
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Quyên Thanh cho biết cử tri và Nhân dân đánh giá cao sự chỉ đạo quyết liệt, quyết tâm mạnh mẽ của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ, Quốc hội trong việc bảo đảm các chính sách của nghị quyết được thực hiện một cách hiệu quả không chỉ dừng lại ở chủ trương. Đây là một tín hiệu tích cực cho thấy sự đồng bộ từ trung ương đến địa phương, từ khâu hoạch định đến khâu thực thi, các nghị quyết quan trọng của Bộ Chính trị như Nghị quyết 57 về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, Nghị quyết 59 về hội nhập quốc tế, Nghị quyết 66 về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật và Nghị quyết 68 về phát triển kinh tế tư nhân đã lần lượt ra đờivà trong thời gian tới sẽ ban hành nghị quyết về giáo dục và y tế. Tất cả đang cho thấy một hướng đi cải cách hết sức mạnh mẽ và toàn diện, đồng bộ, nhất quán. Điển hình Nghị quyết 68 là “cuộc cách mạng về tư duy và thể chế” là bước ngoặt lớn, khơi thông điểm nghẽn thể chế, tiếp thêm khí thế cho kinh tế tư nhân vươn lên vai trò trụ cột, đóng góp mạnh mẽ vào nền kinh tế quốc dân.
Theo đó phát triển các doanh nghiệp trong nước vì mục tiêu kinh doanh lớn mạnh, có nhiều doanh nghiệp dân tộc đủ sức cạnh tranh quốc tế, tham gia hiện thực hoá các mục tiêu phát triển của đất nước trong kỷ nguyên mới, dẫn dắt cộng đồng doanh nghiệp trong nước phát triển, ngày càng có nhiều sản phẩm đủ sức cạnh tranh, thay thế hàng nhập khẩu, phát triển các sản phẩm mới dựa trên đổi mới sáng tạo, khoa học công nghệ, chuyển đổi số thực hiện ước mơ tăng trưởng nhanh, liên tục từ hai con số trở lên và thực hiện thành công 02 mục tiêu 100 năm, đến năm 2030 là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và đến năm 2045 trở thành nước xã hội chủ nghĩa phát triển có thu nhập cao.
Song song đó, đề nghị cần tăng cường cơ chế giám sát thực thi, đồng thời thiết lập kênh phản ánh riêng cho cộng đồng doanh nghiệp khi gặp khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn áp dụng, hướng dẫn cụ thể, phân định ranh giới rõ ràng để dễ dàng áp dụng trong thực tiễn, mang lại giá trị đích thực như kỳ vọng. Cách tiếp cận phát triển hạ tầng giao thông gần đây cũng là những khâu đột phá nếu hạ tầng giao thông không được quan tâm đầu tư đồng bộ, hiện đại thì không thể có được những kết quả như bây giờ. Việc phát triển hạ tầng giao thông quyết liệt, táo bạo vừa qua có thể nói là phi thường, tạo ch chúng ta niềm tin, như Thủ tướng Chính phủ hay nói "không gì là không thể". Gần đây nhất là triển khai và khánh thành hơn 80 dự án quan trọng quốc gia với số vốn gần 15 tỷ USD nhưng điều quan trọng nhất không phải ở số lượng dự án và vốn đầu tư mà là cách làm mới, với sự đồng thuận và tự tin toàn dân tộc. Việc sáp nhập các đơn vị hành chính cấp tỉnh, thành phố tại Việt Nam là một bước đi quan trọng trong quá trình cải cách hành chính, nhằm xây dựng bộ máy nhà nước tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; tạo không gian phát triển đa dạng, cả về tự nhiên, kinh tế, văn hóa, đặc biệt đã tận dụng tối đa hình thái không gian biển để kích hoạt liên thông núi rừng - đồng bằng - biển đảo nhằm bổ sung, tương tác, hỗ trợ cùng nhau phát triển nhưng vẫn giữ được bản sắc văn hóa vùng miền, địa phương.
Tuy nhiên, quá trình sáp nhập không chỉ mang lại những lợi ích về mặt tổ chức và quản lý mà còn đặt ra nhiều thách thức trong điều hành, quản lý địa bàn rộng lớn. Bên cạnh sự đoàn kết, thống nhất cao; quyết tâm chính trị mạnh mẽ; năng động và sáng tạo, chủ động nắm bắt thời cơ, vượt qua thách thức; giữ vững ổn định chính trị-xã hội, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Quyên Thanh đề nghị Chính phủ cần quan tâm một số nội dung sau đây:
Một là, cần có chính sách lớn đầu tư về cơ sở hạ tầng giao thông, hạ tầng nông nghiệp, đào tạo nguồn nhân lực, gắn kết giữa nông nghiệp và các ngành khác, tạo ra môi trường đầu tư hấp dẫn, sức hút hơn đối với doanh nghiệp đầu tư trong tương lai để phát triển bền vững vì ngoài phát triển nông nghiệp bền vững, phải gắn kết với các ngành kinh tế khác, chẳng hạn như công nghiệp (sử dụng nguyên liệu từ nông nghiệp), du lịch nông nghiệp,... để gia tăng giá trị. Đổi mới sáng tạo, tổ chức sản xuất theo chuỗi liên kết, hình thành các vùng nguyên liệu đủ lớn, đặc biệt là tổ chức liên kết phải tuân theo quy luật thị trường, hạn chế tối đa xuất khẩu thô, hình thành kênh tiêu thụ nông sản, phát triển thương mại điện tử theo chuỗi bền vững, ứng dụng truy xuất nguồn gốc, đáp ứng yêu cầu trong nước và quốc tế.
Hai là, sớm điều chỉnh quy hoạch không gian phát triển, xây dựng hệ thống hạ tầng liên thông, hiện đại và tích hợp, kể cả hạ tầng giao thông, hạ tầng viễn thông, hạ tầng đô thị, hạ tầng công nghiệp... kết nối hiệu quả với các tỉnh trong vùng, hình thành mạng lưới hạ tầng đồng bộ của cả vùng và cả nước.
Ba là, sớm hiện thực hóa chính sách miễn viện phí toàn dân. Đảng và Nhà nước đang hướng tới chính sách miễn 100% viện phí cho người dân, nhằm giảm gánh nặng tài chính và tạo điều kiện để người dân, đặc biệt là những người có hoàn cảnh khó khăn, dễ dàng tiếp cận các dịch vụ y tế chất lượng cao. Đây được xem là một bước đột phá trong chính sách y tế của Việt Nam, với mong muốn thực hiện mục tiêu “Không để bất kỳ ai bị bỏ lại phía sau”.
Do đó, Chính phủ cần quan tâm sớm có chính sách hỗ trợ khám sức khoẻ định kỳ cho người cao tuổi bắt đầu từ năm 2026, sau đó có lộ trình từng năm đến 2030 cho các đối tượng ưu tiên khác để tất cả người dân, đặc biệt người khuyết tật là những người chịu nhiều thiệt thòi trong cuộc sống sẽ được tạo điều kiện một cách tốt nhất để tiếp cận các dịch vụ y tế, phục hồi chức năng, chăm sóc sức khỏe thể chất và tinh thần thật đầy đủ và kịp thời./.
Quỳnh Như