Vĩnh Long là một tỉnh nằm ở trung tâm vùng đồng bằng sông Cửu Long, mang vị trí địa - chính trị và địa - kinh tế quan trọng khi là cầu nối giữa các tỉnh phía bắc và phía nam Tây Nam Bộ, đồng thời nằm trên trục giao thông thủy huyết mạch của sông Mekong.
Nơi đây được biết đến với vẻ đẹp thanh bình của miền sông nước, những cù lao trù phú và truyền thống văn hóa đậm chất Nam Bộ, là vùng đất ghi dấu nhiều sự kiện lịch sử quan trọng trong cuộc đấu tranh giành độc lập của dân tộc.

Vị trí địa lý
Tỉnh Vĩnh Long là một tỉnh thuộc trung tâm đồng bằng sông Cửu Long nằm giữa 2 con sông Tiền và sông Hậu, có đường Quốc lộ 1A, QL53, QL54 chạy qua; phía Bắc và Đông Bắc giáp các tỉnh Tiền Giang và Bến Tre; Phía Tây Bắc Đông giáp tỉnh Đồng Tháp; Phía Đông Nam giáp với tỉnh Trà Vinh; Phía Tây Nam giáp các tỉnh Hậu Giang, Sóc Trăng và Thành phố Cần Thơ.
Trung tâm của tỉnh (thành phố Vĩnh Long) cách Thành phố Hồ Chí Minh 136km, theo Quốc lộ 1A về phía Bắc; cách thành phố Cần Thơ 35km theo Quốc lộ 1A về phía Nam.
Vĩnh Long được ví như "trái tim" của vùng Đồng bằng sông Cửu Long, nằm giữa hai con sông lớn là sông Tiền và sông Hậu, hai nhánh chính của sông Mekong hùng vĩ.
Tên gọi Vĩnh Long
Tên “Vĩnh Long” bắt nguồn từ thời nhà Nguyễn, mang ý nghĩa “mãi mãi thịnh vượng.”
Theo các tài liệu lịch sử, vào thế kỷ 18, khi vùng đất Nam Kỳ được khai phá, Vĩnh Long là nơi có cảnh quan sông nước trù phú, đất đai phì nhiêu, được kỳ vọng sẽ phát triển bền vững và lâu dài. “Vĩnh” nghĩa là mãi mãi, “Long” nghĩa là thịnh vượng.
Khi đơn vị hành chính cấp tỉnh được thành lập, “Vĩnh Long” được chọn làm tên gọi, thể hiện vai trò trung tâm của vùng đất này trong lịch sử Nam Bộ.

Địa giới Vĩnh Long qua các thời kỳ lịch sử
Qua các nguồn tư liệu, hiện vật còn lưu lại, trong đó có các di tích ở địa phận Vĩnh Long như di tích ao hồ (xã Vĩnh Xuân-Trà Ôn) di tích thành cổ (xã Trung Hiệp và Trung Hiếu huyện Vũng Liêm) là bằng chứng về một nền văn hóa cổ đã từng hưng thịnh trên miền đất này vào những thế kỷ đầu công nguyên.
Nhưng sau đó, địa bàn này chìm ngập trong nước sau lần "biển tiến" vào đầu thế kỷ thứ VII, cả vùng đất này bị hoang vu. Sau nhiều thế kỷ, nhiều lưu dân, thuộc nhiều tộc người đến khai phá, nhất là từ thế kỷ XVII, ba tộc người là Việt, Khơme và Hoa đến khai phá sinh cơ lập nghiệp.
Để chuẩn bị cho việc thiết lập bộ máy tổ chức hành chính, Chúa Nguyễn lập phủ Gia Định, dựng Dinh Trấn Biên và Dinh Phiên Trấn năm 1698 và giao cho Thống suất Nguyễn Hữu Cảnh tổ chức thực hiện.
Năm Nhâm Tý 1732, Chúa Nguyễn Phúc Trú thiết lập phía nam Dinh Trấn Biên, Dinh Phiên Trấn đơn vị hành chính mới là Long Hồ Dinh, Châu Định Viễn. Lỵ sở Long Hồ đóng ở thôn An Bình Đông, huyện Kiến Đăng, thường gọi là Cái Bè (Mỹ Tho). Năm 1757, chuyển về phía Nam sông Tiền thuộc xứ Tầm Bào, thôn Long Hồ (tức địa phận thành phố Vĩnh Long ngày nay). Địa giới Dinh Long Hồ gồm cả dãy đồng bằng sông Tiền và sông Hậu, gồm cả tỉnh Bến Tre, Trà Vinh, An Giang ngày nay.
Sau năm 1749, Dinh Long Hồ được mở rộng thêm, nhập vùng đất Long Xuyên, Kiên Giang, Trấn Di (Minh Hải), Trấn Giang (Cần Thơ), cả một vùng rộng lớn từ biển Đông đến giáp Campuchia, vị trí Dinh Long Hồ là trung tâm của châu thổ sông Cửu Long.
Lê Quí Đôn đã ghi: “Châu Định Viễn dân hơn 7.000 đinh, ruộng hơn 7.000 thửa, thuế mỗi hạng nhất 4 hộc, hạng nhì 3 hộc, Châu Định Viễn ruộng không cày, phác cỏ rồi cấy, một học thóc gặt được 300 hộc.”
Năm 1779, Nguyễn Phúc Ánh quyết định đổi dinh Long Hồ thành dinh Hoằng Trấn. Dinh Hoằng Trấn có một châu là Châu Dịnh Viễn và ba tổng Bình An, Bình Dương và Tân An để tiện việc quản lý về an ninh trật tự, lỵ sở Hoằng Trấn dời về Bà Lúa ở Cù Lao Tân Dinh (còn gọi là Bãi Hoằng Trấn ) nay thuộc ấp Tân Dinh, xã An Phú Tân (Cầu Kè-Trà Vinh).
Năm 1780, đổi Dinh Hoằng Trấn thành Vĩnh Trấn. Phạm vi Vĩnh Trấn hẹp hơn Dinh Long Hồ (vì cắt một phần đất Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cần Thơ để lập Trấn Định ) và dời lỵ sở Vĩnh Trấn về nơi cũ Tầm Bào (tức thành phố Vĩnh Long ngày nay).
Năm 1802, vua Gia Long đổi Phủ Gia Định thành Trấn Gia Định, rồi Thành Gia Định (1806), Hoằng Trấn đổi thành Trấn Vĩnh Thanh là một trong 5 trấn thuộc Thành Gia Định (Phiên An, Biên Hòa, Vĩnh Thanh, Dịnh Tường, Hà Tiên). Trấn Vĩnh Thanh lúc này có số dân 37.000 người, đất nông nghiệp 139.932 mẫu.
Ngày 22/2/1813, Triều vua Gia Long thứ 12 cho tiến hành xây dựng thành từ công thự tại thôn Bình An và Trường Xuân thuộc làng Long Hồ, gọi là Thành Long Hồ (nay phường 1, thành phố Vĩnh Long). Trấn Vĩnh Thanh phía Đông giáp huyện Kiến Hòa (Định Tường), phía Tây giáp Campuchia, phía Nam giáp Kiên Giang, Long Xuyên (sông Hậu), Đông Nam giáp Biển Đông, phía Bắc giáp Mỹ Tho. Đông sang Tây 200 dặm, Nam Bắc 350 dặm gồm 1 phủ, 4 huyện, 6 tổng 356 làng.
Năm 1832, vua Minh Mạng thiết lập đơn vị hành chính đổi trấn thành tỉnh, Nam Bộ có 6 tỉnh (gọi Nam Kỳ lục tỉnh), trấn Vĩnh Thanh thành tỉnh Vĩnh Long. Tổ chức hành chính năm 1837 tỉnh Vĩnh Long có 4 phủ, 8 huyện, 47 tổng 408 xã.
Năm 1840, Côn Đảo sát nhập vào tỉnh Vĩnh Long và từ đây tỉnh Vĩnh Long ổn định vị trí cho đến khi Pháp xâm chiếm.
Năm 1875, Pháp tách tỉnh Vĩnh Long lập tỉnh Trà Vinh; năm 1899, tiếp tục tách lập tỉnh Bến Tre.
Theo Nghị định ngày 20/12/1899 của Toàn quyền Đông Dương Paul Doumer, tỉnh Vĩnh Long là 1 trong 21 tỉnh Nam Kỳ. Toàn tỉnh có 13 tổng, 105 làng tương đương địa giới các huyện Vũng Liêm, Tam Bình, Long Hồ, Măng Thít, thành phố Vĩnh Long và Chợ Lách (nay thuộc Bến Tre ) ngày nay.
Sau Cách mạng Tháng Tám thành công, tỉnh Vĩnh Long bấy giờ gồm 4 quận Châu Thành, Tam Bình, Vũng Liêm và Chợ Lách. Để tiện hoạt động kháng chiến chống giặc Pháp, ngày 16/5/1948, tỉnh Vĩnh Long được nhập thêm 2 huyện Cầu Kè và Trà Ôn (Cần Thơ) và tách quận Châu Thành thành 2 quận: Quận Nhất và Quận Nhì nên tỉnh Vĩnh Long có Quận Nhất, Quận Nhì, Tam Bình, Cầu Kè, Vũng Liêm và Trà Ôn với 63 làng và 217.600 dân.
Năm 1951, nhập Vĩnh Long - Trà Vinh thành Vĩnh Trà gồm 10 huyện, thị: Thị xã Vĩnh Long, Thị xã Trà Vinh, các quận: Vũng Liêm, Tam Bình, Cái Ngang, Châu Thành, Càng Long, Trà Cú, Cầu Ngang và Duyên Hải (chính quyền Sài Gòn vẫn là 2 tỉnh Vĩnh Long và Trà Vinh).
Năm 1954, tách tỉnh Vĩnh Trà thành 2 tỉnh Vĩnh Long-Trà Vinh, tỉnh Vĩnh Long gồm thị xã Vĩnh Long, quận Châu Thành, quận Chợ Lách, quận Tam Bình, quận Long Hồ.
Năm 1956, thành lập thêm huyện Bình Minh. Năm 1969, nhập 2 huyện Vũng Liêm, Trà Ôn (Trà Vinh) vào Vĩnh Long. Trong quá trình kháng chiến chống Mỹ có lúc nhập các huyện Châu Thành, Lấp Vò, Lai Vung, thị xã Sa Đéc (tỉnh Đồng Tháp ngày nay) vào tỉnh Vĩnh Long và sau 1969, tách huyện Chợ Lách về Bến Tre.
Năm 1976 nhập 2 tỉnh Vĩnh Long, Trà Vinh thành tỉnh Cửu Long gồm 14 huyện, thị và ngày 28/12/1991, tách Cửu Long thành tỉnh Vĩnh Long và Trà Vinh (chính thức hoạt động ngày 5/5/1992).
Có thể thấy được qua nhiều lần chia, tách, sáp nhập của vùng đất Long Hồ dinh đều có sự gắn kết của cả 3 tỉnh mà trung tâm tỉnh lỵ các thời kỳ đa số đều là vùng đất Vĩnh Long. Tuy vùng đất này chưa phải là trung tâm (ở giữa) của 3 tỉnh nhưng lại là vị trí trung tâm của sự giao thoa giữa các tỉnh trong vùng (giáp ranh với 07 tỉnh vùng Tây Nam bộ), là nơi kết nối của các con đường huyết mạch của cả miền Nam như Quốc lộ 1A, Quốc lộ 53, 54, 57, 80 và cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ (chưa kể dự án đường sắt Thành phố Hồ Chí Minh - Cần Thơ đi qua Vĩnh Long với 02 ga Vĩnh Long và Bình Minh trong tương lai), do đó có thể xem đây là trung tâm để kết nối của vùng Tây Nam bộ.
Nhờ vị trí đặc biệt giữa hai nhánh sông Tiền và Hậu, Vĩnh Long trở thành vùng trù phú nhất đồng bằng sông Cửu Long. Lê Quý Đôn viết: "Sản lượng lúa thu hoạch được ở Long Hồ không những đáp ứng đủ nhu cầu lương thực tại chỗ mà còn dư thừa cung cấp cho vùng Thuận - Quảng và bán cho cả thương nhân các nước trong khu vực". Ngoài ra, sông Tiền và sông Hậu là 2 cửa ngõ ra biển Đông của cả vùng đồng bằng sông Cửu Long; Thông qua sông Tiền và sông Hậu, Vĩnh Long có thể mở rộng giao lưu kinh tế với quốc tế đặc biệt với các quốc gia có sông Mê Kông chảy qua như: Trung Quốc, Lào, Campuchia.
Từ lịch sử, vị trí địa lý có thể thấy vùng đất Vĩnh Long được Trung ương đặt tên và lấy làm trung tâm chính trị - hành chính là một quyết định đúng đắn, đúng từ quan điểm của Đảng (Nghị quyết số 60-NQ/TW ngày 12/4/2025 của Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII), đến thực tế của địa phương sau sáp nhập, do đó việc đặt tên và nơi đặt trung tâm chính trị - hành chính của tỉnh Vĩnh Long là vấn đề không cần phải bàn cãi, nếu thật sự quan tâm đến sự phát triển của Vĩnh Long thì cần góp ý để xây dựng chính quyền vững mạnh; tự xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế gia đình trong giai đoạn mới để đưa Vĩnh Long phát triển cùng với cả nước bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc./.
Thanh Tùng