ba, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong giám sát tài chính ngân sách; tăng cường thanh tra, kiểm toán và công khai kết quả xử lý; Thứ tư, hoàn thiện hệ thống pháp luật về quản lý tài chính và tài sản công./.
Quỳnh Như