Việt Nam khi tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hiệp quốc luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, được lãnh đạo Liên hiệp quốc, đồng nghiệp quốc tế đánh giá cao đã tạo ấn tượng sâu sắc trong lòng bạn bè quốc tế về hình ảnh người lính mũ nồi xanh Việt Nam chuyên nghiệp, tinh thần kỷ luật, dũng cảm, nhân ái, luôn sẵn sàng hy sinh vì hòa bình, lan tỏa thông điệp mạnh mẽ về sự kiên cường và khát vọng hòa bình và những giá trị nhân văn sâu sắc của dân tộc Việt Nam, nâng cao vị thế, vai trò và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.
Đại biểu nhấn mạnh sự cần thiết phải ban hành Luật nhằm thể chế hóa đầy đủ chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, bảo đảm thực thi các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, đồng thời là cơ sở pháp lý quan trọng để các lực lượng gìn giữ hòa bình triển khai thống nhất, đồng bộ và hiệu quả. Tại Điều 25 của Dự thảo Luật quy định về chế độ, chính sách đối với lực lượng gìn giữ hòa bình trong suốt quá trình thực hiện nhiệm vụ ở nước ngoài và sau khi hoàn thành. Tuy nhiên, đại biểu cho rằng điều khoản này cần được cụ thể hóa hơn nữa về các loại “chế độ, chính sách ưu đãi” để đảm bảo quyền lợi tốt nhất cho người tham gia, từ đó giúp họ yên tâm công tác, thu hút được nguồn nhân lực chất lượng cao.
Tính đến nay, Việt Nam đã cử hơn 1.000 lượt quân nhân tham gia gìn giữ hòa bình, trong đó có trên 16% là nữ quân nhân. Theo Nghị định 07/2025/NĐ-CP mới ban hành, ngoài chế độ chung, nữ quân nhân còn được hưởng thêm phụ cấp như 3% mức sinh hoạt phí Lên hiệp quốc chi trả (khoảng 150 USD/người/tháng) và 10% mức chi trả bình quân trong đơn vị (khoảng 145 USD/người/tháng). Dù đã có sự quan tâm nhưng chính sách hiện nay mới chỉ dừng ở mức hỗ trợ chưa đủ khuyến khích và ưu tiên đặc thù cho lực lượng nữ so với một số quốc gia đã có chính sách riêng hỗ trợ nữ gìn giữ hòa bình như bảo hiểm y tế, tư vấn tâm lý, hỗ trợ tái hòa nhập, tạo điều kiện phát triển sự nghiệp, chính sách cho phụ nữ có con nhỏ…, Việt Nam cần có những quy định rõ ràng và tiến bộ hơn.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Quyên Thanh cũng kiến nghị cơ quan soạn thảo nên cụ thể hóa chính sách khuyến khích nữ tham gia như: điều kiện làm việc phù hợp, hỗ trợ gia đình, chính sách nghỉ phép linh hoạt, bố trí công tác sau nhiệm kỳ, ưu tiên các lĩnh vực như y tế, tâm lý học, bảo vệ trẻ em, phòng chống bạo lực giới những lĩnh vực Liên hiệp quốc đặc biệt khuyến khích nữ giới tham gia. Nếu Luật chỉ quy định khung thì đề nghị bổ sung thêm một khoản “Giao Chính phủ quy định chi tiết các chính sách ưu tiên cho nữ khi tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hiệp quốc” tại khoản 6 Điều 25 nhằm thể hiện rõ cam kết của Việt Nam trong thúc đẩy quyền phụ nữ và tăng hiệu quả hoạt động gìn giữ hòa bình.
Bên cạnh đó, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Quyên Thanh cũng hoàn toàn ủng hộ việc bổ sung đối tượng “cán bộ, công chức, viên chức nhà nước tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hiệp quốc” theo đề xuất của Chính phủ, điều này sẽ giúp Việt Nam mở rộng tầm ảnh hưởng trong các cơ quan hoạch định chính sách quốc tế, nhất là các vị trí lãnh đạo trong hệ thống Liên hiệp quốc. Kinh nghiệm quốc tế cho thấy nhiều quốc gia đã và đang cử lực lượng dân sự tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hiệp quốc. Cụ thể, Úc được đánh giá cao trong việc cử các nữ chuyên gia tham gia vào các vị trí bảo vệ quyền phụ nữ, trẻ em tại Nam Sudan, Đông Timor, Solomon...; Nhật cử “Cố vấn đặc biệt”, nhân viên kỹ thuật y tế, xây dựng, giáo dục; phối hợp cơ quan Hỗ trợ Phát triển Quốc tế (JICA) trong đào tạo và cử cán bộ dân sự gìn giữ hòa bình.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Quyên Thanh cũng đề xuất Chính phủ xây dựng đề án phát triển lực lượng dân sự chuyên biệt, tăng cường hợp tác đào tạo quốc tế, chia sẻ thực tiễn, chia sẻ bài học kinh nghiệm. Song song đó, cần sửa đổi các quy định về xây dựng, triển khai lực lượng tham gia gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc cho phù hợp với đối tượng áp dụng.
Kết thúc phần phát biểu, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Quyên Thanh khẳng định dự thảo Luật đã đặt nền tảng pháp lý quan trọng cho việc tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hiệp quốc. Tuy nhiên, để hoạt động này hiệu quả, bền vững cần cụ thể hóa hơn các chế độ ưu đãi, đặc biệt cho nữ và lực lượng dân sự, đồng thời đảm bảo quyền lợi tối đa cho người trực tiếp thực hiện nhiệm vụ. Việc sớm hoàn thiện và ban hành Luật sẽ thể hiện rõ cam kết, trách nhiệm của Việt Nam đối với cộng đồng quốc tế, đồng thời nâng cao vị thế đất nước trong công cuộc bảo vệ hòa bình, an ninh toàn cầu./.
Quỳnh Như