Qua khảo sát cho thấy, kết quả thực hiện và giải ngân đến ngày 13/5/2025 trên địa bàn tỉnh có tỷ lệ 21,69%% cao hơn so với trung bình cả nước chung là 15,76% và cao hơn cùng kỳ năm trước. Nhưng để hoàn thành mục tiêu giải ngân 100% kế hoạch vốn đầu tư công trong năm 2025, cần các giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy tiến độ quyết liệt hơn nữa.

Kết quả giải ngân cao hơn mức bình quân chung cả nước
Với mục tiêu của kế hoạch khảo sát chính là rà soát tình hình giải ngân và tiến độ thực hiện XDCB có sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước trên địa bàn, Đoàn khảo sát Thường trực HĐND tỉnh đã làm việc trực tiếp với các lãnh đạo UBND tỉnh và các đơn vị, địa phương. Trong đó, có Kho bạc nhà nước Khu vực XVII, Sở Tài chính, Sở Nông nghiệp và Môi trường, Ban Quản lý (BQL) các dự án tỉnh, BQL Dự án Đầu tư xây dựng các công trình Nông nghiệp và Môi trường, Sở Xây dựng, Sở Công thương; cùng Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh và UBND các huyện Long Hồ, Mang Thít, Vũng Liêm, thành phố Vĩnh Long.
Tại buổi làm việc, BQL các dự án tỉnh đã báo cáo với Đoàn khảo sát về tiến độ của một số dự án lớn, có ý nghĩa quan trọng đối với hệ thống giao thông và phát triển đô thị địa phương, bao gồm: Đường Vành Đai 1 (huyện Vũng Liêm), giai đoạn 2 của tuyến ĐT907, Dự án Tuyến tránh QL57 (đường dẫn cầu Đình Khao); Dự án phát triển đô thị và tăng cường khả năng thích ứng biến đổi khí hậu thành phố Vĩnh Long. Với tổng vốn hơn 4.090 tỷ đồng được phân bổ trong năm 2025 (bao gồm cả vốn kéo dài từ năm 2024), đến nay Ban đã giải ngân được trên 355 tỷ đồng, tương đương 8,7%.
Về phía BQL Dự án đầu tư xây dựng các công trình Nông nghiệp và Môi trường tỉnh, báo cáo tại cuộc làm việc cho thấy, trong tổng vốn hơn 624,6 tỷ đồng được giao trong năm 2025, lũy kế giải ngân đến ngày 12/5/2025 của đơn vị đã đạt gần 201,9 tỷ đồng, tương đương 32,32%. Các công trình, dự án quan trọng Ban đang triển khai, có: Hệ thống thủy lợi Thanh Đức - Long Mỹ (huyện Long Hồ và Mang Thít); Đê bao chống ngập TP Vĩnh Long- khu vực sông Cái Cá; Sửa chữa kè sông Cổ Chiên - thuộc đoạn Phường 1 (TP Vĩnh Long)…
Năm 2025, tổng kế hoạch vốn tỉnh được Thủ tướng Chính phủ giao là hơn 5.839 tỷ đồng. Đến ngày 13/5/2025, đã giải ngân hơn 1.266 tỷ đồng (đạt 21,69% kế hoạch, cao hơn mức bình quân chung cả nước (15,76% ); ước giải ngân đến ngày 31/5 dự kiến đạt 28% kế hoạch. Đối với kế hoạch vốn được HĐND tỉnh phân bổ, đến ngày 13/5, tỷ giải ngân đã đạt 18,23% trong tổng số hơn 6.948 tỷ đồng; ước giải ngân đến ngày 31/5 dự kiến đạt 25% kế hoạch.
Bên cạnh những kết quả đạt được, các sở, ban, ngành, địa phương cũng thẳng thắn chỉ ra những khó khăn đang gặp phải. Trong đó, nổi lên là những vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng, gây ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ thi công; tình trạng khan hiếm nguồn cung cấp cát cũng đang cần giải pháp điều phối hiệu quả, kịp thời từ các cơ quan quản lý. Ngoài ra, việc một số dự án phải điều chỉnh phương án tổng mặt bằng và thiết kế để phù hợp hơn với yêu cầu thực tế cũng làm chậm tiến độ giải ngân cũng như tiến độ thực hiện.

Xây dựng kế hoạch thực hiện và giải ngân vốn cho từng dự án
Qua thực tế khảo sát và làm việc với đại diện các sở, ban, ngành, địa phương, chủ đầu tư, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Minh Dũng - Trưởng Đoàn khảo sát ghi nhận các kiến nghị, đánh giá cao những nỗ lực và kết quả toàn tỉnh đã đạt được trong công tác triển khai giải ngân vốn đầu tư công trong những tháng đầu năm 2025.
Đến nay, tỷ lệ giải ngân của tỉnh hiện tại đang cao hơn so với tỷ lệ trung bình của cả nước và so với cùng kỳ năm 2024. Mặc dù kết quả đạt được rất đáng khích lệ song Đoàn khảo sát cũng thẳng thắn đánh giá, so với mục tiêu kế hoạch tỉnh đã đề ra thì vẫn chưa đạt yêu cầu. Một số địa phương, chủ đầu tư chưa chủ động điều chỉnh quy hoạch, điều chỉnh chủ trương đầu tư, phương án bố trí tái định cư;… vẫn còn nhiều công trình, dự án còn vướng giải phóng mặt bằng chưa thông báo thu hồi đất; khan hiếm cát san lấp; còn trong quá trình điều chỉnh thiết kế, điều chỉnh chủ trương đầu tư; chưa hoàn thành điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất cấp huyện đến 2030, một số dự án còn chồng lấn trong quy hoạch... làm ảnh hưởng tiến độ thực hiện dự án, kết quả giải ngân kế hoạch vốn. Công tác phối hợp một số chủ đầu tư với chính quyền địa phương chưa chặt chẽ, dẫn đến chậm giải quyết vướng mắc liên quan, cá biệt một số trường hợp chưa xác định rõ trách nhiệm giải quyết.
Một số lãnh đạo đơn vị, địa phương chưa chủ động, chỉ đạo chưa quyết liệt trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng; chưa thường xuyên theo dõi để kịp thời chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, chưa có giải pháp tập trung, nhất là xây dựng tiến độ chi tiết cho từng dự án, kế hoạch thi công hàng tháng và cả năm 2025. Bên cạnh đó, còn nhiều vướng mắc tại một số dự án xây dựng cơ bản được phân bổ vốn lớn trên địa bàn vẫn chậm được khắc phục. Đó là còn chưa kể đến Dự án Sửa chữa Kè sông Cổ Chiên - thuộc đoạn phường 1, TP Vĩnh Long; Dự án Phát triển đô thị và tăng cường khả năng thích ứng biến đổi khí hậu thành phố Vĩnh Long… đang có nguy cơ khó bảo đảm tiến độ hoàn thành.
Trước thực tế trên, Đoàn khảo sát Thường trực HĐND tỉnh đề nghị, UBND tỉnh, các sở, ban, ngành, địa phương tiếp tục tập trung chỉ đạo quyết liệt, kịp thời tháo gỡ mọi khó khăn, vướng mắc; đồng thời, chỉ đạo xây dựng kế hoạch, tiến độ thực hiện và giải ngân đối với từng công trình, dự án được Đoàn khảo sát; cụ thể mốc thời gian thực hiện và hoàn thành các hạng mục công trình, dự án với các giải pháp tập trung thực hiện và kế hoạch giải ngân theo lộ trình đến cuối năm, nhằm hoàn thành kế hoạch đầu tư công năm 2025 đạt 100% kế hoạch vốn theo chỉ đạo của Chính phủ.
UBND các huyện, thị xã, thành phố khẩn trương thực hiện các nhiệm vụ giao, nhận, chuyển tiếp công trình, dự án thuộc trách nhiệm quản lý, thực hiện khi kết thúc hoạt động đơn vị hành chính cấp huyện kể từ ngày 01/7/2025, đảm bảo tính kế thừa liên tục, không để khoảng trống trong công tác quản lý và trách nhiệm pháp lý. Tăng cường công tác phối hợp, chỉ đạo thực hiện kịp thời các nhiệm vụ về công tác giải phóng mặt bằng, bố trí tái định cư, điều chỉnh quy hoạch đối với từng công trình, dự án có liên quan còn khó khăn, vướng mắc thuộc thẩm quyền, trách nhiệm giải quyết của UBND cấp huyện.
Sở Tài chính tham mưu UBND tỉnh ban hành các văn bản hướng dẫn, triển khai, tổ chức thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, bộ ngành Trung ương về thực hiện nhiệm vụ, giải pháp thực hiện giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2025. Tăng cường công tác rà soát, đảm bảo việc phân bổ các nguồn vốn XDCB năm 2025 được HĐND tỉnh giao đạt mục tiêu, hiệu quả, tránh lãng phí các nguồn vốn; thực hiện tốt công tác dự báo, kịp thời đề xuất, tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc công trình dự án liên quan.
UBND tỉnh chỉ đạo đẩy nhanh công tác thẩm định, trình phê duyệt hồ sơ, thủ tục đầu tư đối với các dự án vốn lớn; kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về khan hiếm cát san lấp, chênh lệch giá nguyên vật liệu, công tác giải phóng mặt bằng.
Cùng với đó, thành lập Tổ công tác do Chủ tịch UBND tỉnh làm Tổ trưởng, tập trung chỉ đạo, hướng dẫn bàn giao chuyển công trình, dự án cấp huyện chuyển cấp tỉnh, xã tiếp tục quản lý thực hiện; tăng cường công tác kiểm tra, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cụ thể của các công trình, dự án liên quan…; không để khoảng trống trong quản lý dự án; thực hiện thanh quyết hoàn thành dự án.
Chỉ đạo cơ quan chuyên môn đề xuất, nghiên cứu xây dựng mô hình đơn vị sự nghiệp quản lý dự án mới, để thực hiện các nhiệm vụ về XDCB tại cấp cơ sở; thực hiện bảo đảm việc chuyển giao, tiếp nhận công trình dự án phù hợp với tình hình kết thúc hoạt động đơn vị hành chính cấp huyện kể từ ngày 01/7/2025; kịp thời chuyển công năng sử dụng một số công trình, dự án bảo đảm phục vụ hoạt động của bộ máy hành chính cấp tỉnh, cấp xã sau khi sáp nhập.
UBND tỉnh cũng cần phát huy tốt hơn nữa vai trò lãnh đạo các sở, ngành theo từng lĩnh vực được phân công phụ trách liên quan nguồn vốn xây dựng cơ bản; tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong giải ngân vốn đầu tư công; xử lý nghiêm các chủ đầu tư, ban quản lý dự án, đơn vị thi công chậm tiến độ... Đặc biệt, cần chấn chỉnh tình trạng kéo dài thời gian, đùn đẩy trách nhiệm trước thời gian ngừng hoạt động của đơn vị hành chính cấp huyện.
Mặt khác, UBND tỉnh cần tiếp tục quyết liệt các giải pháp thu ngân sách để phân bổ cho các công trình, dự án theo kế hoạch. Chỉ đạo tạm ứng ngay cho các công trình, dự án đã có kết quả; rà soát hồ sơ thanh toán khối lượng thực hiện tại Kho bạc nhà nước, bảo đảm các nguồn vốn thanh toán, giải ngân chặt chẽ, kịp thời…/.
Hữu Tài