
Đại biểu Quốc hội chuyên trách Trịnh Minh Bình bày tỏ sự thống nhất theo tờ trình của Chính phủ về thành lập Trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam. Theo đại biểu phân tích, trung tâm tài chính quốc tế đòi hỏi một môi trường pháp lý minh bạch, linh hoạt và có khả năng tương thích cao với chuẩn mực toàn cầu. Tuy nhiên, hệ thống pháp luật hiện hành tại Việt Nam chủ yếu phục vụ thị trường nội địa, thiếu các quy định đặc thù để thu hút các quy định chế tài chính quốc tế. Các Luật hiện hành như Luật Ngân hàng Nhà nước, Luật Các tổ chức tín dụng, Luật Ngoại hối,... vẫn còn thiên về kiểm soát thay vì tạo lập không gian đổi mới.
Ngoài ra, chính sách quản lý ngoại hối và chuyển tiền quốc tế vẫn chưa có cơ chế rõ ràng nhằm đảm bảo sự lưu chuyển tự do của dòng vốn xuyên biên giới. Việt Nam cũng đang thiếu các hành lang pháp lý thử nghiệm (sandbox) để ứng dụng công nghệ tài chính (fintech), phát triển tài sản số và ngân hàng số, đây là những yếu tố then chốt cho một trung tâm tài chính hiện đại. Một thách thức lớn hiện nay là Việt Nam chưa có đạo luật riêng cho mô hình trung tâm tài chính quốc tế. Việc quản lý và điều phối vẫn còn phân tán, thiếu tính kết nối và chưa có sự phân quyền rõ ràng cho các địa phương trong thử nghiệm các mô hình tài chính mới.
Trước thực trạng này, đại biểu Quốc hội chuyên trách Trịnh Minh Bình đề xuất Quốc hội cần xem xét đưa việc xây dựng Luật Trung tâm Tài chính quốc tế tại Việt Nam vào chương trình lập pháp nhiệm kỳ này, tạo nền tảng pháp lý cho sự phát triển của các trung tâm tài chính. Đồng thời, cần thành lập một cơ quan điều phối chuyên trách trực thuộc Chính phủ, có quyền đề xuất, giám sát và thúc đẩy triển khai thể chế tài chính đặc thù tại các trung tâm. Muốn trở thành điểm đến hấp dẫn của dòng vốn khu vực và toàn cầu, Việt Nam cần một tư duy cải cách pháp luật mạnh mẽ với hệ thống pháp lý tiên tiến, minh bạch và phù hợp với thông lệ quốc tế.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Quyên Thanh cho rằng chủ trương về việc thành lập Trung tâm Tài chính quốc tế tại Việt Nam được xem là một trong những chủ trương lớn, đúng đắn nhưng không ít những thách thức, khó khăn khi triển khai thực hiện trong thời gian tới, đại biẻu tin rằng đây sẽ là một bệ phóng để đưa Việt Nam bứt phá trong bối cảnh vươn mình của dân tộc và nâng tầm của đất nước, có thể đạt được mục tiêu tăng trưởng 100 năm cũng như trong kỷ nguyên mới. Việc xây dựng Trung tâm tài chính quốc tế sẽ là một tiền đề, một cầu nối phát huy vai trò kết nối, kêu gọi vốn đầu tư, giúp gia tăng khả năng hấp thụ vốn quốc tế, đồng thời cũng là kênh dẫn vốn cho các dự án, đặc biệt các lĩnh vực trọng điểm của khu vực như: phát triển bền vững, tài chính xanh, R&D, công nghệ cao và hướng tới Net Zero đây là những xu hướng đúng đắn trong bối cảnh hiện nay. Về nội dung, đại biểu đồng tình với những yếu tố, tiềm năng, Chính phủ đã nêu ra những điều kiện đảm bảo để khi Trung tâm tài chính quốc tế của Việt Nam được thành lập, khả năng những yếu tố dẫn đến thành công có thể thành hiện thực, tôi thống nhất với những dự báo, những tiềm năng, lợi thế. Việt Nam cũng đạt được những thành tựu quan trọng trong việc xây dựng thể chế thông thoáng, hạ tầng kết nối thông suốt và quản trị thông minh, Quốc hội đã thông qua rất nhiều Nghị quyết, cơ chế, chính sách đặc biệt trong xây dựng thể chế, kinh tế tư nhân và một số các chính sách đặc thù khác, phải nói rằng thể hiện quyết tâm chính trị rất cao.
Đối với Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh, đại biểu Quốc hội cử tri và Nhân dân thống nhất rất cao với việc sáp nhập các đơn vị hành chính cấp tỉnh, Chính phủ đã trình bày, lấy ý kiến của người dân đạt tỷ lệ rất cao, trên 90% và Hội đồng nhân dân từ cấp tỉnh đến cấp huyện thống nhất rất cao, đạt 100% trong việc sáp nhập các tỉnh. Thống nhất với Chính phủ cũng như Ủy ban Pháp luật và Tư pháp việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh thể hiện quyết tâm chính trị rất cao trong thực hiện tinh gọn tổ chức bộ máy và sắp xếp lại các đơn vị hành chính, quy mô phù hợp với trình độ phát triển năng lực quản lý và yêu cầu mở rộng không gian phát triển kết hợp với điều chỉnh cơ cấu kinh tế, phân bổ kết hợp các nguồn lực để tạo nền tảng ổn định lâu dài, sức bật cho đất nước đạt các mục tiêu. Nhìn vào bản đồ phân bổ các tỉnh thành mới của Chính phủ đưa ra, mỗi tỉnh đều có những tiềm năng, những lợi thế để phát triển, có rừng, có núi, có biển, có không gian rất lớn, quy mô lớn. Ví dụ như tỉnh Vĩnh Long mới sáp nhập từ Vĩnh Long, Trà Vinh, Bến Tre sẽ là một tỉnh có nguyên liệu trồng dừa lớn nhất cả nước, Bến Tre trên 80.000 hecta, Trà Vinh trên 20.000 hecta, Vĩnh Long trên 10.000 hecta, trên cả 100.000 hecta trồng dừa, trước đây tỉnh Vĩnh Long không có biển, không có rừng, không có núi nhưng khi sáp nhập thì không gian sẽ rất lớn, đường bờ biển 130km tạo ra một không gian phát triển về biển, có thuận lợi về điện gió, điện năng lượng mặt trời, nền văn hóa, bản sắc văn hóa dân tộc đa dạng hơn, đó cũng là những tiềm năng, lợi thế để Vĩnh Long có thể bứt phá và vươn lên đạt được mục tiêu phát triển trong thời gian tới. Tuy nhiên, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Quyên Thanh rất mong Chính phủ sẽ quan tâm để tiếp tục nâng cao đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ các cấp, từ cấp tỉnh đến cấp xã để có thể đảm đương được nhiệm vụ sau này trong một tư duy mới vì phải quản lý trong một tư duy mới, bối cảnh mới, không gian mới, tư duy phải có sự thay đổi khi đó mới mạnh mẽ trong phân cấp, phân quyền, dám làm, dám chịu trách nhiệm và dám đương đầu với các khó khăn, thách thức./.
Quỳnh Như